Thay máu
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra ngày 26/4, Kienlongbank sẽ bầu lại HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới. Điều đáng quan tâm là, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank không nằm trong danh sách ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới.
Trong khi đó, Eximbank dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ vào ngày 27/4. Với 4 ứng viên hiện thời, các cổ đông sẽ chọn ra 2 người tín nhiệm nhất bầu vào HĐQT tại kỳ ĐHĐCĐ lần này.
Nhân sự cấp cao không chỉ biến động ở khối cổ phần quy mô nhỏ và vừa, mà ngay ở những nhà băng lớn hiện cũng đang “khuyết” nhiều vị trí
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, trong kỳ ĐHĐCĐ này, nhân sự cấp cao Eximbank tiếp tục biến động mạnh. Thực tế, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank đã nóng từ năm 2015 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thực sự ổn định. Trước đó, Eximbank đã trải qua nhiều lần họp ĐHĐCĐ bất thành, vì không tìm được sự đồng thuận của cổ đông lớn trong vấn đề lựa chọn người vào HĐQT.
Ngày 20/4, ĐHĐCĐ Sacombank thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân đối với ông Kiều Hữu Dũng và bầu bổ sung bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 và ông Nguyễn Văn Huynh - thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Trong khi đó, ĐHĐCĐ của LienVietPostBank đã thay đổi HĐQT và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2018 - 2023. Tân Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này là ông Nguyễn Đình Thắng - nguyên Phó chủ tịch HĐQT. Trước đó, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng đã có đơn xin rời ghế “nóng” vì tình hình sức khỏe.
Không dễ “chọn mặt gửi vàng”
ĐHĐCĐ Ngân hàng ACB lần này cũng bầu lại HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới. Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ACB bầu HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 với 8 ứng viên, gồm: ông Trần Hùng Huy, ông Nguyễn Thành Long, ông Dominic Scriven, bà Đinh Thị Hoa, bà Đặng Thu Thủy, ông Đàm Văn Tuấn, ông Hiệp Văn Võ (thành viên HĐQT độc lập) và ông Huang Yuan Chiang (thành viên HĐQT độc lập).
Như vậy, so với danh sách ứng viên đề cử và ứng cử công bố trước đây gồm 11 người (trong đó ACB đề cử 10 người và có một ứng viên được nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn đề cử), thì Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận 3 ứng viên là ông Nguyễn Văn Hòa, Phó tổng giám đốc ACB; ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB và ông Nguyễn Duy Hưng, ứng viên do nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên đề cử.
Vì thế, nhóm cổ đông đề cử ông Nguyễn Duy Hưng đã lên tiếng phản đối và yêu cầu bầu tất cả 11 ứng viên. Thậm chí, nhóm cổ đông này còn nghi ngờ ACB đã không gửi đủ danh sách 11 người cho Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ACB khẳng định, đã gửi đầy đủ danh sách lên Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, khả năng ông Nguyễn Duy Hưng vào HĐQT ACB là không dễ.
Nhân sự cấp cao ngành ngân hàng không chỉ biến động ở khối cổ phần quy mô nhỏ và vừa, mà ngay ở những nhà băng lớn hiện cũng đang “khuyết” nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao.
Bên cạnh đó, theo dự báo, nhân sự cấp cao ngân hàng sẽ tiếp tục dịch chuyển trong thời gian tới, bởi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác. Do đó, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn, hoặc là ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp.
Đây là một lựa chọn khó khăn cho các nhà băng, song người mới cũng không dễ vào.