ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 13/7.
Tiếp tục chiến lược “để lãi chạy”
(CTCK FPT - FPTS)
Có thể nói phiên giao dịch 12/7 đã gây bất ngờ cho đa phần nhà đầu tư khi VN-Index có phiên biến động mạnh và diễn biến hồi phục cuối phiên có phần tương tự như phiên giao dịch sau sự kiện Brexit . Nổi lên trong phiên này là động thái kéo giá tích cực của các cổ phiếu bluechips và các cổ phiếu mang tính dẫn dắt thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng như thép, khai thác đá. Khối nhà nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có dấu hiệu đẩy mạnh mua ròng trở lại trên HOSE.
Rõ ràng, việc dòng vốn được đẩy mạnh tại vùng giá thấp đang mở ra cơ hội tiếp diễn của xu hướng tăng giá. Theo đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục chiến lược “để lãi chạy” đối với những mã cơ bản tốt có triển vọng kinh doanh 6 tháng tích cực trong danh mục. Việc mua mới hoặc mua lướt sóng cũng có thể được thực hiện, nhưng vẫn cần thận trọng với điểm mua là những rung lắc trong phiên, tránh mua đuổi giá cao nếu thị trường quá hưng phấn.
Rủi ro trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
VN-Index như vậy đã test lại ngưỡng hỗ trợ gần 645-650 điểm trong phiên sáng 12/7 và bất ngờ tăng điểm mạnh trở lại vào phiên chiều, qua đó khẳng đỉnh lại xu hướng tăng trong ngắn hạn sắp tới. Theo đó, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng giá và đóng phiên quanh ngưỡng 660 điểm vào phiên 13/7.
Rủi ro trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu khi VN-Index liên tục trồi sụt tại vùng 650-660 điểm. Nhà đầu tư có thể hạ bớt tỷ trọng đối với các mã mang tính thị trường cao trong danh mục, tránh sử dụng margin trong giai đoạn này.
Hạn chế mua vào
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Lực cầu mạnh mẽ xuất hiện cuối phiên chiều nay là tín hiệu tích cực đối với thị trường trong ngắn hạn, thể hiện sự tự tin của nhà đầu tư đối với triển vọng thị trường chung. Mặc dù vậy, thông tin liên quan đến phán quyết vụ kiện biển Đông và phản ứng của các bên liên quan sẽ gây tác động đến diễn biến của 2 chỉ số.
Nhà đầu tư với quan điểm thận trọng nên hạn chế hoạt động mua vào để theo dõi thêm phản ứng của thị trường trước sự kiện trên.
Lưu tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa
(CTCK BIDV – BSC)
Sau một nhịp điều chỉnh kỹ thuật, thị trường phục hồi lại sát đỉnh ngắn hạn ở 661, tâm lý thận trọng trong phiên giao dịch 11/7 trước thềm phán quyết của tòa PCA về vụ kiện biển Đông đã trở nên hưng phấn hơn.
Vận động của VN-Index đã quay trở lại đồng điệu với đà tăng của các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới. Nhà đầu tư có thể lưu tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa nếu VN-Index tiếp tục vượt ngưỡng 661 điểm với khối lượng giao dịch gia tăng.
Thị trường đã điều chỉnh xong
(CTCK Maritime – MSI)
Thị trường hồi phục mạnh vào cuối phiên 12/7 đã phát đi tín hiệu thị trường đã điều chỉnh xong. VN-Index đã và đang quay lại để tiệp cận mốc kháng cự mạnh 670-680 điểm trong thời gian tới. Thị trường sẽ tăng điểm vào phiên giao dịch 13/7 khi dòng tiền đồng loạt chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, vật liệu xây dựng...
Hoạt động trading ngắn hạn được khuyến cáo áp dụng cho một số cổ phiếu cơ bản tốt, hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt. Chiến lược Buy and Hold vẫn được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Một số cổ phiếu đáng chú ý: PVD, KBC, VCB, FCN, AAA...
Nhà đầu tư bắt đáy phiên 12/7 gặp áp lực
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Lực mua bắt đáy của nhà đầu tư quay trở lại sớm hơn dự kiến, giúp thị trường có phần cân bằng hơn. Tuy nhiên, việc cả 2 chỉ số tăng mạnh sau khi đóng cửa là đầy bất ngờ. Liệu rằng những nhà đầu tư bắt đáy có thành công với chiến thuật hay không? Thực tế, nếu nhà đầu tư quan sát nhóm các cổ phiếu tăng giá mạnh 2 phiên vừa qua đều nhận ra áp lực bán chốt lời là rất lớn. Những cổ phiếu như EVE, HPG, HSG, VCG... đều biến động rất mạnh khi hàng loạt lệnh bán lớn xuất hiện.
Đây là rủi ro không nhỏ với những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào hoạt động bắt đáy. Còn việc cả 2 chỉ số tăng mạnh trở lại, đặc biệt là VN-Index chưa có nhiều điều đáng bàn, nếu nhìn vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ có duy nhất BID và MSN không tăng giá, trong khi tất cả các cổ phiếu khác đều tăng là một phần đóng góp lớn vào nhịp tăng này. Do đó, nếu như ở phiên giao dịch 13/7 thị trường không thể tạo ra cú bứt phá, thì áp lực bán lại xuất hiện. Điều này có thể sẽ là một rủi ro, đặc biệt tạo ra áp lực rất lớn cho những nhà đầu tư bắt đáy 12/7.