Nhận định thị trường ngày 8/5: Vẫn là tăng điểm kỹ thuật

Nhận định thị trường ngày 8/5: Vẫn là tăng điểm kỹ thuật

(ĐTCK) Về phương diện kỹ thuật, do xung lượng của thị trường hiện tại là khá yếu nên những phiên tăng điểm trong giai đoạn này sẽ vẫn mang tính kỹ thuật là cao.

ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 7/5.

Vẫn là tăng điểm kỹ thuật

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)

Diễn biến xấu về việc các chỉ số liên tiếp phá vỡ các mốc hỗ trợ ngắn hạn đã tạm thời dừng lại. Tuy vậy, những kỳ vọng về khả năng hồi phục trở lại của thị trường vẫn phải chịu mức rủi ro cao do sự hiện diện của nhiều thông tin gây bất ổn. Sự thụt lùi của thanh khoản trong phiên 7/5 cũng phần nào thể hiện mức độ bi quan của dòng tiền đang đứng ngoài thị trường.

Về phương diện kỹ thuật, do xung lượng của thị trường hiện tại là khá yếu nên những phiên tăng điểm trong giai đoạn này sẽ vẫn mang tính kỹ thuật là cao. Theo đó, chúng tôi bảo lưu khuyến nghị thận trọng với các danh mục lướt sóng ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn cần ưu tiên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao để nhằm hạn chế rủi ro nếu thị trường tiếp diễn trạng thái điều chỉnh.

Nhiều khả năng vẫn sẽ tăng điểm nhẹ

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Thị trường có phiên giao dịch tăng điểm nhưng đà tăng đến từ một số các cổ phiếu bluechips. Thanh  khoản thị trường vẫn ở mức thấp phản ánh việc thị trường hồi phục ở ngưỡng 550 - 560 điểm sẽ không bền và tiềm ẩn rủi ro cho việc giảm điểm tiếp của thị trường trong thời gian tới.

Phiên giao dịch ngày mai 8/5, thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tăng điểm nhẹ nhờ đà tăng của một số  cổ phiếu lớn. Nhiều cổ phiếu vẫn bị bán mạnh ra do sự thiếu kiên nhẫn của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn không nên mua vào cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay và đợi thêm ít nhất 2 tuần nữa khi thị trường tạo đáy vững chắc hơn với thanh khoản cải thiện.

Sẽ có thêm nhiều phiên giằng co đi ngang với thanh khoản thấp

CTCP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC)

Với diễn biến như hiện nay, nhiều khả năng thị trường sẽ có thêm nhiều phiên giằng co đi ngang với thanh khoản thấp trước khi xuất hiện thêm những thông tin mới mang tính đột biến. Ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư trong giai đoạn này là cân bằng tỷ trọng. Việc mua trading T+ trong các phiên thị trường  giảm sâu nên tuân thủ nguyên tắc sớm bán ra trong các phiên hồi phục nhằm đảm bảo một vị thế an toàn cho danh mục tổng thể.

Sẽ bắt đầu có sự phân hóa

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam  (IVS)

Trong phiên 7/5, nhóm cổ phiếu lớn đã có tác động mạnh nên mức tăng của chỉ số VN-Index có phần mạnh mẽ hơn HNX-Index. Nhưng nhìn chung thị trường khá cân bằng và nếu cứ duy trì nhịp điệu này, thị trường cơ bản sẽ cạn kiệt nguồn cung giá thấp và điều đó sẽ giúp thị trường trở nên bình ổn hơn.

Ở những phiên tới sẽ bắt đầu có sự phân hóa khi một số cổ phiếu sẽ bắt đầu tăng trở lại trong khi một vài cổ phiếu khác vẫn chịu áp lực bán. Thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm và nhiêu khả năng sẽ duy trì một thời gian ở mức hiện tại.

Thanh khoản suy yếu trở lại tiếp tục là thử thách lớn 

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Sự khởi sắc ở một số bluechip cùng với nguồn cung hạ nhiệt giúp các chỉ số lấy lại sắc xanh. Dù vậy, sau khi tăng cường bắt đáy trong phiên 6/5, thanh khoản suy yếu trở lại tiếp tục là thử thách lớn để thị trường sớm lấy lại trạng trạng thái cân bằng cần thiết.

Theo đó, sự thiếu ổn định của dòng tiền khiến cho thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn. Nhà đầu tư T+ cần kiên định vị thế nắm giữ vị thế tiền mặt và hạn chế tối đa hoạt động mua đuổi giá. Trong khi đó, chiến lược mua tích lũy cho mục tiêu trung hạn tiếp tục được khuyến khích ở các nhịp giảm trong bối cảnh định giá cổ phiếu Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn.

Khả năng phục hồi vẫn khá mơ hồ

CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường 7/5 đi lên khi VN-Index tăng nhẹ còn HNX-Index kết thúc trên tham chiếu. Thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục ở mức rất thấp. Hầu như trong suốt thời gian giao dịch, các chỉ số chỉ dao động với biên độ hẹp, lực mua và bán đều yếu, không đủ sức tạo ra các chuyển động rõ ràng của thị trường.

Mặc dù thị trường đã điều chỉnh đáng kể kể từ vùng điểm cao nhất từ cuối tháng 3, cùng với kinh tế vĩ mô vẫn đưa ra các tín hiệu ổn định, tuy nhiên dòng tiền vẫn còn khá dè dặt và chờ đợi khi thanh khoản của thị trường tiếp tục ở mức thấp. Đây là dấu hiệu khá tiêu cực khi vùng giá thấp không thể hấp dẫn lực mua vào, cho thấy khả năng phục hồi lên vùng điểm cao hơn của thị trường vẫn khá mơ hồ. Một trong những lo ngại của nhà đầu tư là các tin tức liên quan đến căng thẳng tại khu vực biển Đông. Nếu không có giải pháp hợp lý cho tình hình trước mắt, việc này sẽ có tác động rất nghiêm trọng đối với thị trường chung. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề này nằm ngoài khả năng kiểm soát cũng như dự phóng của thị trường vì không còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, nhà đầu từ cần theo dõi sát và sẵn sàng hành động khi tình hình thay đổi, nhưng không cần thiết quá tập trung cho vấn đề này, vì nó thậm chí còn nằm ngoài khả năng phân tích của các chuyên gia kinh tế.

Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm mua vào đối với các mục tiêu đầu tư trung và dài hạn, tuy nhiên tỉ trọng đối với các cổ phiếu cần điều chỉnh giảm xuống trong tình hình rủi ro đang tăng lên. Các hoạt động đầu cơ ngắn hạn cũng cần hạn chế hơn khi điều kiện thị trường hiện tại không thuận lợi.

Thời gian tăng điểm dự báo không kéo dài

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)

Thị trường đã có phiên tăng điểm trở lại, phản ứng với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật (+/-550 điểm đối với VN-Index; 75 điểm đối với HNX-Index). Mức độ tăng điểm thấp với giao dịch ảm đạm ngay sau phiên bật lên từ ngưỡng hỗ trợ cho tín hiệu kém tích cực về động lực thị trường. Thời gian thị trường tiếp tục tăng điểm dự báo không kéo dài. Ngưỡng cản kỹ thuật gần nhất đối với VN-Index là khoảng 565 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn DUY TRÌ TRẠNG THÁI, chưa nóng vội tham gia thị trường. Nhà đầu tư trung dài hạn tiếp tục tích lũy cổ phiếu khi thị trường yếu.

Kịch bản tiếp tục giảm điểm có thể lặp lại

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC)

Thị trường hồi phục nhẹ trong phiên 7/5 với mức độ tin cậy không cao: thanh khoản sụt giảm, sàn HNX diễn biến yếu trong khi VN-Index tăng điểm chủ yếu nhờ nhóm bluechip vốn hóa lớn (BVH, GAS, MSN, VIC, BID, VNM). Bên cạnh đó, thông tin về tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp và có thể ảnh hưởng không tốt tới tâm lý nhà đầu tư nói chung. Ngoài ra về mặt kỹ thuật, các chỉ số đang có những chuyển động rất giống giai đoạn 16/4 – 17/4 trước đó, hàm ý kịch bản tiếp tục giảm điểm có thể lặp lại.

Với những phân tích trên, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng đối với thị trường trong ngắn hạn, việc trading ngắn được đánh giá sẽ tương đối khó khăn.

Về trung và dài hạn, VN-Index đang có ngưỡng hỗ trợ mạnh tại vùng 530 – 540 điểm (đây là đường hỗ trợ trung hạn của VN-Index từ năm 2013 đến nay) nên các nhà đầu tư giữ nhiều tiền mặt có thể quan tâm tới các mã cơ bản tốt, giảm sâu để tích lũy dần như “Báo cáo tháng 4” chúng tôi đã đề cập (“…những cổ phiếu có tăng trưởng tốt trong quý I, và có kế hoạch kinh doanh khả quan; Các nhóm ngành Dệt may, thủy sản được hưởng lợi từ thông tin TPP, FTA; Nhóm cổ phiếu BĐS, VLXD hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ; Nhóm cổ phiếu hết room”).

Giá tiếp tục xuống những mức thấp tiếp theo

CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Từ góc nhìn kỹ thuật, chưa thể nhận đính tích cực về việc VN-Index hồi phục sau các đợt bán tháo. Trên thực tế, kể từ đỉnh 610, chỉ số thường rơi xuống các mức thấp hơn sau mỗi đợt hồi phục ngắn như vậy.

Chúng tôi cho rằng thanh khoản thấp đi thể hiện rằng dòng tiền đang chảy khỏi thị trường – điều này tạo rủi ro về việc giá tiếp tục xuống những mức thấp tiếp theo. Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp để tránh rủi ro.

Tin bài liên quan