Nhận định thị trường ngày 5/10: Khả năng xuất hiện đột biến

Nhận định thị trường ngày 5/10: Khả năng xuất hiện đột biến

(ĐTCK) Tuần này, nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện một số phiên đột biến giúp thị trường thoát khỏi tình trạng giằng co như hiện tại. Phiên thứ Hai có thể sẽ là phiên tăng điểm.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 5/10.

Thận trọng với nguy cơ bán tháo tái diễn

(CTCK FPT - FPTS) 

Tuần giao dịch kế tiếp sẽ tiềm ẩn rủi ro hình thành xu hướng giá xuống nếu khu vực hỗ trợ 555 – 560 điểm bị phá vỡ. Do đó, các vị thế ngắn hạn sẽ phải thận trọng với nguy cơ bán tháo tái diễn.

Ở kịch bản tích cực hơn, nếu chỉ số vẫn duy trì được khoảng dao động phía trên mức hỗ trợ 560 điểm thì nhiều khả năng xu hướng đi ngang sẽ tiếp diễn cho đến khi xuất hiện yếu tố đủ mạnh để thúc đẩy thanh khoản hồi phục”.

Sẽ có một số phiên đột biến

(CTCK Maritime – MSI)

Thị trường biến động trong biên độ hẹp dập dình quanh ngưỡng 560 điểm, kết phiên VN-Index đã giảm 1,23 điểm xuống 562,31 điểm. Thị trường vẫn khá ảm đạm khi thanh khoản chỉ đạt 1.751 tỷ đồng và khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng. Dòng tiền đang có sự phân hóa vào một số cổ phiếu như DPM, NT2, GTN, MBB,…

Tuần này, nhiều khả năng thị trường sẽ xuất hiện một số phiên đột biến giúp thị trường thoát khỏi tình trạng giằng co như hiện tại. Phiên thứ Hai có thể sẽ là phiên tăng điểm. Nhà đầu tư không nên quan tâm quá nhiều đến việc lên/xuống của các chỉ số Index mà nên lựa chọn nắm giữ một số cổ phiếu tốt cho mục tiêu trung và dài hạn.

Chưa thể thoát khỏi trạng thái tích lũy đi ngang trong ngắn hạn

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường có tuần giao dịch tích lũy đi ngang thứ 5 liên tiếp tính từ cuối tháng 8 vừa qua. Trạng thái phân hóa cũng không diễn ra rõ rệt khi lần lượt các nhóm cổ phiếu đều chịu áp lực điều chỉnh trong cả tuần giao dịch. Biến động giá trong phiên cũng ở mức thấp đi kèm thanh khoản èo uột khiến giao dịch trong cả tuần diễn ra hết sức ảm đạm.

Trong tuần này thị trường xuất hiện khá nhiều các thông tin vĩ mô quan trọng cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tác động của các thông tin này lên thị trường không tạo sức mạnh giúp cải thiện hoạt động của dòng tiền (xét theo cả chiều tích cực và tiêu cực) do các chỉ số này mang tính trái chiều và không tạo ra sự bất ngờ đối với nhà đầu tư. Thay vào đó, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại cùng diễn biến rút ròng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi đang tác động không nhỏ tới thị trường trong tuần qua. Trong tháng 9 khối ngoại bán ròng gần 1.000 tỷ đồng – tháng bán ròng mạnh nhất trong năm 2015. Trong khi đó, tại các thị trường chứng khoán trong khu vực, các quỹ nước ngoài đã bán ròng hơn 5,1 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 1999. Việc Trung Quốc phá giá đồng CNY và khả năng FED sẽ tiến hành tăng lãi suất vào cuối năm nay khiến rủi ro nguồn vốn nước ngoài rút khỏi các thị trường mới nổi đang hiện hữu.

Trong ngắn hạn, thị trường sẽ chưa thoát ra khỏi trạng thái giao dịch tích lũy đi ngang. Sự phân hóa diễn ra không rõ rệt khi áp lực điều chỉnh diễn ra luân phiên và biên độ giao động giá khá hẹp khiến kỳ vọng lợi nhuận tương đối thấp. Theo đó, nhà đầu tư vân nên đứng ngoài thị trường tại thời điểm hiện tại và tiếp tục theo dõi những động thái tiếp theo của dòng tiền.

Tiếp tục tích lũy đi ngang 

(CTCK BIDV - BSC)

Thị trường chung tiếp tục tích lũy đi ngang như nhận định do thiếu vắng các tin tức hỗ trợ. Trạng thái này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong đầu tuần này do các nhân tố tác động đến thị trường vẫn chưa thay đổi nhiều. Một số cổ phiếu cơ bản vẫn duy trì mức tăng khá tốt (BMP, DXG, PPC) chủ yếu do tác động từ kết quả kinh doanh quý III, và điều đó chưa đủ để lan tỏa ra cả thị trường. Khối ngoại tiếp tục duy trì bán ròng nhẹ, điều đó phần nào giúp thị trường tránh được sự giảm giá mạnh trong ngắn hạn. Nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, tập trung vào những cổ phiếu cơ bản có dự kiến kết quả kinh doanh quý III tốt.

Tạm thời đứng ngoài thị trường

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Trong giai đoạn chỉ số đi ngang lình xình như hiện nay, sau khi đã kéo tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn, nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường. Các điểm mua trading T+ tỷ trọng thấp hiện được đặt ở vùng từ 555-560 điểm, các điểm mua mới T+3 nên chờ khi VN-Index về lại vùng 540-550 điểm”.

Tình trạng trạng xấp xình sẽ còn tái diễn 

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)         

Thị trường vẫn đang kéo dài chuỗi phiên rung lắc giằng co với các phiên tăng giảm trong biên độ hẹp. Tính đến thời điểm này, triển vọng tăng điểm rõ ràng vẫn còn khó khăn do khối ngoại tiếp tục bán ròng và chưa đón nhận các nhân tố hỗ trợ quan trọng. Mặc dù không bi quan vào lúc này, nhưng tình trạng trạng xấp xình sẽ còn có thể tái diễn trong những phiên tới. Tất nhiên, câu chuyện TPP được kì vọng sẽ tạo nên khác biệt nếu các nước đi đến thống nhất.

Còn tích lũy

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)  

VN-Index vẫn nằm dưới kháng cự 574 điểm, do đó, trạng thái thị trường vẫn còn trọng giai đoạn tích lũy. Nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn đôi chút so với tiền mặt trong bối cảnh hiện nay.

Chờ đợi thêm những tín hiệu tích cực

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Thị trường kết thúc phiên giao dịch cuối tuần với hai sắc thái trái chiều trên hai sàn, tuy nhiên, cả hai chỉ số đều có mức dao động hẹp kèm theo thanh khoản thấp cho thấy tâm lý chung vẫn chưa có sự cải thiện. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì danh mục hiện tại và chờ đợi thêm những tín hiệu tích cực từ thị trường.

Tin bài liên quan