Nhận định thị trường phiên 2/12: Dòng P khó giữ được nhịp tăng điểm.

Nhận định thị trường phiên 2/12: Dòng P khó giữ được nhịp tăng điểm.

(ĐTCK) Cùng chung với xu hướng của những cổ phiếu tăng giá đột biến như VNM, HPG, ở phiên 2/12, những cổ phiếu dòng P cũng sẽ khó giữ được nhịp tăng điểm.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 2/12.

Co giật mạnh

(CTCK Maritime – MSI)

Thị trường mặc dù có lúc tăng điểm khá tốt vào đầu phiên chiều, nhưng lực cung gia tăng, cũng như áp lực bán ra của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ vào cuối phiên. Giai đoạn điều chỉnh vừa qua đã khiến thị trường rơi vào vùng quá bán, mặc dù rủi ro điều chỉnh ngắn hạn là hiện hữu.

VN-Index nhiều khả năng điều chỉnh co giật mạnh trong phiên 2/12 khi tiến sát đến vùng 670 điểm. Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa mạnh vào một số cổ phiếu nhóm ngành tăng trưởng và chu kỳ như dầu khí, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, thép.

Các nhà đầu tư vẫn nên giữ quan điểm thận trọng, hạn chế giao dịch ngắn hạn và nhất là việc mua đuổi cổ phiếu ở những phiên tăng điểm. VN-Index vẫn sẽ điều chỉnh giằng co một thời gian trước khi thanh khoản bùng nổ.

Nhịp hồi phục khó kéo dài

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Động thái bán ròng của khối ngoại thời gian gần đây, đặc biệt ở mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM, gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư và cản trở đà tăng của 2 chỉ số.

Mặc dù vậy, động lực tăng điểm đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của thị trường chung trong các phiên sắp tới. Với việc thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa và nhịp hồi phục sẽ khó kéo dài, nhà đầu tư có thể thực hiện chốt lời ngắn hạn ở các vùng kháng cự gần.

Ưu tiên hạn chế rủi ro cho danh mục

(CTCK FPT - FPTS)

Như đã nhận định trong báo cáo trước, cung-cầu thị trường nhiều khả năng sẽ cần thêm một vài phiên thử thách và các index có thể sẽ đi ngang trong vùng giá hiện tại. Áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn đang là yếu tố gây trở ngại đối với kỳ vọng bình ổn của xu hướng VN-Index.

Theo đó, nhà đầu tư nên tiếp tục ưu tiên hạn chế rủi ro cho danh mục, đứng ngoài quan sát và chờ cơ hội giải ngân nếu xuất hiện tín đảo chiều chắc chắn hơn.

Giảm điểm, nhưng không mạnh

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Thỏa thuận OPEC chỉ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày sẽ không mang lại quá nhiều tác động khi dư thừa cung vẫn rất lớn, nên vẫn rất khó đánh giá xu hướng giá dầu trong dài hạn. Vì thế, cùng chung với xu hướng của những cổ phiếu tăng giá đột biến như VNM, HPG, ở phiên 2/12, những cổ phiếu dòng P cũng sẽ khó giữ được nhịp tăng điểm.

Thị trường nhiều khả năng sẽ giảm điểm, nhưng mức giảm sẽ không quá lớn, bù đắp cho khoảng GAP nhỏ nhoi được tạo ra giữa 2 phiên vừa qua.

Nhưng dù thế nào thì 2 phiên tăng điểm vừa qua cũng sẽ giúp cho mốc 660 điểm trở nên “cứng” hơn trước các thách thức mới. Phía trước vẫn còn một thử thách nữa mang tên “Italia”, khi nước này sẽ trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp vào ngày 4/12. Kết quả bỏ phiếu “không” sẽ khiến bất ổn chính trị trở lại nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro này.

Tận dụng các nhịp tăng để chốt lời một phần danh mục

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

VN-Index tăng điểm nhẹ, với thanh khoản vẫn ở mức trung bình và chỉ số vẫn chưa vượt được mốc kháng cự 668 điểm, nên xu hướng tăng điểm chưa được hình thành.

Theo đó, thị trường có thể vẫn tăng điểm nhẹ trong phiên 2/11 để thử thách lại ngưỡng kháng cự 668 điểm. Nếu thất bại, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giảm, với vùng hỗ trợ mạnh tại 651-655 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp tăng điểm để chốt lời một phần danh mục cổ phiếu và những nhịp giảm điểm để mua lại. Nhà đầu tư trung hạn tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức an toàn, quan sát thị trường tại những mốc hỗ trợ và kháng cự quan trọng để có quyết định hợp lý.

Cân nhắc giải ngân thăm dò

(CTCK BIDV – BSC)

Mức hỗ trợ ngắn hạn 660 điểm đã trở nên tin cậy hơn. Việc thiết lập một nền tảng tích lũy trên ngưỡng hỗ trợ này là cần thiết cho VN-Index, trước khi sự hồi phục đồng đều từ nhóm cổ phiếu trụ và trạng thái giao dịch khối ngoại được cải thiện hơn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thăm dò khi VN-Index điều chỉnh gần về mức hỗ trợ ngắn hạn 660 điểm.

Không nên mua đuổi 

CTCK Phú Hưng - PHS

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, OPEC đồng ý cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu, tương ứng mức giảm 3,5% đưa sản lượng về mức 32,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Thông tin này giúp giá dầu thô bùng nổ, ngay lập tức tăng 9%, qua đó, cổ phiếu dầu khí bứt phá mạnh mẽ.

Ngoài ra, thông tin PMI tháng 11 tăng mạnh lên 54 điểm, mức tăng cao nhất trong 1 năm rưỡi là thông tin hỗ trợ tích cực cho thị trường. Nhờ vậy hai chỉ số có phiên tăng điểm nhưng đà tăng của VN-Index phiên hôm nay lại bị kiềm hãm bởi VNM giảm điểm do khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trở lại cùng với sự lao dốc của ROS.

Dù triển vọng ngắn hạn của giá dầu được hỗ trợ bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC cùng nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao trong mùa Đông, nhưng về dài hạn, việc cam kết thực hiện thỏa thuận của các nước thành viên OPEC vẫn còn nhiều nghi ngại và việc tăng cường sản xuất dầu đá phiến của Mỹ khi giá dầu tăng có thể tạo áp lực cho giá dầu. Do đó, đà tăng của cổ phiếu dầu khí khó bền vững bên cạnh áp lực bán ròng của khối ngoại có thể khiến chỉ số khó bứt phá mạnh.

Do đó, nhà đầu tư không nên mua đuổi trong giai đoạn hiện tại để tránh rủi ro T+.

Tin bài liên quan