Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhận món quà lớn, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

(ĐTCK) Thông tin tích cực về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã giúp giới đầu tư hứng khởi trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Theo thông tin Tân Hoa xã của Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về nguyên tắc đối với một số vấn đề chính trong cuộc đàm phán vừa diễn ra tại Bắc Kinh.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Washinton vào tuần tới và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stephen Mnuchin cũng nói rằng, các cuộc đàm phán sẽ được thực hiện, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi ý về việc gia hạn thời hạn chót.

Thông tin trên đã giúp giới đầu tư hứng khởi trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giúp cả 3 chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh trong phiên này.

Kết thúc phiên 15/2, chỉ số Dow Jones tăng 339,98 điểm (+1,33%), lên 25.883,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,87 điểm (+1,09%), lên 2.775,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 45,46 điểm (+0,61%), lên 7.472,41 điểm.

Những phiên tăng mạnh liên tiếp trong tuần đã giúp Dow Jones và Nasdaq có tuần tăng thứ 8 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones tiếp tục tăng 3,09%, S&P 500 tăng 2,50% và Nasdaq tăng 2,51%.

Thông tin tích cực về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung mà Tân Hoa xã đưa ra cũng giúp giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu hào hứng. Ngoài ra, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán khu vực này còn kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ với các ngân hàng sau khi thành viên HĐQT ECB Benoit Coeute cho biết, một đợt mới của TLTRO (khoản vay giá rẻ dài hạn cho các ngân hàng) là rất có thể.

Những thông tin trên giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên cuối tuần, lấy lại mức cao nhất 3 tháng và có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2018.

Kết thúc phiên 15/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,67 điểm (+0,55%), lên 7.236,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 210,01 điểm (+1,89%), lên 11.299,80 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 90,67 điểm (+1,79%), lên 5.153,19 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE tăng 2,34%, chỉ số DAX tăng 3,60% (tuần tăng thứ 3 liên tiếp của 2 chỉ số này) và chỉ số CAC40 tăng 3,86% sau khi điều chỉnh 1,15% tuần trước.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu bán lẻ gây thất vọng của Mỹ được công bố trong ngày thứ Năm khiến chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh theo trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng giảm mạnh trong phiên này sau dữ liệu kinh tế thất vọng của Trung Quốc và sự không chắc chắn của đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Cụ thể, Báo cáo kinh tế thường niên của Trung Quốc cho thấy 17/31 tỉnh của nước này không đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chỉ 6,6%.

Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc trong tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 1/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016, và chậm lại so với mức tăng 0,9% trong tháng trước.

Kết thúc phiên 15/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 239,08 điểm (-1,13%), xuống 20.900,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,31 điểm (-1,37%), xuống 2.682,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 531,21 điểm (-1,87%), xuống 26.900,84 điểm.

Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Nikkei 225 vẫn tăng 2,79% trong tuần qua, lấy lại cả vốn lẫn lãi đã cho vay tuần trước (tuần trước đó giảm 2,19%). Trong khi đó, chỉ số Hang Seng quay đầu giảm 3,74% chấm dứt chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp. Chứng khoán Trung Quốc dù giảm mạnh phiên cuối tuần, nhưng vẫn có mức tăng 2,45% trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và cũng là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của chỉ số Shanghai composite.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, dù chứng khoán khởi sắc với kỳ vọng lạc quan về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, nhưng với việc Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới vẫn giúp giá vàng có phiên tăng mạnh trong ngày cuối tuần, lên mức cao nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 15/2, giá vàng giao ngay tăng 9,1 USD (+0,69%), lên 1.321,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 8,2 USD (+0,62%), lên 1.322,1 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,56% sau khi điều chỉnh 0,24% tuần trước đó, giá vàng tương lai cũng hồi phục 0,30% sau khi mất 0,27% tuần trước đó.

Cụ thể, trong 17 chuyên gia trả lời, có 13 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 76%, cao hơn so với con số 73% của tuần trước; có 2 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 12%, thấp hơn so với 13% của tuần trước và 2 người dự báo giá sẽ đi ngang.

Một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng sẽ chinh phục ngưỡng kháng cự 1.350 USD/ounce trong tuần này. Vì vậy, bất kỳ sự điều chỉnh nào sẽ là một cơ hội tốt để mua vào.

Trong khi đó, trong 455 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 244 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần mới, chiếm 54%, thấp hơn chút ít so với con số 55% của tuần trước; 115 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 25%,thấp hơn con số 28% của tuần trước và 96 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 21%.

Thông tin tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp giá dầu thô khởi sắc trong phiên cuối tuần với mức tăng hơn 2%, qua đó có tuần tăng mạnh, lấy lại cả vốn lẫn lãi đã mất trong tuần trước đó.

Kết thúc phiên 15/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,18 USD (+2,12%), lên 55,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,68 USD (+2,54%), lên 66,25 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 5,44% và giá dầu thô Brent tăng 6,68%.

Tin bài liên quan