Nhân sự cao cấp: Định vị thương hiệu doanh nghiệp

(ĐTCK) Nhân sự, một trong những yếu tố cốt lõi, quan trọng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nên luôn nhận được sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là nhân sự cấp cao.

Được đào tạo để tiếp quản

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, sản phẩm và dịch vụ là yếu tố chính tạo nên thương hiệu doanh nghiệp, còn trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, bên cạnh yếu tố sản phẩm, dịch vụ, nhân sự là những “điểm tựa niềm tin” rất quan trọng.

“Nhân sự cấp cao giúp khách hàng yên tâm, tin tưởng vào ngân hàng, nơi ‘nắm giữ hầu bao’ của gia đình”, một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự nhận định.

Để tạo nên một nhân sự, các lãnh đạo trong hệ thống ngân hàng luôn nằm lòng 3 chữ B “Build (xây dựng), Buy (mua), Borrow (mượn)”. Borrow thường là mượn chuyên gia nước ngoài để đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ.

Buy là tuyển dụng từ các ngân hàng khác về để đẩy quá trình phát triển nhanh hơn. Build là xây dựng đội ngũ trong nội bộ cho từng vị trí. Tùy “khẩu vị” của từng ngân hàng trong mỗi giai đoạn có thể khác nhau, nên những quyết định được đưa ra sẽ khác nhau, nhưng lý tưởng nhất là Build, đặc biệt cho các vị trí cấp cao.

Theo thông lệ về nhiệm kỳ, cuối năm 2024 một số ngân hàng nước ngoài sẽ công bố thông tin về nhân sự cấp cao. Trong đó, trong tháng 9/2024, Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) chính thức công bố bà Nguyễn Thúy Hạnh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư.

Bà Hạnh không phải là nữ Tổng giám đốc đầu tiên, nhưng là nữ Tổng giám đốc người Việt đầu tiên nhận trọng trách này tại Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nên thị trường có những quan tâm nhất định. Khi hỏi có thấy áp lực khi nhận nhiệm vụ, bà Hạnh cho biết, không cảm thấy áp lực, bởi nếu thấy áp lực đã không nhận nhiệm vụ.

"Tôi vinh dự là Tổng giám đốc người Việt đầu tiên, với kinh nghiệm lâu năm làm việc tại ngân hàng toàn cầu và am hiểu sâu sắc thị trường Việt Nam" - Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

"Tôi vinh dự là Tổng giám đốc người Việt đầu tiên, với kinh nghiệm lâu năm làm việc tại ngân hàng toàn cầu và am hiểu sâu sắc thị trường Việt Nam" - Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

“Tôi đã gắn bó với Standard Chartered được 28 năm. Bản thân tôi đã được rèn luyện, trau dồi và phát triển cùng với sự phát triển của Ngân hàng, nên tôi sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ mới. Ngân hàng Standard Chartered trao cho tôi sự lựa chọn và tôi đã nhận lời, vì tôi thích vai trò, nhiệm vụ mới và tin chắc tôi có thể làm tốt hơn nữa”, bà Hạnh nói.

Ngày 1/8/2009, Standard Chartered chính thức đi vào hoạt động, còn trước đó là văn phòng đại diện của Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam được thành lập từ năm 1990.

Với mốc thời gian 28 năm gắn bó với Standard Chartered Việt Nam cho thấy, bà Hạnh là một trong những nhân sự nòng cốt, đi cùng Ngân hàng từ những ngày đầu cho đến nay. Theo bà Hạnh, tất cả các lãnh đạo của Ngân hàng Standard Chartered đều là những người rất đặc biệt, năng lực lãnh đạo rất tốt, có kinh nghiệm và mỗi người có một thế mạnh khác nhau.

“Tôi vinh dự là Tổng giám đốc người Việt đầu tiên, với kinh nghiệm lâu năm làm việc tại ngân hàng toàn cầu và am hiểu sâu sắc thị trường Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến những thay đổi và sự phát triển đáng kể của ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Standard Chartered”, bà Hạnh nói.

Người thành công có lối đi riêng

Ngân hàng mảng bán buôn trong khối ngân hàng nước ngoài nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt nói chung không hề xa lạ với cái tên Nguyễn Thúy Hạnh đến từ Standard Chartered Việt Nam.

Người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Standard Chartered Việt Nam, đặc biệt của khối ngân hàng bán buôn lớn mạnh vượt bậc trong 28 năm qua và có một vị thế đặc biệt trên thị trường. Dù vậy, rất khiêm tốn, bà Hạnh nhấn mạnh về sự hiện diện của Standard Chartered tại 52 thị trường năng động trên thế giới.

“Chúng tôi có một vị trí đặc biệt thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào thị trường Việt Nam, cũng như kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống khách hàng trong mạng lưới trên hành trình phát triển toàn cầu. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp và định chế tài chính Việt Nam huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ thị trường quốc tế”, bà Hạnh nói.

Standard Chartered sẽ không ngừng nâng cao nền tảng kỹ thuật số, mang đến những giải pháp sáng tạo để nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng

Standard Chartered sẽ không ngừng nâng cao nền tảng kỹ thuật số, mang đến những giải pháp sáng tạo để nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng

Bên cạnh khối bán buôn, bà Hạnh cho biết, định hướng phát triển khách hàng cá nhân là tập trung vào phân khúc khách hàng ưu tiên. Ngân hàng tiếp tục chú trọng phát triển các dòng sản phẩm quản lý tài sản, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Với kinh nghiệm quốc tế từ các nước phát triển trong khu vực, điều khác biệt bà Hạnh tin rằng, đó là mang đến những giải pháp tài chính giúp khách hàng tối ưu hóa việc quản lý tài sản của mình.

Giữ quan điểm, muốn đi xa hãy đi cùng nhau, bà Hạnh chia sẻ, luôn tích cực hỗ trợ và chia sẻ những thông lệ tốt nhất trong ngành và quốc tế, giúp các khách hàng, đối tác, cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý trong việc đào tạo về các sản phẩm chuỗi cung ứng, vốn, mua bán sáp nhập, quản trị…

“Những công việc tôi đã và đang làm tại Ngân hàng đều gắn liền với khách hàng, đối tác, thị trường và cộng đồng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu hoạt động chung của Ngân hàng, tôi và các cộng sự sẽ tập trung vào ba trọng tâm chính: Khách hàng, Nhân lực và Công nghệ”, bà Hạnh nói.

Ngoài ra, với định hướng từ Chính phủ Việt Nam về việc phát thải ròng bằng 0, bà Hạnh cho biết, Standard Chartered đã và đang tích cực tham gia để hỗ trợ thực hiện Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng. Không ngừng tìm kiếm các cơ hội tài trợ bền vững cho các ngân hàng, doanh nghiệp địa phương và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam.

Bà Hạnh nói: “Tôi sẽ tận dụng thế mạnh và nền tảng này để tiếp tục xây dựng chiến lược kinh doanh của khối khách hàng bán buôn và bán lẻ, tạo ra nhiều giá trị cho các đối tác tại Việt Nam”.

Về mặt nhân lực, bà Hạnh chia sẻ, các nhân viên của Standard Chartered sẽ tiếp tục được đào tạo, trau dồi, nâng cao và phát triển năng lực để có thể phát triển và hòa nhập tốt nhất trong bối cảnh chuyển đổi số rất nhanh của ngành ngân hàng.

Tất cả những điều này nhằm mang đến hiệu suất hoạt động hiệu quả nhất, cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho các khách hàng, đồng thời củng cố vị thế cạnh tranh của Ngân hàng ở thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

“Thế giới ngày càng phát triển không ngừng nên chiến lược của Standard Chartered cũng sẽ được cập nhật để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường. Điều chắc chắn, chúng tôi sẽ không ngừng nâng cao nền tảng kỹ thuật số, mang đến những giải pháp sáng tạo để nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Cơ hội truyền cảm hứng

Khi nghĩ đến nhân sự ngành tài chính - ngân hàng, mọi người thường nghĩ là nơi mà đàn ông nhiều hơn và hay được đánh giá cao hơn phụ nữ. Nhưng theo bà Hạnh, đàn ông hay phụ nữ đều có thế mạnh riêng và những lợi thế nhất định trong các ngành nghề, không chỉ là ngành tài chính.

“Tôi không nghĩ xã hội ngày nay đánh giá dựa trên giới tính, mà là năng lực và giá trị mà họ đóng góp cho tổ chức và cộng đồng”, bà Hạnh nêu quan điểm.

Dẫn chứng thực tế hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, bà Hạnh cho biết, phụ nữ vẫn chiếm đa số, khoảng 60% lực lượng lao động. Tuy nhiên, bà Hạnh thừa nhận, nữ giới nắm giữ chưa đến 30% các vị trí quản lý cấp cao trong ngành.

“Điều này chứng tỏ chúng ta vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy bình đẳng giới và giúp nữ giới phát triển sự nghiệp tốt hơn, đạt được những vị trí cao hơn trong tổ chức. Thông qua các hoạt động, kiến thức và kinh nghiệm, phụ nữ cũng thể hiện được giá trị họ mang lại không hề thua kém đàn ông”, bà Hạnh nói.

Đối với bà Hạnh, ngành tài chính mang đến cơ hội được tiếp xúc với nhiều ngành nghề của nền kinh tế, nên vô cùng đa dạng và thú vị. Cơ hội học hỏi và nguồn kiến thức là vô hạn, nên sẽ học được rất nhiều từ các khách hàng và các đối tác làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Bà Hạnh tâm sự: “Nếu được chọn lựa lại tôi vẫn chọn ngành này, vì sau gần 30 năm, tôi vẫn rất thấy thú vị và đam mê khi làm nghề. Đồng thời, tôi thấy rất vui khi có cơ hội truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp và đối tác của Ngân hàng”.

Năm mới trong vị trí mới, vai trò mới và nhiệm vụ mới, bà Hạnh mong ước sức khỏe, may mắn và thành công cho bản thân, gia đình và tất cả thành viên của Ngân hàng Standard Chartered. Mong muốn Ngân hàng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, tạo thêm được nhiều giá trị cho khách hàng, đối tác và cộng đồng để đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

“Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và kiến tạo sự thịnh vượng thông qua hệ thống mạng lưới rộng khắp toàn cầu. Bên cạnh đó, các sản phẩm tài chính đa dạng và tối ưu, như lời hứa thương hiệu Here for Good”, bà Hạnh nói.

Tin bài liên quan