ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 9/7.
Thị trường đang biến động tiêu cực
(CTCK FPT - FPTS)
Như kịch bản đã được nêu trong báo cáo trước, khoảng kháng cự quanh mức 630-640 điểm của VN-Index tỏ ra rất khó có thể bị phá vỡ và việc duy trì sự thận trọng khi VN-Index tiếp cận với khu vực này là hoàn toàn cần thiết.
Thị trường đang cho thấy biến động tiêu cực với rủi ro cao tiềm ẩn tại nhóm ngân hàng, chứng khoán và dầu khí. Trong khi đó, diễn biến tăng giảm mang tính chất điều tiết của một số cổ phiếu trong nhóm VN30 càng khiến thị trường khó đoán hơn trong ngắn hạn.
Chiến lược phù hợp trong giai đoạn này vẫn là tạm dừng mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu xác nhận sau khi chỉ số điều chỉnh giảm về test thành công các mốc hỗ trợ dưới. Trong đó, nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục về cổ phiếu cơ bản đang tích lũy và có khả năng sẽ đón nhận thông tin tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2015.
Các vị thế mua sử dụng đòn bẩy cũng cần phải được cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ lệ vay nhằm tránh rủi ro khi trường xuất hiện những biến động tiêu cực hơn.
Nhịp điều chỉnh tích lũy tạm thời sẽ tiếp tục diễn ra
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Áp lực chốt lời xuất hiện trên diện rộng, sau 4 phiên tăng nóng vừa qua giúp VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới trong năm 2015.
Dòng cổ phiếu dẫn dắt, cụ thể là nhóm ngân hàng và dầu khí có dấu hiệu chịu sức ép lớn từ lực cung chốt lãi khiến hầu hết các mã lớn đóng cửa đều gần mức giá thấp nhất trong ngày.
Giao dịch intraday vì thế cũng khá kém tích cực do sự đồng thuận của 2 yếu tố áp lực chốt lời gia tăng và người cầm cổ hạ giá bán thoát hàng.
Tuy vậy, điểm tích cực là dòng tiền luân chuyển tại vùng giá thấp giữa các nhóm cổ phiếu vẫn rất tốt. Thanh khoản vì vậy vẫn duy trì khá tích cực nhưng cũng không quá lớn để tạo cảm giác lo ngại về một phiên thị trường đạt đỉnh và bước vào giai đoạn phân phối.
Trạng thái thị trường hiện tại mang tính tích lũy tạo động lực cho nhịp tăng mới.
Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh tích lũy tạm thời sẽ tiếp tục diễn ra do nhóm các cổ phiếu lớn đang chịu áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng nóng gần đây. Tuy vậy, trạng thái phân hóa giữa các nhóm ngành sẽ diễn ra rõ nét hơn, do vậy nhà đầu tư có thể tìm các cổ phiếu có kỳ vọng tích cực về kết quả kinh doanh quý II/2015, có thông tin hỗ trợ tích cực để tiến hành giải ngân dần trong giai đoạn điều chỉnh này.
Thị trường sẽ khó tăng trở lại
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Một phiên điều chỉnh thực sự đã diễn ra khi cả hai chỉ số đều giảm điểm mạnh. Thực tế điều này là hoàn toàn bình thường và lẽ ra nó nên xảy ra trước đó một vài phiên. Nhìn vào những cổ phiếu giảm mạnh đa phần là những cổ phiếu tăng mạnh như BID, SSI, VCB...
Tương quan tăng giảm vẫn không quá chệnh lệch khi số mã tăng giá tương đối nhiều và nhà đầu tư cũng chỉ mang tính chốt lời hơn là tháo chạy. Câu chuyện này có lẽ sẽ tiếp diễn trong một vài phiên tới với những cổ phiếu chưa chịu sự điều chỉnh như BVH, BIC...hay mới chớm điều chỉnh SSI, MSN, VCB...
Trong khi ở nhiều cổ phiếu khác, mức độ điều chỉnh đủ lớn sẽ tạo ra mức giá hấp dẫn thu hút dòng tiền quay lại sẽ khó giảm sâu. Tất nhiên với một phiên khớp lệnh đột biến kiểu này sẽ khiến cho nhà đầu tư cảm thấy e dè cho những ngày giao dịch tới. Đó cũng là một trong những lý do mà thị trường sẽ khó tăng trở lại cho đến khi các thông tin này được hấp thụ.
Nhìn lại những sóng tăng kể từ năm 2013 đến nay, thông thường sau nhịp tăng mạnh như vừa qua, thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh và khối lượng giao dịch cũng tăng lên đột biến.
Tiếp sau đó, chỉ số có thể tiếp tục suy giảm nhưng diễn biến giá cổ phiếu sẽ phân hóa nên đà giảm sẽ co hẹp lại. Sau một số phiên điều chỉnh, cộng với giá cổ phiếu đã có dấu hiệu dừng giảm thì khả năng dòng tiền quay lại tương đối cao.
Về nhịp giảm này, vế đầu đang diễn ra và mức độ điều chỉnh của VN-Index có thể chạm đến 610 điểm nhưng đó là sự tích cực. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng có thể thấy rằng dòng tiền vừa qua vẫn tập trung và có tốc độ luân chuyển nhanh nên áp lực margin chưa quá lớn.
Chúng tôi đã nhìn nhận điều này trong các bản tin trước đó và cho rằng, mốc 600 điểm sẽ được duy trì bền vững kích thích dòng tiền quay lại. Cũng theo lịch sử các sóng tăng, sau nhịp điều chỉnh này, dòng tiền quay lại sẽ lan tỏa mạnh hơn chứ không tập trung nhiều như hiện tại.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hay các thông tin riêng rẽ sẽ là nơi thu hút dòng tiền đến. Khi mà nhóm cổ phiếu Penny cũng là nơi thu hút được dòng tiền, khi đó thị trường mới thực sự mang đến rủi ro lớn.
Sẽ cần thêm một vài phiên để lấy lại trạng thái cân bằng
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Về xu hướng thị trường, nhiều khả năng thị trường sẽ cần thêm một vài phiên nữa để lấy lại trạng thái cân bằng. Đây là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục đầu tư sang các mã tiềm năng hơn nhưng tỷ trọng cổ phiếu cho danh mục tổng thể vẫn nên khống chế ở vị thế an toàn.
Sẽ tiếp tục giảm điểm
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Sau khi chạm ngưỡng kháng cự 630 điểm trong phiên trước, thị trường đã giảm điểm trong phiên ngày 8/7 đúng như dự đoán, VN-Index đã giảm 7,1 điểm xuống 623,17 điểm, thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức cao với hơn 3.500 tỷ đồng trong phiên.
Các chỉ số RSI, Momentum đều cho tín hiệu thị trường sẽ điều chỉnh trong các phiên tiếp theo. Phiên 9/7, thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm khi áp lực bán chốt lời vẫn diễn ra mạnh mẽ. Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư nên chú ý như: MBB, PPC, NHS, SEC, HHG, CTS,…
Quá trình điều chỉnh còn tiếp diễn
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Thị trường đang đối mặt với những “rung lắc” khi tiếp cận gần hơn vùng kháng cự quan trọng. Dù quá trình điều chỉnh có thể còn tiếp diễn, xu hướng lớn hơn của thị trường vẫn là tăng.
Nhà đầu tư nhìn chung nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt trong danh mục. Việc chốt lời nếu có, chỉ nên thực hiện một cách cá biệt và có chọn lọc với những cổ phiếu đã đạt mức kỳ vọng.