ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 28/2.
Điều chỉnh nhẹ vẫn là điều cần thiết
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)
Phiên giao dịch ngày 27/02 đã khép lại với diễn biến đảo chiều của các chỉ số trên hai sàn HOSE và HNX. Chỉ số HNX-Index đảo chiều giảm nhẹ ngắt nhịp chuỗi bốn phiên tăng liên tiếp trong khi chỉ số VN-Index cũng lùi về mốc 584 điểm với thanh khoản tiếp diễn trạng thái bùng nổ.
Quan sát diễn biến, có thể thấy tín hiệu đảo chiều của cả hai sàn trong phiên chiều ngày 27/2 đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã dẫn dắt thị trường hồi phục trong những phiên vừa qua như HSG, HPG, GAS, MSN…., nhiều cổ phiếu lớn bị bán mạnh cùng với áp lực chốt lời sớm đã khiến thị trường sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang có sự luân chuyển mạnh giữa các cổ phiếu penny và mid-cap bất chấp tín hiệu điều chỉnh. Thêm vào đó, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã trụ cột như VNM, VCB, BID… đã giúp nhanh chóng bình ổn tâm lý bán tháo và thu hẹp biên độ giảm của chỉ số, giúp thị trường tránh khỏi phiên điều chỉnh tiêu cực.
Theo đó, cùng với những yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn đang được duy trì như khả năng mở room cho khối ngoại hay sự ổn định của yếu tố vĩ mô thì chúng tôi vẫn đánh giá xu thế lạc quan của thị trường sẽ còn có thể kéo dài trong thời gian tới.
Trong ngắn hạn, một vài phiên điều chỉnh nhẹ vẫn là điều cần thiết để giúp thị trường củng cố xu thế hiện tại và khả năng cao thị trường sẽ tiếp diễn trạng thái tích lũy, kiểm tra lại những ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trước khi có thể chinh phục những mốc cao hơn nữa.
Thích hợp để lướt sóng, nhưng hạn chế giao dịch
CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS)
Rất nhiều cổ phiếu Ngân hàng đồng loạt tăng giá, lệnh mua ngay lập tức đổ vào mạnh có lẽ nhiều người cũng không rõ nguyên nhân. Cho đến khi thị trường tìm hiểu ra, nguồn gốc có thể bắt đầu từ việc ACB mua cổ phiếu qũy thì lệnh bán lập tức xuất hiện. Thị trường nhanh chóng xẹp hơi và bắt đầu sụt giảm mạnh.
Quan sát ở phiên 27/2 lại cho thấy một sự trái ngược hoàn toàn với 3 phiên trước, đó là bên bán quyết liệt hơn rất nhiều. Chúng tôi đề cập trong bản tin trước về nhóm cổ phiếu tăng mạnh vừa qua như SSI, VCG,VND, CII, HBC... đã có dấu hiệu phân rã và khó tăng được nữa thì ở phiên 27/2 lệnh bán lớn đã xuất hiện đẩy giá cổ phiếu này giảm khá mạnh.
Áp lực với những tài khoản sử dụng đòn bẩy lớn sẽ gia tăng nếu như giá tiếp tục giảm thêm. Đây là một điều mà nhà đầu tư cần thận trọng, đừng để câu chuyện bắt dao rơi sẽ lại lặp lại trên thị trường thời gian tới đây.
Chỉ số VN-Index tiến sát đã đến ngưỡng 600 điểm nhạy cảm, trong khi HNX-Index cũng gần chạm đến đỉnh cao của năm 2012. Cả hai chỉ số coi như đã không thành công tại những vùng trên và bật trở lại trong khi khối lượng giao dịch lại rất lớn. Thị trường đang biến động mạnh và tạo ra môi trường rất thích hợp cho nhà đầu tư lướt sóng nhưng người hưởng lợi nhất vẫn chính là người ít giao dịch nhất.
Chốt lời dần đối với các mã đã tăng nhiều
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường 27/2 đi xuống khi cả VN-Index và HN-Index cùng mất điểm, thanh khoản ở mức cao. Thị trường chốt lời mạnh tại các cổ phiếu mệnh giá lớn sau một thời gian dài liên tục.
Đáng chú ý là một số cổ phiếu ngân hàng tăng điểm đáng kể trong phiên này.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chốt lời dần đối với các cổ phiếu đã tăng nhiều thời gian vừa qua.
Cảnh báo về một đợt điều chỉnh kéo dài
CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
Tạm thời, thị trường đang trong giai đoạn ít tin tức. Những thông tin vĩ mô như lạm phát đã được công bố, yếu tố sớm nới room cho khối ngoại cũng đã bị UBCK bác bỏ. Thông tin được các nhà đầu tư tập trung hiện tại là báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Biến động ngắn hạn chủ yếu là do dòng tiền của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đặt trong bối cảnh thị trường thế giới đang tương đối ổn định, khối ngoại vẫn mua ròng. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư trong nước, chúng tôi quan sát thấy tỷ trọng đòn bẩy của các nhà đầu tư hiện đang ở mức cao. Nếu thị trường quay đầu, động thái giảm đòn bẩy có thể gây áp lực khiến thị trường điều chỉnh nhanh hơn.
Về kỹ thuật, phiên giảm điểm có thể báo hiệu về một giai đoạn điều chỉnh trong xu hướng tăng. Tuy nhiên khác với đợt giảm điểm kéo dài hai ngày 20-21/2, lần này chúng tôi thấy một số chỉ báo đưa ra tín hiệu cảnh báo đầu tiên. Chỉ báo KE Sentiment Index của chúng tôi đang cho tín hiệu phân kỳ tiêu cực. Đó có thể là cảnh báo về một đợt điều chỉnh kéo dài. Do đó, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tập trung theo dõi điểm chốt lời để đóng vị thế hơn là canh mua để mở rộng tỷ trọng.
Có thể vẫn rung lắc theo hướng tích lũy quanh vùng 580 điểm
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Thị trường có một phiên giao dịch đảo chiều giảm điểm khá mạnh về cuối phiên. Trên thực tế, chỉ số VN-Index đã tăng điểm khá tốt trong phiên buổi sáng nhờ một số mã đầu cơ thu hút mạnh dòng tiền, tạo cảm hứng giao dịch cho toàn thị trường như ITA, OGC, FLC…
Về phía bluechips, VNM phiên này giao dịch rất tốt, làm trụ đỡ cho thị trường trong bối cảnh các mã vốn hóa lớn khác như GAS, MSN, FPT… giảm điểm mạnh. Tuy vậy, áp lực bán lớn trong phiên buổi chiều đã khiến khối lượng giao dịch tăng vọt, đạt hơn 220 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, thấp hơn không nhiều so với phiên kỷ lục cách đây một tuần.
Mặc dù xác lập mức đỉnh mới trong phiên 27/2, nhưng tín hiệu đảo chiều về cuối phiên đi kèm thanh khoản tăng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Vùng kháng cự 580-590 điểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây trở ngại cho đà đi lên của VN-Index.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, dòng tiền trong thị trường hiện vẫn rất dồi dào và hưng phấn, thể hiện qua khối lượng giao dịch liên tục duy trì ở mức cao. Hơn thế nữa, nhà đầu tư vẫn còn nhiều kỳ vọng về các chính sách mới Chính phủ dự định ban hành trong thời gian tới liên quan đến vấn đề nới “room”, cổ phần hóa doanh nghiệp hay phá băng thị trường bất động sản. Do vậy, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở lại, chờ đợi các cơ hội thay vì rút ra khỏi thị trường.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục có các phiên rung lắc theo chiều hướng tích lũy xung quanh vùng 580 điểm. Quản trị rủi ro danh mục vẫn nên được nhà đầu tư ưu tiên hàng đầu nhằm tránh tâm lý hoang mang khi thị trường điều chỉnh sâu hơn dự kiến.