Nhân lên những “hạt giống xanh”

Nhân lên những “hạt giống xanh”

(ĐTCK) Năm 2017, có 100 doanh nghiệp đã được vinh danh doanh nghiệp bền vững và 10 công ty lọt Top 10 doanh nghiệp sản xuất bền vững nhất Việt Nam. Đây đều là những hạt giống xanh trên thị trường cần được nhân rộng hơn nữa trong tương lai.

Thực tế, các doanh nghiệp được xếp hạng doanh nghiệp bền vững đã có những bước chuyển lớn trong hoạt động khi áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), nhờ đó việc quản trị doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh hay nâng cao năng suất đều có diễn biến tích cực, trở thành những dấu son mới, tạo nền móng phát triển cho công ty.

Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) gồm 134 tiêu chí trên ba lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường đã trở thành cơ sở đo lường tính bền vững của các doanh nghiệp tham gia chương trình xếp hạng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2017 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Với chương trình này, doanh nghiệp không phân biệt vùng miền, quy mô lớn - nhỏ hay phạm vi hoạt động cùng lan tỏa những hành động thiết thực, ý nghĩa vì cộng đồng, chung tay phát triển bền vững.

"Kỳ vọng những “gót chân xanh” Việt đủ tài, đủ tầm"

Nhân lên những “hạt giống xanh” ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI 


Những doanh nghiệp bền vững được ví là những hạt giống xanh trong khu vườn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tương lai không xa, trong bản đồ hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ ghi dấu những “gót chân xanh Việt” đủ tài, đủ tầm, sánh ngang với các thể chế kinh tế lớn tại các cường quốc không chỉ về sức mạnh tài chính, mà còn là sự phát triển nhân văn và bền vững.

Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chí phát triển bền vững là minh chứng hùng hồn nhất cho nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Nhà nước, đồng thời thể hiện trọng trách phát triển kinh tế gắn liền với phụng sự xã hội.

"Cùng người nông dân vượt qua những khó khăn"

Nhân lên những “hạt giống xanh” ảnh 2

 Ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn


Từ ngày 1/1/2018, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu đường trong các nước ASEAN sẽ giảm về 0%. Nhiều doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang lo lắng vì nguy cơ không thể cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn một phần, còn phần lớn gánh nặng khó khăn ấy tạo sức ép lên người nông dân, bởi 80% nguyên liệu của các nhà máy mía đường đang nhập từ người nông dân. Khi giá đường rẻ kéo theo giá nguyên liệu rẻ, đời sống người dân trồng mía sẽ khó hơn. Hiện tại, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đang nỗ lực để cùng người nông dân vượt qua giai đoạn này.

Trong thời gian tới, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, có công tác chuẩn bị các sản phẩm phụ để nâng cao giá trị. Mía đường Lam Sơn xác định duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10-15% hàng năm, mục tiêu này cũng được các cổ đông nhất trí thông qua tại Đại hội đồng cổ đông. Năm 2018, Công ty xác định mục tiêu tăng trưởng 15%.

"Đồng hành với khách hàng trên các chặng đường"

Nhân lên những “hạt giống xanh” ảnh 3

Ông Hoàng Công Doãn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Thái Nguyên 

Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Thái Nguyên có chức năng phát triển hạ tầng, mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh. Hiện nay, việc phát triển hạ tầng ở tỉnh Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh này, để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, chúng tôi đã thực hiện theo ba bước. Đầu tiên, tuân thủ những quy định của luật pháp, điều hành công ty đúng hành lang pháp lý quy định. Thứ hai, chăm lo cho đời sống của cán bộ, công nhân viên thật tốt để họ chuyên tâm gắn bó với công ty, nỗ lực vì sự phát triển của doanh nghiệp. Thứ ba, tìm kiếm và đào tạo đội ngũ nhân sự năng động, làm ra các sản phẩm tốt, góp phần mở rộng số lượng khách hàng.

Đồng thời, những ý tưởng, sáng kiến có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, bởi vậy chúng tôi luôn nhấn mạnh, khuyến khích người lao động có sáng kiến.

Bên cạnh đó, để có được những khách hàng đi cùng mình trên chặng đường dài, chúng tôi xác định phải luôn đồng hành với các doanh nghiệp thuê đất của Công ty, gắn trách nhiệm của khách hàng với trách nhiệm của mình. Nhiệm vụ của Công ty là phục vụ họ, không nên tách rời, thậm chí có những thủ tục sẵn sàng làm thay để khách hàng gắn bó, đồng hành cùng mình.

"Phát triển bền vững đưa doanh nghiệp tiến xa"

Nhân lên những “hạt giống xanh” ảnh 4

 Bà Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kangaroo

Đối với các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Kangaroo, khi tham gia nền kinh tế, việc đầu tiên chúng tôi quan tâm là vấn đề thị trường để duy trì tăng trưởng và phát triển, sau đó là xây dựng hệ thống phân phối mạnh và bắt nhịp kênh phân phối mới hiện nay là thương mại điện tử, mua bán trực tuyến.

Bên cạnh đó, “trái tim” của doanh nghiệp là sản phẩm. Để trái tim khỏe, doanh nghiệp cần có những sản phẩm tốt, vì vậy cần chú trọng làm ra những sản phẩm chất lượng đưa đến người tiêu dùng. Tại Kangaroo, chúng tôi luôn tập trung vào công tác sản xuất, cũng như xây dựng nền tảng công nghệ cho hoạt động quản trị, đào tạo nhân sự có năng lực bắt nhịp với việc vận hành hệ thống bằng công nghệ. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể tiến xa trong tương lai.

Trong năm 2018, định hướng phát triển của Tập đoàn Kangaroo là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đẩy mạnh mở rộng sản xuất, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm. Điển hình, Kangaroo đã phát triển thành công hệ sinh thái Intenet vạn vật (IoT) vào sản phẩm, giúp khách hàng có thể giao tiếp được với sản phẩm ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, giúp tiết kiệm phần lớn năng lượng điện tiêu thụ. Đây cũng là xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

"Chìa khóa nằm ở chuỗi giá trị khép kín"

Nhân lên những “hạt giống xanh” ảnh 5

Ông Trần Minh Triết, Phó tổng giám đốc điều hành Heineken Việt Nam 

Chúng tôi rất vinh dự khi được xếp thứ nhất trong Top 10 Doanh nghiệp sản xuất bền vững tại Việt Nam năm 2017. Đây là sự ghi nhận cho nỗ lực và cam kết “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” của Heineken Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển 26 năm qua của chúng tôi tại đây.

Giải thưởng này là nguồn cảm hứng tuyệt vời dành cho Heineken Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và chỉ đạo về chính sách và môi trường kinh doanh của Chính phủ dành cho các đơn vị quan tâm đến phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục gắn chặt phát triển bền vững vào hoạt động kinh doanh tổng thể, góp phần vào sự phát triển bền vững hơn của Việt Nam.

Chìa khóa cho chiến lược phát triển bền vững của Heineken nằm ở việc tạo ra một chuỗi giá trị khép kín, bao gồm các sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn, cũng như đảm bảo tính minh bạch và liêm chính trong hoạt động báo cáo kinh doanh và báo cáo bền vững.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển bền vững của Heineken Việt Nam tập trung vào 6 lĩnh vực chính: Truyền thông uống có trách nhiệm; bảo vệ nguồn nước; giảm phát thải CO2; hỗ trợ cộng đồng; phát triển nguồn cung ứng bền vững, ưu tiên nguồn cung ứng nội địa; nâng cao sức khoẻ và an toàn.

Tin bài liên quan