Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 5/2: Ưu tiên chú ý các cổ phiếu mạnh trong VN30

Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 5/2: Ưu tiên chú ý các cổ phiếu mạnh trong VN30

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mô hình đáy đảo chiều cũng đã được xác nhận ở phiên 03/2 khi thị trường tạo mô hình The island Gap, bên cạnh đó các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho nhịp phục hồi.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 5/2.

Ưu tiên lựa chọn cổ phiếu và quản trị danh mục nên được ưu tiên

CTCK Tân Việt (TVSI)

VN-Index vẫn được duy trì đà tăng trong phiên hôm nay, nhưng lực cầu suy giảm khiến trạng thái thị trường khá mong manh. Áp lực bán ra được dự đoán sẽ gia tăng khi chỉ số tiếp cận dần mức cản ngắn hạn quanh 1.140 điểm.

Điểm tích cực của đợt hồi phục này là lực đỡ đến từ nhóm cổ phiếu lớn, và nổi bật là diễn biến vượt đỉnh của FPT đang là động lực chính hỗ trợ cho nhịp tăng. Ngưỡng tâm lý 1.000 điểm hiện tại đang là hỗ trợ mạnh cho chỉ số trong kịch bản thị trường có diễn ra điều chỉnh.

Chúng tôi quan sát thấy thị trường đang diễn ra phân hóa và đà tăng sẽ khó diễn ra đồng loạt, các cổ phiếu cơ bản tốt, có câu chuyện hỗ trợ cho giá sẽ tích cực hơn các mã khác trong ngành. Do vậy, ưu tiên lựa chọn cổ phiếu và quản trị danh mục nên được ưu tiên trong giai đoạn này.

Ưu tiên chú ý các cổ phiếu mạnh trong VN30

CTCK Phú Hưng (PHS)

Thanh khoản đã sụt giảm thấp trở lại hôm nay. Ở các cổ phiếu tăng điểm, lực cầu mua lên tiếp tục yếu đi, trong khi ở các cổ phiếu điều chỉnh, áp lực bán cũng không quá mạnh.

Diễn biến này có thể khiến chỉ số sớm có phiên điều chỉnh trở lại, đặc biệt sau nhịp tăng mạnh vừa qua và về lại vùng kháng cự quanh 1.120-1.130 điểm (cạnh trên kênh điều chỉnh). Vùng hỗ trợ gần là vùng gap 1.075-1.090 điểm.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia dần trở lại nếu chỉ số có phiên điều chỉnh với áp lực bán yếu (thể hiện qua khối lượng thấp) và về test lại vùng gap này, ưu tiên chú ý các cổ phiếu mạnh trong VN30 và các nhóm mạnh hơn thị trường như BĐS, KCN, Săm lốp, Dệt may.

Các nhịp điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục

CTCK MB (MBS)

Về kỹ thuật, mô hình đáy đảo chiều cũng đã được xác nhận ở phiên 03/2 khi thị trường tạo mô hình The island Gap, bên cạnh đó các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho nhịp phục hồi.

Nhịp tăng vừa qua đưa chỉ số VN-Index vượt đường MA50, các nhịp chốt lời như trong phiên chiều nay sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên sau khi lượng hàng T+ đang ở trang thái lãi ngắn hạn.

Ngưỡng cản của thị trường có thể ở vùng 1.130-1.160 điểm, các nhịp điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục.

Thị trường sẽ không có biến động lớn

CTCK BIDV (BSC)

Dòng tiền đầu tư có dấu hiệu chững lại khi thị trường chỉ có 9/19 ngành tăng điểm. Thanh khoản giảm mạnh, biên độ thị trường thu hẹp và độ rộng cân bằng cho thấy, hoạt động mua bán đang suy yếu trước kỳ nghỉ tết Nguyên Đán.

BSC dự kiến thị trường sẽ không có biến động lớn trước kỳ nghỉ lễ khi các nhà đầu tư tập trung chuẩn bị cho dịp lễ tết trong những ngày tới.

Gia tăng một phần tỷ trọng ngắn hạn trong các nhịp rung lắc

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index diễn biến giằng co trong phiên, hình thành mẫu nến spinning trung tính. Chúng tôi cho rằng rủi ro điều chỉnh có thể gây áp lực cho chỉ số trong một vài phiên tới.

Tuy nhiên, với xu hướng hồi phục vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, cơ hội hồi phục sau đó và tiến lên vùng cản 1.150-1.155 điểm tiếp tục được bảo lưu.

Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì vị thế trung hạn và có thể gia tăng một phần tỷ trọng ngắn hạn trở lại trong các nhịp rung lắc điều chỉnh.

Dòng tiền vào thị trường có thể bị suy giảm đôi chút

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường dự báo sẽ tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co, tăng giảm đan xen trong phiên cuối tuần.

Nếu VN-Index đóng cửa cao hơn vùng 1.115-1.118 điểm, chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm trong thời gian tới.

Dòng tiền vào thị trường có thể bị suy giảm đôi chút do các nhà đầu tư hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần.

Chiến lược đầu tư: Duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50-70%.

Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao, tiếp tục xem xét giải ngân tăng tỷ trọng trong các nhịp rung lắc, điều chỉnh.

Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và có sử dụng margin, vẫn nên tận dụng các phiên tăng điểm mạnh để bán giảm tỷ trọng về mức an toàn.

Tin bài liên quan