Nhân lực ngân hàng vừa thiếu vừa yếu

Hiện nay cuộc cạnh tranh ác liệt nhất giữa các ngân hàng là cạnh tranh nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực cấp cao và cấp trung thường nhảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Cái khó của các ngân hàng là làm sao giữ được cũng như thu hút được người tài.

Hiện trong nước có khá nhiều trường đại học có chuyên ngành đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng, nhưng ngành tài chính - ngân hàng vẫn kêu thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

 

Thời gian qua nhiều ngân hàng có tốc độ phát triển nguồn nhân lực khá cao, từ 30-70%, thậm chí có nơi đến 150%. Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) trong vòng 1 năm đã tăng nhân sự gần 900 người, G-Bank mới thành lập năm 2006, nhưng dự kiến sẽ tăng nhân sự từ hơn 300 lên 1.000 nhân sự trong năm 2007, Habubank dự kiến tăng thêm khoảng 300-400 nhân viên...

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, tốc độ nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng mỗi năm cần khoảng 15.000 nhân viên tốt nghiệp đại học. Nhưng các trường hoặc các khoa đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tài chính ngân hàng, mỗi năm đào tạo tối đa khoảng 11.000 người.

 

Do đó, nếu tất cả sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng ra trường đều có việc làm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của các ngân hàng trong nước. Mặc dù có khá nhiều trường có chuyên ngành đào tạo ngành tài chính - ngân hàng nhưng khả năng đáp ứng của các trường vẫn còn có giới hạn. Hiện các ngân hàng đã đặt hàng với khoa ngân hàng của trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, mỗi năm cung cấp cho khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tài chính - ngân hàng.

 

Đặc biệt là thiếu những cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm. Lĩnh vực vốn thì bình quân nguồn vốn của các ngân hàng trước khi hội nhập chỉ có 200-300 tỷ đồng, sau một năm bình quân vốn của các ngân hàng đã nâng lên khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng với số vốn này so với các ngân hàng nước ngoài chẳng là bao. Trong khi đó, khả năng quản lý có giới hạn, nhân viên ngành ngân hàng làm việc chưa có tính chuyên nghiệp, chưa theo kịp được với tốc độ phát triển của các ngân hàng...