Thừa nhận điều này, vị đại diện UEH cho hay, số lượng sinh viên chọn ngành bảo hiểm luôn rất thấp, dù nhà trường đã có nhiều phương pháp hướng nghiệp, thu hút sinh viên.
Thậm chí một số năm còn có nguy cơ không đủ số lượng tối thiểu cho mỗi khóa đào tạo chuyên ngành này. Không riêng UEH, thực tế trên cũng diễn ra tại các trường đại học có chuyên ngành bảo hiểm tại Hà Nội.
So với những nghề nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính khác như ngân hàng, chứng khoán, thì sinh viên mới tốt nghiệp ngành bảo hiểm có mức thu nhập không hấp dẫn bằng.
Bên cạnh đó, theo anh Nguyễn Tuấn Thành, cựu sinh viên khoa bảo hiểm Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, các bạn cùng khóa của anh ra trường đã 6 năm, nhưng số lượng người làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm rất ít, đa số làm việc cho các công ty chứng khoán, ngân hàng, quỹ… Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao cung - cầu lao động ngành bảo hiểm vẫn chưa thể gặp nhau?
Nguyên do đầu tiên đã được nhắc tới nhiều lần nhưng chưa có sự thay đổi là cách dùng người “sai” của doanh nghiệp bảo hiểm.
Cụ thể, theo chia sẻ của không ít nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm, sinh viên chuyên ngành này sau khi tốt nghiệp đại học, dù đủ điều kiện làm công việc chuyên môn, nhưng thường bị đẩy đi bán bảo hiểm ô tô, xe máy hay nhập liệu máy tính… như một đại lý bảo hiểm đang học nghề, trong khi áp lực doanh thu đè nặng hàng ngày.
Nghịch lý này cũng từng được nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam khẳng định cách đây vài năm và đến giờ vẫn chưa có sự cải thiện.
Với diễn biến này, rất khó để thu hút sinh viên theo học và đi làm đúng ngành, bởi khi đi làm bị phân công vào các vị trí không phù hợp, dễ dẫn tới chán nản, không thể gắn bó với nghề.
Để giải quyết tình trạng trên, theo các chuyên gia trong ngành, doanh nghiệp bảo hiểm cần có sự chắt lọc, sắp xếp nhân sự phù hợp. Công việc bán các sản phẩm bảo hiểm đơn giản có thể giao cho đại lý – những người có trình độ thấp hơn, chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học đảm đương.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, công việc kinh doanh là phù hợp với trình độ của một sinh viên mới ra trường, bởi hoạt động này cũng yêu cầu trình độ, sự am hiểu về tài chính, kiến thức bảo hiểm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, họ cần nguồn lực được đào tạo bài bản từ các trường đại học để cải thiện đội ngũ đại lý, vốn chưa thực sự chuyên nghiệp hiện nay.
Trong khi đó, một chuyên gia bảo hiểm cho rằng, có 2 lý do dẫn tới thiếu hụt nhân sự ngành bảo hiểm.
Thứ nhất, định kiến xã hội Việt Nam chưa thực sự coi trọng nghề bảo hiểm, dù nhận thức của người dân về vấn đề này đã được cải thiện hơn trước, khiến nghề bảo hiểm trở nên thiếu hấp dẫn.
Thứ hai là so với những nghề nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính khác như ngân hàng, chứng khoán, thì sinh viên mới tốt nghiệp ngành bảo hiểm có mức thu nhập không hấp dẫn bằng.
Chưa kể, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm không có dấu hiệu thuyên giảm, dẫn tới môi trường việc làm có nhiều biến động, gây tâm lý e dè với nhân sự mới.
Để tìm điểm cân bằng cung - cầu, lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm đề xuất, cần chuyên môn hóa, phân loại nghiệp vụ ngay trong khâu đào tạo từ nhà trường, để làm sao cung cấp ra thị trường 3 nhóm nhân sự có thể làm việc ngay, bao gồm nguồn lực kinh doanh có chuyên môn, nguồn định phí và nguồn nhân sự chuyên làm nghiệp vụ bảo hiểm. Muốn vậy, các trường cần truyền lửa và định hướng cho sinh viên ngay những năm đầu vào trường.
Bên cạnh đó, về phía doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty này có thể chủ động tìm kiếm nhân viên kinh doanh bảo hiểm từ các tổ chức dạy nghề và nhiều nguồn khác nhau, thay vì quá phụ thuộc vào các trường có chuyên ngành bảo hiểm.