Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 21/3.
Các yếu tố cơ bản vẫn đang ủng hộ xu hướng đi lên
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đang gia tăng rủi ro điều chỉnh cho VN-Index.
Tuy nhiên, đây được đánh giá là nhịp điều chỉnh ngắn trong bối cảnh các yếu tố cơ bản vẫn đang ủng hộ xu hướng đi lên của thị trường trong trung hạn.
Sẽ tiếp tục giao dịch giằng co quanh vùng 1.160-1.165 điểm
(CTCK BIDV - BSC)
Đà tăng của thị trường chững lại do thông tin không mấy tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới. Áp lực chốt lời xuất hiện ngay từ đầu phiên.
Bên cạnh đó, sự phân hóa xuất hiện ở nhiều nhóm cố phiếu cùng thanh khoản giảm nhẹ khiến thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng tuy chịu áp lực chốt lời nhưng vẫn hút dòng tiền với VPB và ACB giá trị khớp lệnh lớn nhất 2 sàn.
BSC nhận định, VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch giằng co quanh vùng 1.160-1.165 điểm khi tâm lý thị trường thận trọng trước các thông tin thế giới.
VN-Index có thể sẽ tiếp cận khu vực đỉnh 1.170 - 1.180 điểm
(CTCK FPT - FPTS)
Sự chững lại của thị trường phiên hôm nay có thể được lý giải bởi động thái chờ đợi thông tin liên quan đến quyết định lãi suất của FED trong tuần này.
Tuy nhiên, đây có thể chỉ là phản ứng tạm thời của thị trường trong bối cảnh nhưng thông tin hỗ trợ thực sự vẫn chưa xuất hiện.
Ở góc độ lạc quan, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm tích cực đối với xu hướng ngắn hạn và VN-Index có thể sẽ tiếp cận khu vực đỉnh 1170 - 1180 điểm.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong các nhịp điều chỉnh với đối tượng lưu ý là các nhóm cổ phiếu đang có sức mạnh tương quan (Relative Strength - RS) cao hơn so với thị trường chung như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Đứng ngoài thị trường quan sát
(CTCK KB Việt Nam - KBSV)
Diễn biến của thị trường vẫn theo kịch bản quen thuộc: Phân hóa rất mạnh và khá tiêu cực; dòng tiền tập trung luân phiên vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, ảnh hưởng lớn đến chỉ số (Ngân hàng, VN30); sự di chuyển của dòng tiền không ổn định, thay đổi rất nhanh qua từng phiên giao dịch.
Rủi ro tiếp tục ở mức cao. Đề xuất: Đứng ngoài thị trường quan sát.
Trong trường hợp chấp nhận rủi ro cao, danh mục cổ phiếu tiếp tục ưu tiên tập trung vào các cổ phiếu đang dẫn đầu thị trường và nhóm ngành ( VCB, CTG, BID ACB, VPB, VNM, GAS, SSI, VND, VIC, DXG, DIG)
Cần thêm những nhịp rung lắc để củng cố vùng giá cao mới
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Tín hiệu ngắn hạn của VN-Index và HNX-Index vẫn duy trì Tích cực với các ngưỡng kháng cự tâm lý lần lượt tại 1.170 điểm và 140 điểm.
Tuy nhiên, với diễn biến phân hóa cùng việc dòng tiền đổ vào thị trường suy giảm như hiện tại thì chúng tôi chưa đánh giá cao về khả năng vượt đỉnh lịch sử ngay của thị trường, mà có thể sẽ cần thêm những nhịp rung lắc để củng cố vùng giá cao mới này trước khi chính thực vượt qua mức đỉnh lịch sử sau hơn 11 năm chờ đợi.
Trong phiên giao dịch 21/3, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc quanh ngưỡng 1.160 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và quan sát diễn biến thị trường trong phiên để có quyết định hợp lý.
Nhà đầu tư trung và dài hạn nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể căn những nhịp điều chỉnh trong phiên để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tích cực trong năm 2018.