Nhận định thị trường ngày 5/5: Vẫn còn khó lường

Nhận định thị trường ngày 5/5: Vẫn còn khó lường

(ĐTCK) Trong một vài phiên tới có thể thị trường vẫn còn khó lường, nên sự mạo hiểm là điều nguy hiểm.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 5/5.

Rủi ro tiếp tục điều chỉnh vẫn còn để ngỏ   

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Chúng tôi cho rằng diễn biến lao dốc của thị trường phiên 4/5 phần lớn xuất phát từ yếu tố tâm  lý mang tính ngắn hạn của nhà đầu  tư. Về mặt cơ bản, các thông tin vĩ mô cũng như vi mô vẫn đang hỗ trợ cho xu hướng hồi phục của thị trường trong trung, dài hạn. Các nhà đầu tư theo trường phái giá trị được khuyến nghị lựa các vùng giá tốt để tích lũy và nắm giữ một tỷ trọng

cân bằng cho danh mục dài hạn. Các vị thế ngắn hạn nên được hạn chế giao dịch ở thời điểm hiện tại khi rủi ro tiếp tục điều chỉnh vẫn còn để ngỏ.

Các chỉ số đang đứng trước áp lực giảm điểm   

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Phiên giảm sâu ngày 4/5 cho thấy tâm lý nhà đầu tư nội đang rất nhạy cảm do lo ngại câu chuyện Biển Đông một lần nữa tái diễn. Sau khi dễ dàng phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ mạnh, các chỉ số đang đứng trước áp lực giảm điểm trong bối cảnh dòng tiền tham gia thị trường yếu ớt dù khối ngoại đã chuyển sang mua ròng. Nhà đầu tư cần thận trọng trong giai đoạn hiện nay và chỉ cân nhắc trở lại vị thế mua khi thị trường xác lập trạng thái ổn định rõ ràng. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo đối với VN-Index sẽ trong khoảng 535-538.

Hai chỉ số đang hướng tới các vùng giá thấp hơn  

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Dấu hiệu hoảng loạn xuất hiện ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Với sự tháo chạy dồn dập khá bất ngờ tại phiên chiều trong bối cảnh giao dịch trong phiên sáng không có gì nổi bật với giao dịch trong trạng thái khá ảm đạm dễ khiến nhà đầu tư liên tưởng tới những cú sốc thông tin giống như sự kiện Biển Đông xảy ra cùng thời điểm này năm ngoái.

Cũng dễ hiểu khi hiệu ứng”hòn tuyết lăn” xuất hiện nhanh chóng khi dòng tiền quyết định tiếp tục đứng ngoài trong cả phiên sáng, giao dịch diễn ra khá ảm đạm khiến sự mất kiên nhẫn của bên bán bắt đầu xuất hiện từ cuối phiên sáng và lan mạnh ra toàn thị trường trong cả phiên chiều dưới sự tác động của nhiều thông tin không mấy tích cực liên quan tới thông tin một giàn khoan nước sâu khác của Trung Quốc đang tiến tới vùng Biển Đông, điều chỉnh giá xăng, tỷ giá bất ngờ tăng mạnh..

Mặc dù vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự giảm điểm mạnh đã kích hoạt ngay lập tức dòng tiền bắt đáy hoạt động mạnh trở lại. Một lượng lớn tiền đứng ngoài khá tích cực và bình tĩnh thu gom tại vùng giá thấp giúp các nhà đầu tư cầm cổ nhanh chóng thoát khỏi trạng thái nắm giữ cổ phiếu. Giao dịch tăng vọt trên cả 2 sàn còn có sự đóng góp rất lớn của khối ngoại trong phiên này. Họ mua ròng tới hơn 213 tỷ đồng chỉ riêng trên HOSE, tập trung khá mạnh vào các mã bluechips của họ ngân hàng, bất động sản và chứng khoán. Thông tin PMI cải thiện mạnh trong tháng 3, tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2011 có lẽ cũng không thu hút được nhiều sự chú ý trong bối cảnh sự hoảng loạn dâng cao, tuy vậy vẫn cần nhắc đến để thấy tình hình vĩ mô đang tiếp tục có những sự chuyển biến khá tích cực, đặc biệt tại khu vực sản xuất.

Hai chỉ số hiện tại đều mất các mốc hỗ trợ ngắn hạn và đang hướng tới các vùng giá thấp hơn nữa. Tuy vậy, còn quá sớm để khẳng định bán phiên 4/5 là đúng hay mua ngày 5/5 là sai. Nhà đầu tư nên tiếp tục tiến hành quan sát, nếu mốc 540 của VN-Index tiếp tục bị phá vỡ, xung lực giảm điểm sẽ tăng mạnh do trạng thái call margin bắt đầu xuất hiện và khi đó việc kích hoạt lệnh bán là điều cần thiết.

Có thể xuất hiện pullback quanh ngưỡng 535 điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Điều gì đến cũng phải đến khi mà chỉ số VN-Index giằng co tích lũy ở quanh mốc 560 điểm với thanh khoản thấp đã sụt giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài. Dưới góc độ  phân tích kỹ thuật kết hợp việc phân tích sóng Elliot và ngưỡng điều chỉnh Fibonacci thì VN-Index sẽ vẫn tiếp tục giảm điểm trong thời gian tới và ngưỡng hỗ  trợ mạnh chỉ có thể là mốc 515 điểm.

Trước mắt, ngưỡng hỗ trợ nhẹ của VN-Index có thể dao động quanh 535 điểm (có thể xuất hiện các phiên pullback quanh ngưỡng hỗ trợ này). Mặc dù vậy, phiên ngày 5/5, thị trường sẽ vẫn tiếp  tục giảm điểm và nhà đầu  tư ngắn hạn tạm ngừng giao dịch cho đến khi thanh khoản của thị trường được cải thiện.

Thị trường vẫn còn khó lường

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư bán mua mà vẫn chưa hiểu vì sao lại giảm mạnh đến vậy. Có người lý giải nguyên nhân do thông tin về nợ xấu, giá xăng, nhưng có người lại cho rằng liên quan tới Thông tư 200 của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 4 đạt mức cao nhất trong lịch sử vẫn không cứu vãn được tình hình. Nhà đầu tư nội bán mạnh còn khối ngoại gia tăng mua vào và có thể nó sẽ còn tiếp tục diễn ra.

TTCK giảm mạnh này sẽ khiến cho tỷ trọng giá và NAV tại quỹ VNM ETF duy trì mức độ Premium rất cao. Và đó là tín hiệu giúp cho dòng tiền tiếp tục được đổ vào quỹ.

Cho dù là gì thì việc thị trường giảm đồng loạt tiếp tục cho thấy hiệu ứng đám đông vẫn luôn tồn tại. Mức độ đòn bẩy chưa phải quá lớn và vẫn duy trì an toàn, nhưng điều đáng ngại là hiện tượng trắng bên mua ở các cổ phiếu đầu cơ là rất lớn.

Có lẽ nhiều nhà đầu tư vẫn còn chưa hiểu điều gì đang xảy ra nhưng với nhiều nhà đầu tư khác thì đây lại là cơ hội hiếm có.

Điều đó minh chứng rõ nét khi khối lượng giao dịch tăng mạnh ở thời điểm bị bán mạnh nhất. Tất nhiên, trong một vài phiên tới có thể thị trường vẫn còn khó lường nên sự mạo hiểm là điều nguy hiểm.

Diễn biến trong ngắn hạn đang không tích cực

(CTCK MB - MBS)

Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ chứng kiến hàng loạt cổ phiếu giảm điểm, thanh khoản trên cả hai sàn đều tăng mạnh so với phiên trước. Ám ảnh “ Sell in May and go away” (Bán tháng Năm và đi chơi), cùng nỗi lo tái diễn kịch bản tiêu cực trong quá khứ khi Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu thứ 2 đến biển Đông đã làn lan rộng tâm lý hoang mang trên thị trường. Trong khi nhà đầu tư nội hoang mang bán ra, thì khối ngoại lại tích cực mua vào trong phiên này.

Thị trường đang diễn biến theo chiều hướng không tích cực trong ngắn hạn, nhà đầu tư xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu tại các nhịp phục hồi kỹ thuật và duy trì tỷ lệ tiền mặt cao trong tài khoản.

Mở vị thế mua thăm dò với tỷ trọng vừa phải

(CTCK BIDV - BSC)

Như chúng tôi đã đề cập trong báo cáo trước, động lực tăng giá chủ yếu của thị trường hiện tại là lực mua từ khối ngoại. Sắp tới, khi thông tin từ các cuộc họp ĐHCĐ và KQKD quý I qua đi, thị trường sẽ đi vào vùng trũng thông tin. Vì vậy, mặc dù khối ngoại có thể tiếp tục mua ròng, nhưng nếu lực mua không mạnh lên, thị trường sẽ khó bứt phá, thậm chí có thể quay lại giảm điểm.

Sau kì nghỉ lễ, thị trường có thể tăng điểm do tâm lý thoải mái của nhà đầu tư, tuy nhiên diễn biến sau đó sẽ phụ thuộc vào lực cầu của khối ngoại cũng như sự kiên nhẫn của nhà đầu tư.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mở vị thế mua thăm dò cổ phiếu với tỷ trọng vừa phải với kỳ vọng thị trường sẽ tích cực sau kỳ nghỉ lễ. Nếu thị trường không diễn biến tốt như kỳ vọng, nhà đầu tư nên xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu và quay trở lại vị thế cầm tiền mặt.

Triển vọng trường hiện chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc   

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

Kết quả rơi mạnh của thị trường phiên 4/5 thật sự đáng quan ngại. Như đã lưu ý trước đó, chúng tôi cho rằng triển vọng hiện nay của thị trường chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc và vì vậy việc duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng với tiền mặt vẫn là khuyến nghị chủ đạo của chúng tôi trong giai đoạn này.

Tin bài liên quan