Nhận định thị trường ngày 5/8: Hạn chế bắt đáy

Nhận định thị trường ngày 5/8: Hạn chế bắt đáy

(ĐTCK) Xu hướng thị trường trong ngắn hạn tiếp tục tiêu cực. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục giảm. Dù vậy, đà giảm dự đoán sẽ thu hẹp lại khi thị trường xuống vùng giá thấp hơn.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 5/8.

Vẫn tiêu cực trong ngắn hạn

(CTCK BIDV - BSC)

Xu hướng thị trường trong ngắn hạn tiếp tục tiêu cực. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục giảm. Dù vậy, đà giảm dự đoán sẽ thu hẹp lại khi thị trường xuống vùng giá thấp hơn. Nhà đầu tư nhìn chung nên tiếp tục quan sát thị trường. Nhà đầu tư mạo hiểm có thể mở mua, tuy nhiên cần lưu ý đảm bảo tỷ trọng an toàn cho danh mục

Thị trường chưa thực sự bền vững

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Như vậy thị trường có 3 phiên giảm mạnh liên tiếp đẩy chỉ số VN-Index về đến 600 điểm, một mốc điểm khá nhạy cảm và quan trọng. Liệu thị trường có bật tăng lại không cũng là một câu hỏi của không ít nhà đầu tư.

Về giao dịch, rõ ràng phiên 4/8 nhóm cổ phiếu lớn là tác nhân lớn nhất khiến VN-Index sụt giảm mạnh mà đặc biệt là nhóm Ngân hàng. Về mặt nào đó thì một số cổ phiếu này như BID, VCB, CTG... đã gần chạm đến vùng an toàn nên rủi ro giảm có thể không còn nhiều. Trong khi đó nhiều cổ phiếu khác như FPT, MBB, SSI... lại tăng trở lại nên sẽ hỗ trợ cho thị trường trong phiên giao dịch tới. Vì thế, tại mốc 600 điểm này sẽ có những biến động nhỏ hơn.

Cầu mua sẽ gia tăng nếu giảm dưới mốc điểm này và ngược lại đà bán kiếm lời ngắn hạn cũng gia tăng nếu chỉ số tăng mạnh. Việc biên độ giảm hẹp lại có thể sẽ tạo điều kiện cho nhiều cổ phiếu tăng giá nên mức độ phân hóa sẽ diễn ra. Nhìn chung, khối lượng đã sụt giảm hơn, đồng nghĩa áp lực bán sẽ dần giảm bớt nhưng thị trường chưa thực sự bền vững.

Trend tăng điểm đã bị phá vỡ

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Trạng thái thị trường vẫn khá xấu do nhà đầu tư tiếp tục có dấu hiệu phản ứng quá đà với thông tin về việc đàm phán TPP không thể kết thúc ngay sau cuộc họp diễn ra từ ngày 28 – 31/7. Các câu chuyện tích cực liên quan tới việc Việt Nam chính thức kết thúc đàm phán FTA với EU - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hay thông tin về việc đàm phán TPP cấp bộ trưởng nhiều khả năng sẽ được nối lại cuối tháng này nhằm mục tiêu ký kết hiệp định TPP vào cuối năm nay cũng không được thị trường quan tâm nhiều.

Trạng thái dòng tiền cũng suy yếu mạnh khiến lượng giao dịch sụt giảm trên cả hai sàn. Nhóm các mã dẫn dắt, trong đó nhiều mã không được hưởng lợi gì từ TPP cũng tiếp tục thể hiện sự đuối sức sau giai đoạn tăng khá vừa qua.

Như vậy, có thể thấy TPP thất bại chỉ là yếu tố khiến thị trường thay đổi trạng thái nhanh hơn trong bối cảnh dòng tiền liên tục suy giảm, các chỉ số liên tục retest đỉnh không thành công và hiện thời trend tăng điểm đã bị phá vỡ. Tham gia mua vào tại thời điểm này, đặc biệt đối với các giao dịch trading ngắn hạn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trạng thái cân bằng của thị trường được cần được xác lập sau giai đoạn điều chỉnh mạnh này.

Quan sát thêm và hạn chế bắt đáy

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Nhà đầu tư sau khi bán giảm tỷ trọng ở các phiên trước nên tạm thời quan sát thêm diễn biến thị trường và hạn chế hoạt động bắt đáy. Việc mua lại chỉ nên được thực hiện khi 2 chỉ số cho tín hiệu tích cực hơn cả về điểm số và thanh khoản. Danh mục trung, dài hạn tiếp tục được khuyến nghị nắm giữ với tỷ trọng ở mức vừa phải.

Tiếp tục tích lũy và  điều chỉnh

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Dù bảo lưu quan điểm tích cực dành cho thị trường trong trung hạn đến cuối năm, chúng tôi đánh giá triển vọng ngắn hạn của thị trường có nhiều vấn đề cần thận trọng. Khả năng tiếp tục tích lũy và điều chỉnh của thị trường trong một vài tuần tới có xác suất xảy ra khá cao và vùng hỗ trợ dành cho VN-Index nằm tại khu vực 585-600 điểm. Nhà đầu tư giữ tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngang bằng tiền mặt để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Tin bài liên quan