Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 29/8.
Ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số sát vùng kháng cự
CTCK Tân Việt (TVSI)
Diễn biến giảm điểm phiên cuối tuần trước theo góc nhìn của chúng tôi là khá bình thường, khi các chỉ số tiếp cận gần vùng kháng cự và kỳ nghỉ Lễ đang tới gần.
Hơn nữa, các chỉ số đã có ba phiên tăng liên tiếp với mức tăng tốt nên có áp lực điều chỉnh lại là điều dễ hiểu.
Mặc dù điểm số tăng tốt trong tuần qua, nhưng số lượng cổ phiếu mang lại lợi nhuận không nhiều với mức lợi nhuận mỏng. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu đi ngang hoặc gây thua lỗ nhẹ vẫn chiếm đa số.
Do đó, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm đây là sóng hồi phục với vùng mục tiêu của VN-Index ở 1.315 điểm và đánh giá các chỉ số đang tiến về vùng rủi ro.
Chiến lược hợp lý với nhà đầu tư ngắn hạn nên là ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số sát vùng kháng cự.
Cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Hiện tại, vùng 1.280 điểm của VN-Index có thể sẽ có động thái hỗ trợ cho thị trường và giúp thị trường có nhịp hồi để kiểm tra cung cầu. Tuy nhiên, dự kiến áp lực cung tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn còn mạnh.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng và hạn chế vị thế mua. Đồng thời, nên cân nhắc tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, do áp lực từ vùng cản đối với thị trường vẫn đang hiện hữu.
Không loại trừ khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Xét về xu hướng, VN-Index vẫn duy trì được mạch hồi phục với 7 tuần tăng điểm liên tiếp cho thấy tín hiệu vẫn đang rất tích cực. Mặc dù vậy, quan sát chúng ta nhận thấy, điểm số ngày càng tăng cao, nhưng khối lượng giao dịch tuần lại có xu hướng đi thụt lùi trong 4 tuần liên tiếp.
Dù VN-Index đã chinh phục được ngưỡng kháng cự 1.285 điểm trước đó, thế nhưng lại buông tay tuột mất tại phiên cuối tuần này.
Hơn nữa, trong tuần, VN-Index đã test mốc 1,295 điểm, là mốc Fibonacci thoái lui 38,2% tính từ mức đỉnh tháng 4 (1.530 điểm) tới mức đáy tháng 7 (1.142 điểm) mà chưa vượt qua được.
Vì vậy, không loại trừ khả năng VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh sau thời gian hồi phục gần 2 tháng.
Nhóm ngân hàng, BĐS khu công nghiệp, chứng khoán, …có thể quay trở lại đà tăng
CTCK MB (MBS)
Tuần tăng thứ 7 liên tiếp của chỉ số VN-Index, chuỗi tăng dài nhất theo tuần kể từ đầu năm 2021.
Trong ba tuần gần đây, thì tuần qua thị trường có mức tăng mạnh nhất và thanh khoản cũng được cải thiện, liên tiếp ba phiên vừa qua thanh khoản đều tăng.
Hiện tại, dòng tiền đang quan tâm đến các nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như: Phân bón, hóa chất, dầu khí, thép, … khi giá dầu quay lại ngưỡng 100 USD/thùng, bên cạnh đó, chỉ số hàng hóa cũng bật tăng trở lại trên 2%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, … cũng có thể quay trở lại đà tăng trong tuần sau, khi mức tập trung vốn ở các nhóm này đang tăng lên.
VN-Index đang thành lập các phiên tích lũy
CTCK BIDV (BSC)
Sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần 26/8. Thanh khoản nằm ở mức cao so với các phiên giao dịch trước cho thấy áp lực chốt lãi ngắn hạn gia tăng.
Độ rộng chuyển sang trạng thái tiêu cực với số mã bán áp đảo số mã mua và chỉ có 5/19 ngành tăng điểm với mũi nhọn đến từ ngành truyền thông và bán lẻ.
Với xu hướng dao động quanh ngưỡng 1.280 điểm, VN-Index đang thành lập các phiên tích lũy nhằm tiến tới kiểm tra ngưỡng 1.300 điểm vào tuần sau.
Mua tại các vùng hỗ trợ, nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Trong phiên cuối tuần trước, áp lực chốt lời sau 3 phiên tăng điểm đã khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số VN-Index không duy trì được đến cuối phiên.
Mặc dù vậy, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang tích luỹ trong những phiên tới và cơ hội chinh phục ngưỡng cản gần vẫn được đánh giá cao với vùng hỗ trợ đáng lưu ý được đặt quanh 1.26x điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê mua trở lại tại các vùng hỗ trợ, nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn và linh hoạt bán trading khi chỉ số tăng chạm kháng cự.