Nhận được trợ lực, giới đầu tư mạnh tay gom hàng

Nhận được trợ lực, giới đầu tư mạnh tay gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên leo dốc trở lại hôm thứ Ba (9/3) khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.

Thứ Ba, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp 1,523% sau khi dao động gần mức cao nhất trong 13 tháng là 1,613% vào phiên thứ Hai. Lợi suất trái phiếu Mỹ bắt đầu tăng vọt trong tháng trước khi các nhà đầu tư cho rằng, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sẽ dẫn đến lạm phát tăng cao hơn và khiến chi phí đi vay không còn rẻ.

Chỉ số Nasdaq Composite đánh dấu phiên có tăng tốt nhất kể từ tháng 11/2020 nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu công nghệ sau chuỗi những phiên bị bán tháo do ảnh hưởng bởi đà tăng của lợi suất trái phiếu.

Cổ phiếu Tesla tăng 19,6%, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 02/2020. Cổ phiếu Apple và Facebook đều vọt hơn 4%, trong khi cổ phiếu Microsoft và Netflix đều tăng khoảng 2,5%, cổ phiếu Amazon tăng 3,8%.

Mặt khác, tại Washington, Hạ viện Mỹ hôm thứ Ba có phiên thảo luận với Thượng viện về dự luật gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất.

Dự luật này đã được Thượng viện thông qua vào cuối tuần qua và phải được Hạ viện phê duyệt một lần nữa trước khi nó có thể được Tổng thống Biden ký thành luật, dự kiến vào cuối tuần này.

Trong khi đó Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hôm thứ Ba cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên tươi sáng hơn sau khi việc triển khai vắc-xin được thúc đẩy khẩn trương và chính quyền Washington tung ra gói kích thích khổng lồ mới.

OECD đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 5,6% trong năm 2021 (từ mức 4,2%) và 4,0% trong năm 2022 (từ mức 3,7%).

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 30,30 điểm (+0,10%), lên 31.832,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 54,90 điểm (+1,42%), lên 3.875,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 464,66 điểm (+3,69%), lên 13.073,83 điểm.

Chứng khoán Châu Âu tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba được thúc đẩy bởi kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế vững chắc sau đại dịch Covid-19.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối tuần này để xem liệu các nhà hoạch định chính sách có quyết định đẩy mạnh tốc độ mua trái phiếu khẩn cấp để xoa dịu thị trường đang trong giai đoạn khá bấp bênh này hay không.

Trong khi đó, dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy xuất khẩu của Đức bất ngờ tăng trong tháng 1 nhờ hoạt động thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc. Số liệu toàn diện hơn về GDP quý IV của khu vực đồng euro sẽ được công bố vào thứ Tư.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,21 điểm (+0,17%), lên 6.730,34 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 57,03 điểm (+0,49%), lên 14.437,94 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 21,98 điểm (+0,37%), lên 5.924,77 điểm.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại khi các nhà đầu tư tìm mua cổ phiếu hàng tiêu dùng và bất động sản với kỳ vọng rằng những ngành này sẽ được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế.

Chứng khoán Trung Quốc đứng trước nguy cơ rơi vào vùng điều chỉnh, và cả các bluechips cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 12 tuần do những lo lắng xung quanh việc thắt chặt chính sách.

Chứng khoán Hồng Kông kết thúc tăng điểm sau một phiên giao dịch đầy biến động.

Chứng khoán Hàn Quốc có thêm một phiên giảm, chịu ảnh hưởng bởi đà tuột dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ trên phố Wall phiên đêm trước.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 284,69 điểm (+0,99%), lên 29.027,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 62,12 điểm (-1,82%), xuống 3.359,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 232,40 điểm (+0,81%), lên 28.773,23 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 19,99 điểm (-0,67%), xuống 2.976,12 điểm.

Giá vàng biến động quay đầu phục hồi mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba nhờ lợi suất trái phiếu và đồng USD giảm.

Kết thúc phiên 9/3, giá vàng giao ngay tăng 33,50 USD (+1,98%), lên 1.716,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 38,90 USD (+2,32%), lên 1.716,90 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày đêm qua, khi áp lực về gián đoạn nguồn cung ở Ả Rập Xê-út giảm bớt.

Trong khi đó, theo Viện dầu khí Mỹ, tồn kho dầu thô nước này tăng mạnh 12,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/3, cao hơn rất nhiều so với con số 816.000 thùng được các chuyên gia dự báo.

Kết thúc phiên 9/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,04 USD (-1,6%), xuống 64,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,72 USD (-1,06%), xuống 67,52 USD/thùng.

Tin bài liên quan