Nhân sự cấp cao bảo hiểm: Khuyết cả... CEO

Nhân sự cấp cao bảo hiểm: Khuyết cả... CEO

(ĐTCK) Thời gian gần đây, nhân sự cấp cao nhất về điều hành tại một số DN bảo hiểm phi nhân thọ liên tục được luân chuyển và trong số đó, có những doanh nghiệp buộc phải để trống ghế CEO trong một thời gian không ngắn.

Nhân sự cấp cao bảo hiểm: Khuyết cả... CEO ảnh 1Các DN bảo hiểm nước ngoài thường có sự chuẩn bị tốt cho vị trí CEO

 

Từ những chiếc ghế CEO… chưa ấm

Phần lớn DN phải thay đổi giám đốc điều hành trong thời gian gần đây xuất phát từ việc thay đổi cơ cấu sở hữu. Một số thì do nhân sự của vị trí này chuyển sang đầu quân cho DN khác. Nhiều DN đã nhanh chóng tìm được người thay thế, nhưng cũng có DN, vì nhiều lý do, đang tạm thời để khuyết vị trí này.

Trong số những DN bổ nhiệm CEO thay thế kịp thời có PJICO. Tại DN này, cùng với chủ trương tái cấu trúc DN, ông Nguyễn Anh Dũng, người đại diện phần vốn của Tập đoàn Xăng Dầu tại PJICO đã không còn đảm đương chức vụ CEO. Ngay lập tức, PJICO đã tiến hành các thủ tục cần thiết để ông Đào Nam Hải chính thức được bổ nhiệm thay thế từ ngày 1/3/2013.

Mới đây, tại Liberty Việt Nam , ông Đỗ Quang Thuận vừa được bổ nhiệm là tân CEO, thay thế ông Carlos Vanegas.

Hay tại SVIC, dù mất thời gian tìm người hơn PJICO và Liberty, nhưng đến nay, Công ty đã có tân CEO là ông Bùi Gia Anh, thay thế ông Bùi Đức Song sau khi nhóm cổ đông T&T, SHS, SHB cùng một vài cổ đông khác nắm quyền chi phối, thay thế Vinacomin.

Trong khi đó, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (MIC) và Công ty TNHH MTV Bảo hiểm VietinBank (Bảo Ngân) là hai trong số những DN còn đang để ngỏ vị trí tổng giám đốc điều hành. Trong đó, Bảo Ngân để tình trạng khuyết CEO kéo dài hàng năm nay, kể từ khi ông Phạm Gia Anh rời đi.

Hiện tại, ở MIC, ông Lê Như Hải đang điều hành chính với chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách kiêm người đại diện trước pháp luật. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Hiện đảm trách 2 vị trí là Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng giám đốc thường trực.

Ngoài MIC và Bảo Ngân, tại một vài DN bảo hiểm phi nhân thọ khác, chức danh tổng giám đốc vẫn gắn với chữ “quyền” đằng trước.

 

Đến chuyện chiến lược nhân sự cấp cao

Không ít DN bảo hiểm coi việc khuyết vị trí CEO là nguyên nhân chính của việc không về đích doanh thu cũng như lợi nhuận. Theo phó giám đốc phụ trách pháp lý của một DN bảo hiểm nước ngoài, mặc dù các văn bản pháp lý về bảo hiểm không đề cập sâu đến việc DN được quyền khuyết chức danh CEO trong bao lâu, nhưng để đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục cho DN, về nguyên tắc, DN phải duy trì vị trí này.

Bởi vậy, để khuyết vị trí CEO là một tình cảnh bất đắc dĩ, do cả những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trên thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn “rất trẻ”, nên những nhân sự cao cấp người bản địa, với yêu cầu kinh nghiệm lâu năm chỉ như “lá mùa thu”.

Chia sẻ với ĐTCK, chủ tịch một DN bảo hiểm khuyết CEO cho hay, trong bối cảnh nhân sự cấp cao khan hiếm, trong khi chuẩn CEO theo quy định mới tại Thông tư 124/2012/TT-BTC lại khắt khe hơn thì không dễ tìm được ứng viên như ý. Hơn thế, sau khi lựa xong, lại thêm một công đoạn nữa là trình Bộ Tài chính phê chuẩn nên cũng mất thêm thời gian. Cho nên, DN nào không chủ động tạo nguồn lãnh đạo điều hành cấp cao từ trước thì chậm trễ bổ nhiệm là đương nhiên.

Theo giám đốc phụ trách nhân sự của một DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thì việc thay đổi người điều hành tại khối DN nước ngoài thường diễn ra chủ động hơn, nằm trong kế hoạch phát triển và chuyển đổi nhân sự cấp cao của DN.

Có thể nhận thấy điều này qua trường hợp Liberty Việt Nam . Tại đây, việc thay đổi CEO là một phần của kế hoạch phát triển và luân chuyển đội ngũ nhân sự quản lý tại các địa phương nơi Tập đoàn Bảo hiểm Liberty Mutual Insurance hoạt động. Tân CEO là ông Thuận cũng đã tham gia chương trình đào tạo nhân sự chủ chốt của Liberty Mutual Insurance từ năm 2006, sau khi tốt nghiệp xuất sắc thạc sỹ quản trị kinh doanh, chuyên ngành tài chính tại Đại học Michigan (Mỹ). Trong thời gian qua, ông Thuận đã đảm nhận nhiều vị trí của Tập đoàn tại Mỹ , Venezuela , Columbia và Việt Nam .

Không có điều kiện như các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài, về bề dày kinh nghiệm cũng như mức độ phủ rộng, nhưng các DN bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam có thể học được điều gì đó từ các DN này trong cách làm chiến lược nhân sự cấp cao, nhằm hạn chế sự gián đoạn không đáng có trong công tác điều hành.