Nhận định thị trường ngày 4/2: Khó lường

(ĐTCK) Với diễn biến bất ngờ từ nhóm ngân hàng cho thấy, thị trường đang có những biến động khó lường và sự thận trọng cần được đề cao.
Nhận định thị trường ngày 4/2: Khó lường

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 4/2.

Nên tiếp tục thận trọng

CTCK BIDV (BSC)

Động thái bán mạnh cổ phiếu ngân hàng vào cuối phiên nhiều khả năng xuất phát từ khối nội, do khối ngoại phiên này chỉ bán ròng khoảng 43 tỷ đồng trên cả hai sàn. Điều này làm dấy lên khả năng sức ép này đến từ việc cắt giảm margin nhóm cổ phiếu ngân hàng dưới tác động của Thông tư 36. Do nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn chiếm tới hơn 20% thị trường, việc bị bán ra mạnh và bất ngờ như cuối phiên 3/2 sẽ có tác động không nhỏ đến tâm lý NĐT. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật cũng kéo giảm mạnh 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index phá vỡ hỗ trợ quan trọng, đe dọa tới xu hướng thị trường.

Trước những diễn biến khó lường của thị trường, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên tiếp tục thận trọng. Hạn chế tham gia mua mới và nếu có chỉ nên tập trung vào các mã cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh tích cực.

Áp lực sẽ dồn tiếp sang phiên 4/2

CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

Tiếp tục một nhịp bán mạnh có chủ đích về cuối phiên, mà đích nhắm là từ nhóm ngân hàng. Tốc độ bán 3/2 còn mạnh hơn những gì diễn ra ở 2 phiên trước đó. Điều này đang tạo sự hoang mang cho NĐT và không hiểu lý do vì sao? Tuy nhiên, trước áp lực bán tạo ra phiên 3/2 cho thấy sự tích cực ở góc nhìn khác. Đó là nhiều cổ phiếu không chịu áp lực bán theo nên mức giảm không quá lớn. Ngay cả cổ phiếu MBB cũng hạn chế được mức giảm mạnh mà nhóm này tạo ra.

Với lực bán mạnh mà nhóm ngân hàng tạo ra như vậy, thì áp lực hẳn nhiên sẽ dồn tiếp sang phiên ngày 4/2. Nó sẽ là tâm điểm của phiên 4/2, nhưng có thể sẽ có sự phân hóa ngay ở nhóm này và không phải cổ phiếu Bank nào cũng sẽ bị giảm mạnh. Ngay cả BID, có thể lực mua sẽ hấp thụ hết khi giá quay trở lại vùng 15.000 đồng. Nhìn chung thị trường đang ngày càng chán và khiến NĐT cảm thấy ngột ngạt và bi quan. Vì thế, nhiều NĐT giờ đang muốn bán ra và rút tiền nghỉ lễ nên cơ hội tăng là rất khó. Thị trường có thể sẽ chững lại tại mốc 550 điểm trước khi có diễn biến mới nhưng nghỉ lễ sớm là câu chuyện của NĐT.

Rủi ro điều chỉnh vẫn đang hiện hữu

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Thị trường trải qua diễn biến giảm điểm trên cả hai sàn với thanh khoản tiếp tục ở mức thấp và độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về số mã giảm điểm.

Sự cân bằng diễn ra trong phần lớn thời gian giao dịch trước khi cả hai chỉ số lao dốc về cuối phiên. Áp lực bán xuất phát và diễn ra mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bao gồm các mã như VCB, CTG, BID, ACB, EIB...

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu bluechips có diễn biến tiêu cực hơn so với thị trường chung, xét riêng trong rổ VN30 chỉ duy nhất có BVH, KBC và PVD giữ được mức giá xanh trong khi các mã còn lại giảm điểm đồng loạt. Khối nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng với giá trị ở mức thấp.

Trước diễn biến tăng tích cực của giá dầu thế giới trong vài phiên gần đây, nhóm ngành dầu khí tăng điểm khá tốt và đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong những phút đầu giao dịch. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường yếu trong phiên sáng cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang ở mức thận trọng do lo ngại tác động của Thông tư 36. Tiếp theo đó, việc nhóm ngành ngân hàng bị bán mạnh cuối phiên chiều đã khiến đà bán tháo diễn ra trên diện rộng. Sự điều chỉnh của nhóm ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng nóng đã được chúng tôi đề cập và cảnh báo nhà đầu tư trong các bản tin gần đây.

Rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn đang hiện hữu do tâm lý thị trường cần thêm thời gian để trở về trạng thái cân bằng. Nhà đầu tư được khuyến nghị giảm tỷ trọng xuống mức thấp trong vài phiên tới để chờ thị trường ổn định trở lại. Diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào hai ngành dẫn dắt là dầu khí và ngân hàng. Với việc giá dầu đang trên đà hồi phục và cổ phiếu ngành ngân hàng đang tiến gần điểm hỗ trợ, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong một vài phiên tới.

Đang có những biến động khó lường

CTCK MB (MBS)

Thị trường bất ngờ giảm mạnh về cuối phiên với tác nhân chính là hiện tượng giảm sàn của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước, tuy nhiên trong diễn biến bên bán chủ động bán xuống khiến khối lượng khớp lệnh tăng lên một cách bị động lại khiến sự cải thiện về thanh khoản không có nhiều ý nghĩa trong phiên này.

Trong phần lớn thời gian giao dịch thị trường thể hiện trạng thái giằng co, các chỉ số biến động tăng giảm đan xen và mặt bằng giá cổ phiếu biến động giảm nhẹ, thậm chí đầu phiên chiều nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự hồi phục tích cực giúp các chỉ số tăng nhẹ, tuy nhiên lực bán mạnh cổ phiếu ngân hàng bất ngờ xuất hiện trong phiên ATC đã kéo các chỉ số giảm mạnh hơn mọi dự báo và tạo bất ngờ lớn cho thị trường.

Có hiện tượng bán tháo tại nhóm ngân hàng, hiện tượng giảm theo có diễn ra tại các nhóm cổ phiếu khác, tuy nhiên một điểm tích cực là hiện tượng bán tháo đã không xảy ra tại các nhóm cổ phiếu khác mặc dù tâm lý chung là tiêu cực. Với diễn biến bất ngờ từ nhóm ngân hàng cho thấy, thị trường đang có những biến động khó lường và sự thận trọng cần được đề cao. Về giao dịch của khối ngoại, họ tiếp tục bán ròng 30 tỷ trên HOSE và bán 12,6 tỷ trên HNX, và vai trò của khối này đối với thị trường thời gian gần đây là không đáng kể.

Tiếp tục giảm điểm

CTCK Maritime Bank (MSBS)

Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến thị trường giảm điểm mạnh đẩy chỉ số VN-index đánh mất mốc hỗ trợ 560 điểm, Fibonacci 61,8% bị xuyên thủng. Chúng tôi tiếp tục duy trì cảnh báo trạng thái xấu của thị trường trong ngắn hạn và khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường để theo dõi, không tham gia bắt đáy trong thời gian này. Sau khi đánh mất mốc 560 điểm trong phiên ngày 3/2 với chỉ số giảm mạnh và thanh khoản thấp, ngày 4/2, thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm. VN-Index xu hướng sẽ tiến về 545-550 điểm trong thời gian 1-2 tuần tới.

Giảm tỷ trọng cổ phiếu

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Hai thị trường mở cửa tương đối tích cực trong phiên buổi sáng nhờ nhóm dầu khí do giá dầu quốc tế tăng. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng đã đồng loạt giảm sàn khiến thị trường giảm không phanh về cuối phiên. Cụ thể: VCB (-6,7%); CTG (-6,7%); BID (-7 %); EIB (-6,7 %). Thanh khoản hai thị trường gia tăng chủ yếu là do áp lực từ bên bán.

Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng áp lực bán ròng phiên 3/2 với giá trị bán ròng qua khớp lệnh. Khối này bán ròng mạnh VCB (-12,8 tỷ đồng); GAS (11,8 tỷ đồng); và STB (-11,4 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại khối ngoại mua ròng BVH (+11,4 tỷ đồng); DXG (+8,1 tỷ đồng).

Khối ngoại bán ròng sẽ phần nào gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trong nước và điều này nếu tiếp tục xảy ra sẽ khiến khối nội càng “chùn tay” hơn trong quyết định giải ngân của mình.

VN-Index và HNX-Index đều đánh mất các vùng hỗ trợ quan trọng trong phiên 3/2 một cách dứt khoát, kết quả này đồng nghĩa với việc thị trường lựa chọn kịch bản tiêu cực hơn cho thời gian còn lại trước Tết.

NĐT cần cân đối lại danh mục của mình, giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức ngang bằng tiền mặt (50/50) nhằm hạn chế rủi ro trong thời gian tới.

Tin bài liên quan