Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 8/6.
Sẽ trải qua nhịp biến động lình xình, phân hóa
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Sau chuỗi phiên hồi phục mạnh, áp lực chốt lời nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong các phiên sắp tới và thử thách xu hướng tăng của thị trường chung.
Qua đó, nhiều khả năng thị trường sẽ trải qua nhịp biến động lình xình, phân hóa.
Rủi ro của vài phiên điều chỉnh đang cao dần
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường trải qua tiếp một phiên biến động trồi sụt, giằng co. Lực mua ngay từ đầu phiên khá mạnh nhưng càng yếu dần khi về cuối phiên giao dịch sáng.
Dù vậy, thị trường vẫn có những trụ đỡ chính (TCB, VJC, VNM) thay cho các trụ đỡ ngày hôm qua.
BSC nhận định rủi ro của vài phiên điều chỉnh đang cao dần, nhà đầu tư có thể tận dụng để đưa ra quyết định giải ngân cổ phiếu.
Có khả năng giảm khá mạnh trở lại trong một vài phiên tới
(CTCK KB Việt Nam – KBSV)
Xu hướng giảm giá vẫn đang chi phối thị trường. Thị trường đang trở lại trạng phân hóa thái quen thuộc giai đoạn cuối năm 2017 khi dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tác động rất mạnh đến các chỉ số chung.
Dấu hiệu kết thúc đợt phục hồi mạnh vừa qua đã xuất hiện mặc dù các cổ phiếu vốn hóa lớn đã làm chậm lại quá trình này. Thị trường có khả năng giảm khá mạnh trở lại trong một vài phiên giao dịch tới.
Các cổ phiếu ngân hàng vẫn chứng tỏ khả năng thu hút dòng tiền mạnh mẽ nhất thị trường.
Đề xuất: Kiên nhẫn chờ đợi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và Ngân hàng điều chỉnh giảm trở lại và xác nhận xu hướng giảm giá kết thúc.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên chế mua đuổi và có thể cân nhắc chốt lời một phần
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Áp lực chốt lời đang tạo áp lực đè nặng lên giao dịch trên thị trường khiến các cổ phiếu trụ cột phân hóa rõ nét, rổ VN30 có đến 18 cổ phiếu giảm giá.
Thanh khoản vẫn duy trì ở mức trung bình nhưng hệ số tăng/giảm đang kém dần đi và mẫu hình kỹ thuật cho thấy đang có sự giằng co mạnh trong tương quan cung-cầu tại vùng1.040 điểm.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, áp lực chốt lời gia tăng dần sẽ khiến VN-Index tiếp tục giằng co và rung lắc do đã tiến vào vùng nhạy cảm trong khoảng 1.020-1.070 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng ở mức cân bằng tiếp tục hạn chế mua đuổi và có thể cân nhắc hiện thực hóa dần một phần lợi nhuận nhờ việc bắt đáy trước đó.
Nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng tích cực ở các mức giá hấp dẫn hơn.