ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/5.
Không nên dò đáy
(CTCK FPT - FPTS)
Thanh khoản sụt giảm, dòng tiền đang chọn đứng ngoài thị trường trước các biến động kém tích cực gần đây của thị trường. Vẫn có sự xuất hiện của một số nhóm cổ phiếu tăng giá, tuy nhiên đều được đánh giá là những điểm sáng đơn lẻ, không mang tính đại diện của một xu thế và một nền tảng tăng bền vững. Đứng trước cơ hội và rủi ro, rõ ràng thời điểm hiện tại chưa ủng hộ cho các hoạt động giải ngân mới cũng như dò đáy.
Các thông tin hỗ trợ thị trường không có sự đột biến mạnh mẽ, trong khi sự lo ngại về khả năng tăng lãi suất của FED vào tháng 6 tới có thể làm gia tăng các tín hiệu không ủng hộ cho thị trường. Tháng 6 cũng là thời điểm các quỹ ETF hoạt động sôi nổi trở lại với các biến động khó lường của kỳ cơ cấu lại danh mục. Do đó, tuần giao dịch cuối tháng 5 sẽ mang nặng tâm lý thận trọng và điều này không ủng hộ cho các hoạt động giao dịch mạnh và theo đà giá cao. Cụ thể, nhà đầu tư nên hạn chế mở rộng danh mục, ưu tiên giành tỷ trọng tiền mặt cao và chỉ duy trì trong danh mục nhóm cổ phiếu còn đà tăng hoặc đang được tích lũy trên một nền tảng hỗ trợ mạnh.
Áp lực bán ngày một lớn dần
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Phiên giao dịch 23/5 thực tế đã khác xa kỳ vọng của nhà đầu tư khi mà chuyến thăm của Tổng thống Obama bắt đầu. Cầu mua vào suy yếu rõ rệt và yếu tố tạo đột biến cũng không hề xuất hiện, khiến nhà đầu tư có phần nản lòng và bán ra. VN-Index suy giảm một cách từ từ kể từ sau khi chạm đến mức đỉnh 616,83 điềm, cho dù khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì mua với sự tích cực nhất định. Với 4 phiên giảm điểm liên tiếp, đồng thời khối lượng giao dịch suy giảm mạnh là một tín hiệu không mong đợi chút nào. Cộng với hàng loạt những yếu tố bất lợi như đã phân tích trước đó, thị trường có thể xảy ra một nhịp giảm mạnh bất cứ lúc nào.
Trên phương diện kỹ thuật, khi thị trường liên tiếp điều chỉnh sau nhịp tăng kéo dài sẽ gây áp lực rất lớn tới những nhà đầu tư đang sử dụng đòn bầy. Điều đó có thể sẽ khiến áp lực bán ngày một lớn dần và khi nhà đầu tư không chịu được thì một nhịp giảm mạnh sẽ diễn ra. Nó cũng là những phiên nhà đầu tư giảm áp lực từ margin và khi đó nhiều cổ phiếu sẽ có dấu hiệu tạo đáy.
VN-Index vẫn đang vận động trong vùng an toàn
(CTCK BIDV – BSC)
Lực cầu thị trường suy yếu, tuy nhiên, VN-Index vẫn đang vận động trong vùng an toàn. Động lực tăng điểm của thị trường đã suy yếu đi rõ rệt, do vậy, nhà đầu tư cần tiếp tục giảm tỷ trọng nắm giữ khi VN-Index giảm dưới 608 điểm ở những phiên giảm điểm hoặc không thể vượt qua 615 điểm ở những phiên tăng điểm.
Tiếp tục giảm
(CTCK Maritime – MSI)
Thị trường tiếp tục điều chỉnh phiên thứ 4 liên tiếp với thanh khoản giảm sút cho thấy, quá trình điều chỉnh sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. VN-Index có khả năng giảm tiếp trong phiên giao dịch ngày 24/5 trong biên độ 600 (+/- 5 điểm), mặc dù có lực cầu tham gia bắt đáy xuất hiện tốt vào phiên chiều. Giai đoạn hiện tại, có lẽ nhà đầu tư nên thận trọng tối đa và hạn chế giao dịch ngắn hạn, bởi việc sụt giảm bất ngờ về điểm số hoàn toàn có thể xảy ra. Kiên nhẫn trong giao dịch hoặc chỉ nắm giữ những cổ phiếu tốt nhất cũng là một yếu tố tạo nên thành công cho nhà đầu tư.
Ngưỡng 610 điểm sẽ tiếp tục bị thử thách mạnh
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Phiên giảm điểm ngày thứ 4 liên tiếp đang làm yếu đi đà tăng hiện tại. VN-Index đã lùi sát về mốc 610, nhưng không thể thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của lực cầu với khối lượng giảm mạnh ngày thứ 2. Ngoài ra, một số chỉ báo kỹ thuật như MACD cũng đang phát tín hiệu giảm của VN-Index. Ngưỡng 610 điểm sẽ tiếp tục bị thử thách mạnh trong phiên giao dịch sắp tới. Nếu khối lượng giao dịch không có cải thiện, VN-Index có thể đánh mất ngưỡng hỗ trợ này. Khi đó, nhà đầu tư cân nhắc tỷ trọng giảm tỷ trọng danh mục.
Có thể hồi phục kỹ thuật
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Nhóm cổ phiếu trụ cột suy yếu tiếp tục khiến thị trường rơi vào trạng thái điều chỉnh và tiến sát về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 610 điểm. Thanh khoản suy giảm khi phần đông nhà đầu tư đang khá thận trọng trong bối cảnh các thông tin hỗ trợ trong nước tương đối yếu.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể hồi phục kỹ thuật và dao động với biên độ hẹp tại vùng 610-620 điểm. Theo đó, khả năng tăng mạnh trở lại của chỉ số sẽ phụ thuộc khá nhiều vào kết quả từ chuyến công du của Tổng thống Mỹ Obama tại Việt Nam. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức tương đối và hạn chế lướt sóng trong thời điểm hiện tại.