ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 27/3.
Sẽ không điều chỉnh quá sâu
(CTCK FPT - FPTS)
Tín hiệu bất ổn về xu thế được ghi nhận khi các ngưỡng hỗ trợ đã không thể phát huy tác dụng nâng đỡ chỉ số và những kỳ vọng về khả năng hồi phục trở lại của thị trường đã trở nên rủi ro hơn nhiều so với trước đó.
Có thể thấy thị trường đang tiềm ẩn rủi ro cao từ phía nhà đầu tư nội bởi thị trường vừa trải qua giai đoạn hưng phấn và lượng margin trên thị trường đang ở mức cao, điều này thể hiện qua mức sụt giảm của hai phiên liên tiếp là tương đối lớn và là mức sụt giảm mạnh nhất của thị trường trong hơn 6 tháng qua.
Tuy vậy, điểm tích cực vẫn được ghi nhận khi dòng tiền vẫn luôn hiện hữu trong thị trường và liên tục xoay vòng giữa những nhóm cổ phiếu, điều này giúp thanh khoản được giữ ở cao với giá trị giao dịch trên cả hai sàn phiên này lên tới 6000 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại cũng bất ngờ mua ròng trở lại trong phiên với giá trị mua ròng đạt 93,8 tỷ đồng.
Về yếu tố hỗ trợ, các phiên cuối tuần cũng trùng với thời điểm chốt NAV cuối quý của các quỹ nên chúng tôi cho rằng cung - cầu trên thị trường sẽ sớm cân bằng và thị trường cũng sẽ không bị điều chỉnh quá sâu. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng nhất định, các danh mục lướt sóng nên chờ xem phản ứng của thị trường và khối ngoại, tạm thời dừng việc mở ra các trạng thái mua mới.
Hoạt động bắt đáy sẽ diễn ra
(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)
Thị trường sụt giảm quá mạnh ngay đầu giờ chiều cho thấy đây là điều không hề đơn giản và chắc chắc đã có chủ đích. Việc bán mạnh và dứt khoát làm cho chỉ số VN-Index nhanh chóng giảm sâu tạo áp lực rất lớn lên những nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và đây chính là câu chuyện hay nhất ở phiên này.
Áp lực đó có thể khiến nhiều người hoảng hốt bán ra khiến cho cả hai chỉ số tụt dốc mạnh. Tuy nhiên có một điểm tích cực là cầu giá thấp vẫn được đẩy vào mạnh và rất ít cổ phiếu nào bị dư bán giá sàn cho dù cả những cổ phiếu có thông tin xấu.
Như vậy là ở những phiên gần đây việc giao dịch quá lớn có thể coi như phân phối đỉnh đã diễn ra. Trong thời gian tới, mốc 609 điểm của chỉ số VN-Index là một thử thách không dễ vượt qua.
Theo quan sát trong cả quá trình tăng điểm của 2 chỉ số từ vùng thấp nhất đến nay chưa khi nào đón nhận liên tiếp 2 phiên giảm mạnh như vậy. Về mặt nào đó nó sẽ kích thích hoạt động bắt đáy sẽ diễn ra, và điều này có thể sẽ diễn ra ngay trong phiên 27/3. Chỉ số VN-Index sẽ test lại mốc 590 điểm nhưng chúng tôi cho rằng chưa thể lấy lại được đà tăng ngay trong lúc này khi các nhà đầu tư chưa thực sự cân bằng được về tài chính.
Việc bán bất ngờ ở 2 phiên gần đây đều xuất hiện vào đầu giờ chiều cho thấy không phải là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên áp lực sẽ tùy thuộc vào từng cổ phiếu đặc biệt là những cổ phiếu tăng nóng vừa qua. Nhìn chung giai đoạn tới đây sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn và những cổ phiếu tích cực về kinh doanh sẽ có thể tạo đà tăng mới.
Sẽ vẫn giảm điểm
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Thị trường giảm điểm mạnh cùng với khối lượng giao dịch lớn là tín hiệu tiêu cực về xu thế ngắn hạn của thị trường.
Sau thời gian tăng điểm mạnh và liên tục, thị trường cần có một gian đoạn điều chỉnh để tạo đà đi lên trong thời gian tới.
Phiên giao dịch ngày 27/3, thị trường vẫn sẽ giảm điểm với áp lực bán mạnh đầu phiên tuy nhiên khả năng kết thúc giao dịch thị trường sẽ không giảm sâu.
Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời các cổ phiếu trong danh mục ngắn hạn đã tăng mạnh và chỉ giải ngân khi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ ràng.
Thị trường sẽ lấy lại cân bằng
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Trên thực tế không có thông tin tiêu cực nào ảnh hưởng đến đà sụt giảm mạnh của thị trường trong hai phiên gần đây. Cả hai chỉ số lao dốc phần nhiều do biến động cung cầu, sự cộng hưởng của lực bán tại cùng một thời điểm đã khiến cho đà sụt giảm diễn ra nhanh và bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư. Lực bán ra là có chủ đích, gây sức ép trên diện rộng.
Đà giảm mạnh của hai chỉ số cho thấy sự thắng thế vượt trội của lực bán. Dòng tiền hiện vẫn đang luân chuyển mạnh trên thị trường khi đã có hơn 12.000 tỷ đồng tạm thời bị “khóa” lại sau hai phiên. Nếu chỉ số không sớm lấy lại đà hồi phục, thị trường nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với áp lực cắt lỗ từ số cổ phiếu này.
Sau phiên 26/3, thị trường có thể sẽ lấy lại được sự cân bằng trong phiên ngày 27/3. Tuy vậy, nếu không được hỗ trợ bởi thanh khoản, sự hồi phục có thể sẽ chỉ diễn ra yếu và tạm thời. Nhà đầu tư nếu đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tranh thủ các phiên thị trường hồi phục để đưa danh mục về trạng thái an toàn.
Xu hướng thị trường vẫn cho tín hiệu rủi ro
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Thị trường tiếp phiên giảm điểm mạnh trên cả hai sàn trước áp lực cung với diễn biến giao dịch sôi động. Khối lượng khớp lệnh cao cho tín hiệu tích cực về dòng tiền tham gia thị trường. Tuy nhiên, hai chỉ số Index giảm mạnh dần về cuối phiên, lệnh bán quyết liệt khớp thẳng vào dư mua cho thấy áp lực cung vẫn chiếm ưu thế.
Với phiên giảm điểm này, chỉ số VN-Index đã giảm qua mốc hỗ trợ gần nhất 595 điểm, chỉ số HNX-Index giảm qua mốc kiểm định 92 điểm. Diễn biến giảm mạnh của đa số cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn cho tín hiệu rủi ro về xu hướng thị trường, khi hai phía cung cầu chưa tìm được điểm cân bằng. Mức hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là khoảng +/-585 điểm, mốc hỗ trợ sau đó là +/-565 điểm. Mức hỗ trợ kỹ thuật gần nhất của HNX-Index là khoảng +/-85 điểm.
Nhà đầu tư tiếp tục GIẢM TỶ TRỌNG cổ phiếu/tiền mặt xuống 50/50 tại phiên/thời điểm thị trường phản ứng với ngưỡng hỗ trợ, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng. Việc bán mạnh cổ phiếu bằng mọi giá là không cần thiết, khi xu hướng trung hạn của thị trường vẫn tích cực.
Áp lực hạ đòn bẩy sẽ vẫn tiếp diễn
(CTCK MB - MBS)
Quán tính chốt lời của phiên 25/3 vẫn tiếp tục diễn ra vào phiên giao dịch 26/3 khi lượng cung T+3 của 224 triệu cổ phiếu phiên thứ Sáu tuần trước về tài khoản.
Khối lượng giao dịch tiếp tục được giữ ở mức cao nhất là áp lực bán tăng mạnh về cuối phiên là nguyên nhân chính kéo chỉ số giảm gần 14 điểm tập trung chủ yếu vào nhóm bluechips và cổ phiếu thị trường.
Khối lượng giao dịch phiên này đạt 259 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE cho thấy thị trường đang nằm trong vùng phân phối đỉnh ngắn hạn sau 3 phiên giao dịch với khối lượng cao không vượt được vùng 610 điểm.
Đầu tư T+ nên canh chừng mức độ rủi ro
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Mặc dù phiên giảm điểm mạnh gây tổn hại nặng tới các nhà đầu tư có mức độ đòn bẩy cao, mức giảm 20 điểm trong hai phiên chưa hề làm thay đổi xu hướng của VN-Index.
Chỉ số này vẫn có các mức đỉnh và đáy sau cao hơn, bảo đảm nguyên tắc của xu hướng tăng. Hỗ trợ quan trọng ở mức 565 điểm.
Tuy nhiên, VN-Index hiện đang mấp mé quanh đường MA 18 ngày, được coi là một hỗ trợ ngắn cho các nhà đầu tư dùng biên độ thời gian ngắn và có tỷ trọng cổ phiếu cao.
Do đó, chúng tôi cho rằng với hai nhóm nhà đầu tư, các nhà đầu tư dùng biên độ thời gian rất ngắn (T+3) nên canh chừng mức độ rủi ro và tỷ trọng đòn bẩy; trong khi các nhà đầu tư biên độ thời gian dài hơn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.