Theo đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung nhân sự ở mảng công nghệ, dữ liệu phục vụ cho việc phát triển hệ thống, chuyển đổi số và phát triển đội ngũ bán hàng (Giám đốc chi nhánh, Giám đốc vùng).
“Khẩu vị” dần thay đổi
Còn nhớ thời điểm năm 2009, một ngân hàng nước ngoài chính thức đi vào hoạt động tại thị trường tài chính Việt Nam với 100% vốn nước ngoài. Trao đổi với báo chí trong buổi họp báo, vị tổng giám đốc người nước ngoài, gương mặt mới trong hệ thống ngân hàng Việt nhưng được thị trường đánh giá là “lão luyện” với tuyên bố: “Ngân hàng chúng tôi là “máy bay phản lực” sẽ bay với “hai động cơ” là ngân hàng bán lẻ và ngân hàng bán buôn”.
Câu chuyện ngân hàng bán lẻ đối với các ngân hàng trong nước được đề cập nhiều trong những năm gần đây và sẽ thấy là chuyện bình thường nhưng tại thời điểm năm 2009, khi các ngân hàng Việt vẫn chủ yếu hướng vào bán buôn thì vị tổng giám đốc ngoại đúng là “lão luyện” khi xác định Việt Nam là thị trường tiềm năng cho hoạt động ngân hàng bán lẻ với quy mô dân số lớn, trẻ, trình độ dân trí và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng…
Nhận định này tiếp tục đúng đến thời điểm hiện tại nhưng đẩy mạnh được dịch vụ bán lẻ trong thời gian tới, công nghệ được nhìn nhận là giải pháp, là tương lai của ngân hàng bán lẻ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin. Trong “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của NHNN xác định mục tiêu hướng đến vào năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.
“Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchains và tự động hoá trong quy trình ở cấp độ vi mô mà còn là chuyển đổi toàn bộ mô hình, chiến lược và văn hoá kinh doanh của ngân hàng - trên nền tảng sự đổi mới công nghệ. Điều này sẽ đòi hỏi “làn gió” mới cho bối cảnh mới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo đó, TS. Hiếu chia sẻ thêm, nhân sự cấp cao nước ngoài mang đến các sáng kiến, xu hướng mới về kĩ thuật số, giúp đẩy mạnh sự chuyển hóa nguồn lực doanh nghiệp với các thế mạnh khác nhau, tạo ra quy trình làm việc chuyên nghiệp hơn, đưa doanh nghiệp phát triển lên tầm cao mới hoạt động hiệu quả hơn.
Đồng thời với xu hướng lãnh đạo cao cấp là người nước ngoài, dàn nhân sự điều hành được bổ nhiệm trong thời gian gần đây tại các ngân hàng cũng có những thay đổi với độ tuổi khá trẻ. Ví dụ như tại SHB, nhân sự cấp cao đang có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện nhiều thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng giám đốc, các Giám đốc/Phó Giám đốc Khối là thế hệ 8x.
Quan trọng là tiếp nối truyền thống
Dự báo làn sóng nhân sự giữ những vị trí chủ chốt tại các ngân hàng sẽ tiếp tục biến động do nhiều nguyên nhân như củng cố bộ máy lãnh đạo hay định hướng lại chiến lược kinh doanh được thị trường "gọi tên" Vietcombank, VietinBank, SHB… Ở góc độ nào đó, đây cũng là tín hiệu tích cực thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, thể hiện sự tin tưởng vào tầm nhìn chiến lược mới của các ngân hàng, đặc biệt khi đã trải qua quá trình tái cấu trúc thành công và bước vào giai đoạn cơ cấu mới.
Như tại SHB, vốn được biết đến là ngân hàng có đội ngũ lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và gắn bó, hầu như không có sự biến động trong khi trong hệ thống các ngân hàng liên tục thay đổi nhân sự cấp cao. Một chiến lược nhân sự phù hợp đã hỗ trợ đắc lực SHB có những bước phát triển an toàn, chắc chắn khi nhận sáp nhập thành công Habubank và trở thành thương vụ thành công điển hình trong đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng.
Theo đó, SHB trong Top đầu ngân hàng thương mại tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt hơn 458 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ hiện nay đạt hơn 19.260 tỷ đồng, vốn tự có đạt 40.425 tỷ đồng và quy mô và tiềm lực tài chính tiếp tục vững mạnh, trên đà bứt tốc. Từ năm 2020, SHB cũng đã hoàn thành quá trình sáp nhập Habubank, xử lý cơ bản các tồn đọng theo Đề án nhận sáp nhập, mở ra một giai đoạn mới bứt phá. Và năm 2021, trong bối cảnh đại dịch gây nhiều khó khăn, mục tiêu lợi nhuận của Ngân hàng đặt ra cao nhất từ trước đến nay.
Và những nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của SHB đạt 3.095 tỷ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 332 nghìn tỷ đồng, tăng 8,46% so với cuối năm 2020. Huy động vốn hợp nhất đạt 423 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020. Với kết quả này, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của SHB (ROE) đạt tới 24,3%, tương đương với chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.
Điểm nổi bật của của Ngân hàng là đã xây dựng kế hoạch sẽ xử lý dứt điểm nợ bán VAMC và nợ Vinashin trong năm 2021 và năm 2022. Tuy nhiên, SHB đang đề ra mục tiêu thách thức hơn so với kế hoạch tại ĐHĐCĐ đã công bố, cụ thể SHB có thể sẽ xử lý xong toàn ngay trong năm 2021. Nếu hoàn thành mục tiêu thách thức trên, SHB sẽ không chỉ cải thiện toàn diện về chất lượng tài sản, nợ xấu mà còn tạo tiền đề cho sự bùng nổ mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh cho các năm tiếp theo kể từ 2021.
“Đó là những nền tảng để Ngân hàng chuẩn bị cho các thương vụ “khủng” trong năm nay như thực hiện kế hoạch tăng vốn lên hơn 26 nghìn tỷ đồng; chuyển sàn và khóa room ngoại ở mức 10% nhằm tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bán công ty tài chính SHB… đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng tầm SHB lên một vị thế mới. Thêm nguồn lực phát triển, đầu tư các dự án công nghệ và đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng…”, một lãnh đạo cao cấp SHB chia sẻ.
Và vị lãnh đạo cao cấp của SHB cũng cho biết thêm: “Để chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc sắp tới, Tổng Giám đốc nội hay ngoại không quan trọng, điều quan trọng là Tổng Giám đốc mới của Ngân hàng sẽ là Người tiếp tục duy trì những yếu tố truyền thống, nòng cốt, sống còn của SHB là tâm, tầm, tài”.
Báo cáo của Navigos cho biết thêm, vẫn xuất hiện nhu cầu tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm tại các công ty lớn ở nước ngoài trong các ngành nghề mới như Dữ liệu (Big Data), Thiết kế, Marketing, Chuyển đổi số. Các ứng viên được các ngân hàng thương mại Việt Nam ưa chuộng trong mảng này là Việt Kiều, chuyên gia nước ngoài từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.