ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 7/10.
Quay trở lại xu thế giao dịch chậm
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Xu hướng tăng đã nhen nhóm kể từ phiên 5/10 và tăng mạnh khi thông tin về hiệp định TPP chính thức chốt lại. Thực ra vẫn còn rất nhiều việc kể sau khi tuyên bố chung chính thức được đưa ra. Thế nhưng nhờ thông tin này mà dòng tiền đã chảy vào một cách mạnh mẽ đẩy thị trường tăng mạnh cả về điểm số lẫn giá trị giao dịch. Đó là điều mà thị trường mong đợi từ khá lâu khi lình xình tại vùng 560 điểm hơn 1 tháng nay.
Chỉ số VN-Index có hai phiên tăng mạnh và bứt qua 580 điểm dễ dàng. Thị trường đã thực sự vào trend tăng giá chưa? Khoảng GAP lại được tạo ra từ 570-575 điểm liệu có phải lấp đầy hay không? Đó là câu hỏi đối với nhà đầu tư.
Nhiều người cho rằng xu hướng tăng đã bắt đầu sau hơn 1 tháng lình xình tích lũy. Tuy nhiên, chúng tôi không nghiêng về kịch bản này.
Chúng tôi cho rằng, sự tích cực này sẽ sớm tan đi nếu như khối ngoại tiếp tục bán ròng, dù mức bán ròng không quá lớn, nhưng nó lại tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Và nên nhớ, những thông tin không mấy sáng sủa từ tỷ giá, từ chỉ số hoán đổi rủi ro CDS hay Bộ Tài chính vay 30.000 tỷ vẫn là câu hỏi nóng.
Thông thường, khi diễn ra kỳ họp nào từ Trung ương hay Quốc hội thì thị trường khó có sóng tăng thực sự. Chúng tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ quay lại xu thế giao dịch chậm lại và khoảng GAP vừa tạo ra sẽ cần lấp đầy.
Mạnh dạn giải ngân
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Thị trường có phiên nhảy vọt cả về thanh khoản và điểm số sau thông tin TPP chính thức đạt được thỏa thuận sau hơn 5 năm đàm phán với 12 nước tham gia.
Có thể nói đây là một cú hích mạnh giúp tạo đà cho thị trường bật tăng trở lại sau quãng thời gian dài đi ngang, tích lũy trong biên độ rất hẹp do dòng tiền luôn ở trong trạng thái thận trọng vì chịu tác động từ những thông tin bất lợi liên quan tới tình hình kinh tế Trung Quốc và áp lực rút vốn liên tục của dòng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi.
Mặc dù sẽ cần thời một khoảng thời gian nhất định để chính thức có hiệu lực tại 12 quốc gia thành viên, tuy nhiên trong ngắn hạn, TPP sẽ đem lại một luồng gió mới cho thị trường vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại cho Việt Nam.
Theo đánh giá, TPP sẽ là sự kiện lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây của Việt Nam tính từ thời điểm Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Hiệp định này liên kết 12 quốc gia với lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu chiếm 26% toàn thế giới và GDP của các quốc gia thành viên chiếm 40% tổng lượng GDP của cả thế giới với mục tiêu xóa bỏ rào cản thuế quan giữa các nước thành viên và các loại rào cản cho các loại hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
So với WTO, một trong những ưu điểm lớn nhất của TPP là hiệp định này chỉ có 12 nước thành viên tham gia so với 161 nước thành viên của WTO khiến tổ chức này đòi hỏi thời gian dài để có thể đạt được các thỏa thuận chung.
Nếu tận dụng tốt cơ hội gia nhập TPP, GDP của Việt Nam có cơ hội tăng thêm 10,5%, xuất khẩu tăng thêm 28,4% đến năm 2025 so với không có TPP.
Các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào các nước thành viên của TPP, đặc biệt là thị trường Mỹ như dệt may, da giày, đồ gỗ.. sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Bên cạnh đó, với kỳ vọng dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam thời gian tới, các ngành hỗ trợ như logistics, cảng biển, BĐS công nghiệp cũng hứa hẹn sẽ có sự khởi sắc.
Tuy nhiên, TPP cũng không phải toàn màu hồng. Việc cắt giảm các dòng thuế dần về 0% sẽ khiến ngân sách thất thu; nguy cơ hàng nội địa khó có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu; các yêu cầu liên quan tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.. là những thách thức rất lớn khi Việt Nam chính thức là thành viên của hiệp định này. Một số ngành dự kiến ngay lập tức sẽ gặp khó khăn khi tham dự sân chơi chung TPP bao gồm: Mía đường, chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, dược..
Ngành mía đường đang được bảo hộ nhờ chính sách thiết lập hạn ngạch nhập khẩu; ngành dược phẩm sẽ chịu áp lực từ việc giảm thuế nhập khẩu từ 2,5% xuống 0% và hạn chế khả năng tiếp cận các loại thuốc mới của các doanh nghiệp nội do vấn đề bảo hộ dược phẩm; áp lực cạnh tranh cũng rất lớn đối với các ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi khi khó có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm tới từ Úc, New Zealand, Mỹ…
Như đã khuyến nghị trong phiên trước, nhà đầu tư nên tiếp tục mạnh dạn tiến hành giải ngân tại các mã đang dao động tại vùng giá tốt, tích lũy chặt chẽ trong thời gian qua và hứa hẹn được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định TPP trong thời gian tới.
Giai đoạn uptrend mới chỉ bắt đầu
(CTCK Maritime – MSI)
Xét trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index tiếp tục hình thành một cây nến xanh cao hơn nến xanh ngày 5/10, đồng thời vượt qua đường SMA 200. Với tâm lý tích cực của nhà đầu tư trên thị trường hôm nay, phiên giao dịch ngày 7/10 sẽ là một phiên tăng điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ chạm ngưỡng kháng cự 585-590 điểm.
Giai đoạn uptrend mới chỉ bắt đầu khi VN-Index break out với thanh khoản lớn. Nhà đầu tư có thể quan tâm những cổ phiếu cơ bản kỳ vọng đạt được kết quả kinh doanh tốt trong quý III và một số cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP: TNG, BVH, BHS, HVG…
Chưa đủ điều kiện đánh giá độ bền vững của xu hướng
(CTCK FPT - FPTS)
Tâm lý giao dịch được giải tỏa và dòng tiền đã khơi thông một cách tích cực. Đánh giá chung thị trường đang có được sự thuận lợi để trở lại với trạng thái tăng giá. Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để đánh giá đây là một xu hướng tăng giá mới hay đơn thuần chỉ là một nhịp hồi trong một xu hướng giảm ngắn hạn. Theo đó, sự bền bỉ của dòng tiền và các nhịp luân phiên tăng giá của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt mới là yếu tố có thể giúp chỉ số vận động bền vững.
Dòng tiền phiên 6/10 có độ mở lớn với sự đa dạng của các nhóm cổ phiếu tăng giá, do đó khó có thể đánh giá chính xác nhóm dẫn dắt dòng tiền. Nhiều khả năng khi chạm khu vực kháng cự mạnh và xuất hiện nhịp điều chỉnh, chỉ số sẽ sớm bộc lộ điều này.
Kỳ vọng hiện tại đang dồn trọng tâm vào nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng, điều này là hợp lý với tiến triển hiện tại của hai ngành trụ cột này. Nếu sự hội tụ của dòng tiền đúng như kịch bản trên thì xác suất cao thị trường sẽ có được nhịp tăng khá dài và bền vững trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp có thể cân nhắc xem xét tham gia thị trường khi chỉ số có nhịp hiệu chỉnh đầu tiên do chạm khu vực kháng cự mạnh. Hiện tại, hoạt động giải ngân với tỷ trọng cổ phiếu lớn trên tổng tài sản chưa được khuyến nghị do độ bền vững của xu hướng chưa đủ điều kiện để đánh giá.
Đà tăng không kéo dài
(CTCK BIDV - BSC)
Xu hướng trong ngắn hạn vẫn là tích cực. Tuy nhiên, việc khối ngoại vẫn giữ lực bán ròng có thể khiến đà tăng không được kéo dài. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, tập trung vào những cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh dự kiến tích cực. Đối với nhóm cổ phiếu TPP hoặc cơ bản tích lũy trong thời gian vừa qua, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời từng phần.
Kỳ vọng xu thế tăng có thể tiếp diễn
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Một cái kết thành công cho TPP sau thời gian dài chờ đợi rõ ràng đang tạo ra sự đột phá giúp thị thị trường phá vỡ xu thế đi ngang đã hình thành trong thời gian vừa qua. Thực sự là nhà đầu tư đã phản ứng tích cực trước kì vọng TPP sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn và cũng là nhân tố hỗ trợ rất có giá trị vào thời điểm này.
Chúng tôi kì vọng xu thế tăng có thể được tiếp tục giữa lúc tâm lý thị trường cải thiện và làn sóng mua vào trở lại. Thêm vào đó, định giá cổ phiếu hiện tại khá hợp lý. Xét về mặt kĩ thuật, VN-Index chính thức phá vỡ ngưỡng kháng cự mạnh 575-580 trong bối cảnh thanh khoản phục hồi là tín hiệu tốt. Có thể TPP sẽ giúp cho VN-Index tái chinh phục trở lại ngưỡng 600 và thậm chí là cao hơn trong thời gian tới.