ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 8/4.
Có thể tiếp tục nắm giữ
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)
Nhìn chung, trong khi dòng tiền chưa thực sự mạnh, vẫn còn khá thận trọng thì diễn biến của nhóm cổ phiếu trụ cột đã phát huy tốt vai trò là động lực để nâng đỡ thị trường tại những thời điểm suy yếu.
Dòng tiền đang có sự phân hóa khá rõ khi tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu này trong khi các cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa cho xu thế rõ ràng, điều này lý giải vì sao sàn HNX vẫn giao dịch yếu và không có sự đồng nhất với sàn HOSE.
Hiện tại đang thiếu những thông tin hỗ trợ tác động trực tiếp tới thị trường nhưng báo cáo quý I của các doanh nghiệp niêm yết đang dần hé lộ và đối với những công ty có kết quả kinh doanh tốt vẫn sẽ có nhiều kỳ vọng trong ngắn hạn. Những phiên sắp tới, nếu thị trường có dấu hiệu tích lũy trở lại thì xu hướng trung hạn vẫn là tích cực.
Nhà đầu tư theo đó có thể tiếp tục nắm giữ đối với các cổ phiếu có thông tin cơ bản tốt cho mục tiêu trung hạn, trong khi đó thì các danh mục lướt sóng vẫn cần thận trọng đối với việc mua bắt đáy ở các mã đầu cơ.
Vẫn giữ được nhịp tăng nhẹ
CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS)
3 phiên liên tiếp tăng điểm của chỉ số VN-Index đã và đang tạo nên một sự hứng khởi mới cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự góp mặt của nhóm cổ phiếu lớn giúp chỉ số tăng nhanh và mạnh, trong khi thanh khoản không tăng lên vẫn giữ ở mức trung bình chắc chắn vẫn đang khiến nhà đầu tư nghi hoặc về một đà tăng mới. Và cũng chỉ cần 3 phiên vừa qua, chỉ số VN-Index đã lấy lại mốc 600 điểm đồng thời tạo một khoảng trống (GAP) lớn phía sau.
Về mặt kỹ thuật, nếu như thị trường trở nên yếu đi, các cây nến sau đó sẽ phải lấp lại khoảng trống này. Nhìn chung thì chỉ số HNX-Index đang phản ảnh tâm lý chung của thị trường chính xác hơn VN-Index.
Như vậy câu hỏi đặt ra là, các cổ phiếu LargeCap sẽ tăng đến mức nào nữa, và nếu như mức tăng giá của nhóm này trở nên yếu đi thì các cổ phiếu khác có đủ sức đỡ cho thị trường như đã từng xảy ra hồi đầu tháng 3 vừa qua hay không.
Thật khó trả lời cho câu hỏi này, nhưng dường như những tác động tích cực đang bắt đầu xuất hiện nhưng chỉ là đối với những cổ phiếu có tính cơ bản, kết quả kinh doanh tốt. Vẫn tiếp tục là một sự phân hóa, và cầu mua sẽ gia tăng ở những cổ phiếu có thông tin tích cực. Có lẽ cũng không cần quá quan tâm nhiều đến chỉ số sẽ ra sao vào lúc này nữa, mà nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục. Điều đó sẽ đảm bảo sự an toàn và mang đến cơ hội hơn trong giai đoạn hiện nay.
Ở phiên giao dịch ngày 8/4, mốc 600 điểm sẽ lại là một thử thách. Tuy nhiên, với sự trợ giúp tích cực từ nhóm cổ phiếu lớn nhiều khả năng chỉ số vẫn sẽ giữ được nhịp tăng nhẹ. Trong khi đó, trên sàn HNX sẽ tiếp tục trồi sụt do áp lực bán sẽ gia tăng trở lại.
VN-Index sẽ tiếp tục tăng
CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS)
Thị trường tăng điểm mạnh nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Hiệu ứng của nhóm cổ phiếu bluechips sẽ tác động tích cực tới các nhóm cổ phiếu còn lại. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên 8/4.
Tuy nhiên mức thanh khoản hiện tại chưa cho phép VN-Index phá vỡ ngưỡng kháng cự 610 điểm. Thị trường sẽ cần thêm những thêm tích lũy, do đó giao dịch ngắn hạn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư nên cẩn trọng với cổ phiếu đầu cơ và có thể giải ngân vào các cổ phiếu bluechips, midcaps có cơ bản tốt và kết quả kinh doanh quý 1 khả quan.
Tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Về xu hướng thị trường, nếu đà hồi phục tiếp tục diễn ra đi kèm thanh khoản thấp có thể sẽ dần khiến người cầm tiền sốt ruột.
Tuy vậy, chúng tôi chờ đợi một phiên lực cầu được kiểm định thật sự bằng khối lượng giao dịch tăng mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư vẫn nên duy trì một danh mục cân bằng, tránh mua đuổi trong các phiên thị trường tăng điểm.
Áp lực nguồn cung sẽ tăng trở lại
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Với phiên tăng điểm này, VN-Index đã vượt hẳn ngưỡng kháng cự yếu ở vùng 595 – 597 điểm để đạt mức 600,57 điểm, diễn biến này mở ra cơ hội kiểm nghiệm lại đỉnh cũ 609 – 610 điểm của VN-Index được hình thành vào ngày 25/3/2014.
Nhiều khả năng áp lực nguồn cung sẽ tăng trở lại khi VN-Index ngày càng tiến gần đến vùng 609 – 610 điểm, và diễn biến giá của nhóm bluechip sẽ đóng vai trò quyết định trọng việc VN-Index có thể vượt qua được đỉnh cũ hay không.
VN-Index dự báo vẫn được nhóm cổ phiếu lớn hỗ trợ
CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Chỉ số VN-Index tiếp tục phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, bật lên từ mốc hỗ trợ đường biên dưới của dải Bollinger Bands và đường MA50 ngày. Chỉ số HNX-Index cũng tiếp tục diễn biến phục hồi kỹ thuật, phản ứng với mốc hỗ trợ 85 điểm.
Đà tăng điểm của chỉ số chung được hỗ trợ chủ yếu từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt tại sàn HOSE. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến tích cực sau thông tin về thị phần môi giới trên hai sàn. Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán - cổ phiếu vẫn mang tính dẫn dắt dòng tiền - giúp độ rộng thị trường khá tích cực, dù mức độ tăng của đa số cổ phiếu không nhiều.
Chỉ số VN-Index dự báo tiếp tục được hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu lớn. Ngưỡng cản kỹ thuật của VN-Index là khoảng 610 điểm, tương đương mức đỉnh cao nhất đã thiết lập tại ngày 24/3/2014. Ngưỡng cản kỹ thuật của HNX-Index là khoảng 89-90 điểm, tương đương đường MA 12 ngày. Sự phân hóa cổ phiếu dự báo diễn ra rõ nét hơn, dựa trên kỳ vọng thông tin hỗ trợ mùa ĐHCĐ. Nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng dự báo kém tích cực hơn thị trường chung
Nhà đầu tư DUY TRÌ TRẠNG THÁI DANH MỤC. Quyết định mua mới cổ phiếu đã tăng nóng là rủi ro với quan điểm ngắn hạn, khi diễn biến tăng giá của chỉ số chung chịu ảnh hưởng bởi một nhóm nhỏ cổ phiếu vốn hóa.
VN-Index đang nỗ lực thử lại mức đỉnh 609 điểm
CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
Từ góc nhìn kỹ thuật, chúng tôi tiếp tục giữ đánh giá về xu hướng tăng của VN-Index.
Thị trường đang nỗ lực thử lại mức đỉnh 609 với động lực dẫn dắt là từ các cổ phiếu vốn hóa cao. Mức hỗ trợ quan trọng ở 565 điểm.
Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu để tận dụng chiều hướng giá lên.
Thị trường đang bước vào giai đoạn phân hóa mạnh
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC)
GAS và VNM đều lên kế hoạch chia cổ tức khủng tới gần 50% và trở thành 2 đầu tàu thị trường trong phiên 7/4. Như vậy, nhờ sự hỗ trợ mạnh từ nhóm bluechip và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, VN-Index phiên này đã tăng mạnh và kiểm tra lại ngưỡng tâm lý 600 điểm. Dù xảy ra nhiều giằng co khi tiếp cận vùng giá này, việc VN-Index chốt phiên vẫn giữ được mốc 600,57 điểm cho thấy tâm lý thị trường được cải thiện tích cực.
Mức tăng phiên 7/4 không những đã giúp chỉ số này vượt lên đường trung bình MA(20) mà còn trở lại vùng kênh tăng giá trung hạn kéo dài từ đầu năm, đây là tín hiệu phục hồi tích cực nhất kể từ khi VN-Index tạo đáy ngắn hạn 574 điểm (tuần trước).
Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa nhận thấy sự cải thiện tương ứng trong thanh khoản thị trường khi khối lượng giao dịch vẫn chỉ giữ ở mức trung bình thấp, điều này hàm ý dòng tiền chảy vào thị trường vẫn chưa thực sự mạnh và thị trường vẫn bị chi phối nhiều bởi các mã vốn hóa lớn. Nói chung, thị trường đang bước vào giai đoạn phân hóa mạnh và việc trading cổ phiếu sẽ khó khăn hơn so với trước khi mà chỉ những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ, kết quả kinh doanh quý I cải thiện mới thu hút được nhà đầu tư.
Mốc 600 điểm cần được kiểm định lại
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường đã có một phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn bởi những doanh nghiệp này đều phát đi thông diệp tốt về hoạt động kinh doanh của mình thông qua kế hoạch chia cổ tức.
Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại hiện vẫn là thanh khoản thị trường ở mức thấp và khối ngoại quay lại bán ròng chỉ sau vài phiên mua vào, cho thấyđà tăng hiện tại còn khá yếu.
Do đó, khả năng kiểm định lại mốc 600 điểm trong những phiên sắp tới là cần thiết để thị trường có thêm những bước tiến tiếp theo.
Trong giai đoạn trống thông tin hỗ trợ về yếu tố vĩ mô như hiện nay, chúng tôi cho rằng việc chọn lựa các cổ phiếu để giải ngân theo quan điểm đầu tư giá trị và dài hạn sẽ thích hợp hơn.