Nhận định thị trường phiên 22/11: Các mã “đầu tàu” vẫn tăng

Nhận định thị trường phiên 22/11: Các mã “đầu tàu” vẫn tăng

(ĐTCK) Phiên 22/11  nhiều khả năng lại là một phiên lình xình trong biên độ hẹp nữa của thị trường. Nhưng điều đó cũng không mấy ảnh hưởng đến một số cổ phiếu đang thực sự là “đầu tàu” của thị trường hiện tại như HPG, HSG, NKG, VNM, PVD...

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 22/11.

Khó bứt phá qua vùng 680 điểm

(CTCK Phú Hưng - PHS)

Sáng 21/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM). Tuy mức giá sàn chưa được công bố, nhưng lịch trình bán vốn đã được xác định.

Theo đó, SCIC dự kiến sẽ chào bán cạnh tranh 130,6 triệu cổ phiếu VNM vào ngày 2/12/2016 tại HOSE và giá khởi điểm sẽ được công bố trong thời gian từ ngày 23/11 đến ngày 2/12. Diễn biến giá tích cực của VNM, cùng với sự hồi phục trở lại của nhóm ngân hàng, dầu khí, thép, đã giúp VN-Index tăng hơn 0,1%.

Có thể VNM sẽ tiếp tục là động lực của thị trường trong những phiên tới, tuy nhiên, chỉ số khó bứt phá qua vùng 680 điểm nếu thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp và áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục gia tăng, khi gần như chắc chắn FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 khiến dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.

Các mã “đầu tàu” vẫn tăng

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Ngày FED họp nâng lãi suất cũng đang cận kề, số liệu tính toán của Bloomberg cho thấy, xác suất nâng lãi suất trong tháng 12 đã lên tới 93%, cộng hưởng với bài phát biểu của chủ tịch FED Janet Yellen không giấu diếm ý định tăng lãi suất lần này.

Đây vẫn là những thông tin có tác động không tích cực đến thị trường thời điểm hiện nay. Chúng ta sẽ biết kết quả vào ngày thứ Tư tới, khi FOMC nhóm họp và công bố, nhưng cho dù FED nâng lãi suất thì biến số này cũng sẽ sớm được tiêu hóa.

Do đó, ở phiên 22/11,  nhiều khả năng lại là một phiên lình xình trong biên độ hẹp nữa của thị trường, trước khi có kết quả chính thức. Nhưng điều đó cũng không mấy ảnh hưởng đến một số cổ phiếu đang thực sự là “đầu tàu” của thị trường hiện tại như HPG, HSG, NKG, VNM, PVD...

Tránh đẩy mạnh giao dịch ở thời điểm hiện tại

(CTCK FPT - FPTS) 

Tín hiệu kỹ thuật của VN-Index trong phiên đầu tuần 21/11 vẫn chủ yếu ở trạng thái trung lập và chưa cho các tín hiệu về chiều hướng bứt phá ra khỏi khung giao dịch hẹp theo tuần. Theo đó, sẽ là khả rủi ro nếu đẩy mạnh giao dịch theo xu hướng vào thời điểm này. Chiến lược giữ nguyên danh mục và đeo bám theo chỉ số tiếp tục được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Các hoạt động giao dịch lướt sóng của nhóm nhà đầu tư mạo hiểm cũng chỉ nên thực hiện trong khuôn khổ của khu vực hỗ trợ/kháng cự đã được xác định trước và tập trung vào nhóm cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục.

Tận dụng nhịp tăng để giảm bớt tỷ trọng

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường giảm điểm nhẹ và thanh khoản ở mức trung bình cho thấy, xu hướng đi ngang của VN-Index trong khoảng 665-680 điểm vẫn được duy trì. Cần một phiên bứt phá qua mốc 680 điểm với thanh khoản gia tăng để xác nhận một xu hướng mới tích cực hơn.

Chiến lược lúc này là nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp tăng của thị trường trong phiên để bán một phần danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh của chỉ số để mua lại. Nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nắm giữ danh mục với tỷ lệ vừa phải và quan sát diễn biến thị trường, cân nhắc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu nếu kịch bản xấu giảm qua mốc 665 điểm xảy ra.

Có thể trading ngắn hạn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường đang vận động giằng co trong biên độ hẹp với chưa nhiều tín hiệu mới. Vùng hỗ trợ gần của VN-Index nằm tại 665-670 điểm, trong khi vùng kháng cự ở mức 680-685 điểm.

Nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động trading ngắn hạn ở các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ trên với tỷ trọng thấp. Hoạt động mua đuổi, đẩy tỷ trọng lên mức cao chưa được BVSC khuyến nghị cho đến khi hai chỉ số phát đi những tín hiệu rõ ràng hơn.

Tiếp tục tăng điểm

(CTCK Maritime – MSI)

Thông tin bán ròng từ khối ngoại, cũng như việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian gần đây, đã không làm ảnh hưởng đến diễn biến hồi phục của thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí, xây dựng, cao su... vẫn có đà tăng giá ấn tượng và là lực đỡ cho toàn thị trường.

Theo đó, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục tăng điểm trong phiên 22/11. Thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh lên xuống với biên hộ hẹp cùng với hiện tượng phân hóa của các nhóm cổ phiếu. Nhà đầu tư vẫn nên hạn chế giao dịch ngắn hạn và chú ý nhiều hơn đến các cơ hội đầu tư trung hạn.

Duy trì tỷ lệ tiền mặt thấp

(CTCK BIDV – BSC)

VN-Index tiếp tục biến động nhẹ và chưa cho xu hướng rõ ràng sau khi rơi khỏi kênh tăng điểm trung hạn. Dòng tiền chưa được cải thiện cũng là yếu tố khiến VN-Index thiếu đi động lực bứt phá. Nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ lệ tiền mặt thấp, chờ tín hiệu vận động rõ ràng hơn của VN-Index.

Còn sideway trong ngắn hạn

(CTCK MB - MBS)

Thị trường tiếp tục có phiên giao dịch giằng co với thanh khoản duy trì ở mức trung bình 20 phiên gần nhất. Diễn biến phiên đầu tuần 21/11 vẫn chưa cho thêm tín hiệu mới, nên vẫn duy trì quan điểm thị trường có thể còn sideway trong ngắn hạn. Nhà đầu tư duy trì danh mục cân bằng, đồng thời quan sát diễn biến thị trường để có hành động phù hợp.

Tin bài liên quan