ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 7/5.
Áp lực bán gia tăng
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí trong phiên sáng 6/5 xuất phát từ đà tăng của giá dầu thế giới, mặc dù vậy, do vốn hóa của nhóm cổ phiếu này đã sụt giảm mạnh sau giai đoạn lao dốc vừa qua nên tầm ảnh hưởng đến chỉ số đã phần nào bị giảm sút. Bên cạnh đó, thông tin giá xăng mới được điều chỉnh tăng mạnh, gần 2.000 VNĐ/lít (xấp xỉ 10%), vào tối hôm 5/5 đã có tác động tiêu cực đến nhà đầu tư do lo ngại về khía cạnh chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, khả năng gia tăng áp lực bán trong phiên ngày 7/5, khi lượng hàng bắt đáy phiên ngày 4/5 về tài khoản, cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Diễn biến thị trường trong ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tâm lý bên nắm giữ cổ phiếu đang tỏ ra dễ bị dao động. Mặc dù vậy, với các thông tin tích cực về vĩ mô cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trên sàn và lực cầu khá bền bỉ của khối ngoại từ giai đoạn đầu tháng 4 đến nay, tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong trung dài hạn vẫn đang được đánh giá ở mức cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các phiên thị trường sụt giảm để tích lũy và xây dựng các vị thế trung dài hạn ở mức cân bằng. Các hoạt động lướt sóng ngắn chỉ nên áp dụng một tỷ trọng thấp với mục đích bình quân giá vốn cho các vị thế nắm giữ và tránh các quyết định mua/bán đuổi giá.
Tiếp tục giằng co
(CTCK BIDV - BSC)
Tổng khối lượng khớp lệnh 2 sàn phiên 6/5 đạt khoảng 140 triệu cổ phiếu, xấp xỉ so với phiên 5/5. Trong 2 phiên giảm gần đây, (ngày 4/5 và 6/5), thanh khoản không hề thấp, cho thấy áp lực bán ra vẫn mạnh. Còn trong phiên tăng điểm, lực cầu khá yếu khiến thị trường không duy trì được sắc xanh liên tục. Mặc dù nền tảng vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn đang bị siết chặt khiến thị trường không có nhiều động lực tăng điểm.
Bên cạnh đó, các cú sốc từng gây ra đợt giảm mạnh gần đây như (1) khối ngoại bán ròng, (2) rủi ro chính trị và (3) lượng tiền margin cao hiện cũng chưa xuất hiện một cách rõ ràng, do đó thị trường sẽ khó giảm sâu nếu chỉ dựa vào lực bán chốt lời. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giao dịch giằng co, tăng giảm đan xen trong phạm vi 532 – 570 điểm trong thời gian tới.
Đầu phiên giảm mạnh, sau đó giằng co
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Trước mắt, các hoạt động giao dịch đầu cơ ngắn hạn không nên giải ngân ở giai đoạn này vì thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục giảm sâu. Các phiên tăng điểm vừa qua chỉ là phiên bulltrap khi đường giá gặp phải các đường hỗ trợ yếu. Vấn đề thanh khoản không được cải thiện, thậm chí đang có dấu hiệu suy yếu dần, nhiều mã đang cho tín hiệu bán ra, thông tin hỗ trợ thị trường còn rất hạn hẹp. Do đó đối với những ai đang nắm cổ phiếu nên giảm bớt tỷ trọng trong những phiên
tăng điểm và đứng ngoài thị trường. Theo dõi diễn biến của phiên 6/5 thì thị trường đuối hẳn về cuối phiên, nên đà tăng khó có thể được duy trì. Ngày 7/5 thị trường giảm điểm, đặc biệt đà giảm diễn ra mạnh vào đầu phiên, sau đó giằng co, tăng giảm đan xen.
Tiếp tục dao động quanh vùng giá hiện tại
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Thị trường quay lại xu thế điều chỉnh ngay sau phiên bật tăng mạnh trước đó. Việc giá dầu thô lập đỉnh mới trong năm 2015 do tác động từ diễn biến bất ổn tại Trung Đông và đồng USD suy yếu đã giúp dòng P thay thế dòng cổ phiếu ngân hàng tăng điểm đồng loạt. Tuy vậy, phần còn lại của thị trường phản ứng khá tiêu cực với động thái tăng giá xăng lên gần 2.000 đồng/lít tối ngày 5/5 của cơ quan quản lý. Độ rộng hai sàn thu hẹp khá mạnh, đặc biệt tại nhóm các mã Bluechips, thanh khoản cũng suy giảm do lực cầu yếu đi rõ rệt.
Khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng mạnh trên HOSE. Tuy vậy cần lưu ý tới diễn biến của quỹ ETF VNM. Mặc dù số lượng chứng chỉ quỹ tiếp tục tăng 150.000 chứng chỉ quỹ trong phiên giao dịch trước đó, tuy vậy mức chênh lệch giữa thị giá và NAV đã quay lại trạng thái âm (discount) và khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp tiếp tục giữ ở mức cao. Điều này cho thấy xu hướng mua ròng của quỹ này tạm thời có thể bị chững lại trong ngắn hạn.
Phiên điều chỉnh giảm điểm này cho thấy nhịp tăng trước đó chưa đảm bảo độ tin cậy. Chúng tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp tục dao động quanh vùng giá này trong vài phiên tới để thiết lập sự cân bằng trở lại sau phiên lao dốc rất mạnh ngày 4/5 vừa qua. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, chờ đợi các tín hiệu tích cực hơn trong các phiên sắp tới.
Tiếp tục giảm về các vùng hỗ trợ thấp hơn
(CTCK MB - MBS)
Cả hai sàn đều đảo chiều giảm điểm, thanh khoản giảm trên HOSE nhưng lại tăng trên HNX. Với thông tin tích cực từ việc dầu thô tăng giá đã khiến cho nhiều cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC tăng giá. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng giá vẫn không giúp thị trường tiếp tục tăng điểm do số cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo. Ở chiều ngược lại, dòng tiền tại các cổ phiếu vừa và nhỏ suy yếu khiến hàng loạt cổ phiếu giảm sàn như: HAR, MCG, HAI, GTN,…. Ngoại trừ nhóm dầu khí, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng không giữ được sắc xanh và giảm giá khi đóng cửa. Khối ngoại mua ròng trở lại trên HOSE với tổng giá trị mua ròng đạt 211,9 tỷ đồng, trong khi quay ra bán ròng 6,52 tỷ đồng trên HNX.
Dấu hiệu cho một đợt hồi phục của thị trường đã không được xác nhận. Thị trường có thể tiếp tục giảm điểm trong thời gian tới về các vùng hỗ trợ thấp hơn.
Chưa có dấu hiệu khởi sắc
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Câu chuyện tỷ giá trở thành mối quan tâm lớn của nhà đầu tư khi cả USD tự do và ngân hàng đều tăng đáng kể trong ngày 6/5. Thêm vào đó, giá xăng bán lẻ (A92) tăng thêm 1.950 đồng/lít do giá dầu quốc tế tăng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Sau phiên hồi kỹ thuật hôm 5/5, cả hai sàn đã quay đầu giảm điểm trong phiên 6/5. Kết quả suy giảm phủ rộng toàn thị trường, cứ 1 mã tăng thì có gần 3 mã giảm điểm. Thanh khoản cả hai sàn tiếp tục sụt giảm, lực cầu mua giá cao yếu. Điểm sáng trong phiên là khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng với giá trị trên 200 tỷ đồng.
Như đã lưu ý trước đó, chúng tôi cho rằng triển vọng hiện nay của thị trường chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc và vì vậy việc duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng với tiền mặt vẫn là khuyến nghị chủ đạo của chúng tôi trong giai đoạn này.