Nhận định thị trường ngày 28/5: Sớm tăng trở lại

Nhận định thị trường ngày 28/5: Sớm tăng trở lại

(ĐTCK) Xét theo lịch sử từng diễn ra cũng như xét về tâm lý nhà đầu tư, thị trường thường sẽ diễn ra một nhịp điều chỉnh thực sự khi xuất hiện 1 phiên giao dịch lớn. Và có lẽ với mức độ mà phiên 26/5 tạo ra chưa đủ sức gây áp lực hoặc cũng có thể đó là lại một phiên mà các tay chơi lớn mới gia nhập. Vì vậy, thị trường nhiều khả năng sẽ sớm tăng trở lại và chờ đợi một phiên giao dịch mạnh hơn.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 28/5.

Sớm tăng trở lại

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Mức độ điều chỉnh phiên 27/5 dù có diễn ra nhưng không quá mạnh, nên có vẻ như phiên ngày 26/5 chưa đủ để giảm đà hưng phấn của thị trường. Điều này sẽ sớm kích thích dòng tiền quay trở lại nếu như ở phiên ngày 28/5 tiếp tục cho thấy sự bình vững cho dù nhà đầu tư có đôi chút e ngại về lô hàng ngày 26/5.

Xét theo lịch sử từng diễn ra cũng như xét về tâm lý nhà đầu tư, thị trường thường sẽ diễn ra một nhịp điều chỉnh thực sự khi xuất hiện 1 phiên giao dịch lớn. Và có lẽ với mức độ mà phiên 26/5 tạo ra chưa đủ sức gây áp lực hoặc cũng có thể đó là lại một phiên mà các tay chơi lớn mới gia nhập. Vì vậy, thị trường nhiều khả năng sẽ sớm tăng trở lại và chờ đợi một phiên giao dịch mạnh hơn.

Tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Sau một nhịp hồi phục nhanh và mạnh, thị trường đang bước vào giai đoạn phân hóa. Nhóm ngân hàng và chứng khoán hiện vẫn đang là trụ đỡ vững chắc cho thị trường. Tuy nhiên, để có thể duy trì được xu hướng hồi phục bền vững, dòng tiền cần có sự luân chuyển đến các nhóm ngành khác.

Nhóm bất động sản nhiều khả năng có thể là nhóm cổ phiếu sẽ thu hút được dòng tiền trong thời gian tới. Luật nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 tới đây với điểm nhấn quan trọng là cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ là cú hích đáng kể cho các dự án trung và cao cấp.

Nếu cầu về nhà ở tăng lên, các doanh nghiệp khác có hoạt động liên quan mật thiết đến lĩnh vực bất động sản như sắt thép, xi măng, đồ gỗ… chắc chắn cũng sẽ nhận được ảnh hưởng tích cực.

Trong một vài phiên tới, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. Việc duy trì một tỷ trọng cân bằng, tránh các động thái mua đuổi giá được xem là chiến lược hợp lý nhất cho nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại. Việc tích lũy thêm cổ phiếu cho danh mục trung-dài hạn nên được thực hiện trong các phiên chỉ số có sự điều chỉnh mạnh hơn.

Chỉ điều chỉnh ngắn hạn

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Có thể thấy là các nhóm cổ phiếu đang luân phiên nhau điều chỉnh, sau phiên điều chỉnh 26/5 thì  nhóm cổ phiếu chứng khoán 27/5 đã tăng khá mạnh dưới sự dẫn dắt của cổ phiếu HCM. Và đây chính là nguyên nhân chính  khiến thị trường 27/5 không giảm mạnh. Một động thái tích cực nữa  là dòng tiền vào thị trường vẫn được duy trì khá tốt và ổn định.

Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội mua vào đối với nhiều cổ phiếu vì quan điểm thị trường chỉ điều chỉnh ngắn hạn và có thể hồi phục lại vào tuần sau. Một  số nhóm ngành đáng chú ý là chứng khoán, bất động sản, ngân hàng.

Có thể tiếp tục điều chỉnh

(CTCK FPT - FPTS)

VN-Index hiện đang dao động theo kịch bản điều chỉnh đã được đề cập trong báo cáo trước.  Quan sát diễn biến có thể thấy tâm lý lạc quan vẫn duy trì. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đầu thận trọng hơn với các mức giá cao và có xu hướng chọn các thời điểm giá thấp để tích lũy, điều này chính là lý do khiến thanh khoản thoái lui trong phiên 27/5. 

Kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật cho thấy, dư địa để VN-Index tiếp tục tăng điểm là không lớn và điều chỉnh có thể tiếp diễn trong các phiên tiếp theo. Theo đó, vùng giá 550 - 560 được kỳ vọng là vùng hỗ trợ tốt và là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng lại tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Rủi ro điều chỉnh đồng loạt sẽ mạnh dần lên

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh trên diện rộng. VN-Index không còn giữ được đà tăng do chịu tác động từ áp lực bán của nhiều mã vốn hóa lớn. Nhóm dẫn sóng ngân hàng và dầu khí cũng tỏ ra yếu đi rõ rệt trong phiên 27/5.

Thanh khoản không còn giữ được ở mức đột biến như phiên giao dịch trước đó, một phần cũng bởi nguyên nhân cường độ mua vào của khối ngoại trong phiên hôm nay có sự suy yếu.

Liên quan tới diễn biến tỷ giá, sau tuyên bố của đại diện NHNN về việc sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá từ nay tới cuối năm, NHNN sẵn sàng tiến hành bán ngoại tệ can thiệp thị trường nếu dấu hiệu tăng nóng tiếp tục xuất hiện và cam kết giữ tỷ giá tăng không quá 2% trong năm nay, tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi đồng loạt giảm 20 – 30 đồng tại các NHTM.

Chúng tôi đánh giá thông điệp này sẽ giúp cho thị trường ngoại hối giữ được sự ổn định trong ngắn hạn. Tuy vậy, sức ép tăng tỷ giá trong trung và dài hạn sẽ tới từ nhiều phía, đặc biệt tới từ việc FED có tuyên bố sẽ tiến hành nâng lãi suất ngắn hạn trong năm nay.

Giao dịch tiếp tục thể hiện sự giằng co khá mạnh giữa lượng tiền mới gia nhập và tiền thoát ra chốt lời. Tuy vậy cần chú ý tín hiệu kỹ thuật yếu đi của VN-Index tại vùng cản 567 - 570 điểm. Nếu tiếp tục lình xình quanh vùng này và không có động lực bứt phá, momentum tăng điểm sẽ yếu đi rõ rệt và khi đó rủi ro của việc điều chỉnh đồng loạt sẽ mạnh dần lên.

Tận dụng pha điều để nâng cao tỷ trọng

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Dù đối diện với lực chốt lời mạnh, thị trường vẫn đang cho thấy mức hoạt động tốt của dòng tiền và khả năng hấp thụ tốt lượng hàng bán ra. Nhà đầu tư có thể tận dụng pha điều chỉnh hiện nay để nâng cao hơn mức tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ nhằm gia tăng lợi ích trong giai đoạn hiện nay.

Tin bài liên quan