Nhận định thị trường ngày 26/3: Vẫn có thể điều chỉnh

Nhận định thị trường ngày 26/3: Vẫn có thể điều chỉnh

(ĐTCK) Nhiều khả năng đã diễn ra phân phối đỉnh trong ngày 25/3, do đó, thị trường phiên giao dịch ngày 26/3 có khả năng tiếp tục giảm điểm.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 26/3.

Tích lũy

(CTCK FPT - FPTS)                                                                      

Theo quan sát, khối ngoại vẫn đang duy trì xu thế bán ròng, tuy nhiên áp lực bán có chiều hướng mạnh dần trong hơn 1 tuần trở lại đây, lượng bán ra tập trung nhiều tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã gây tác động tiêu cực đến chỉ số. Mặc dù kỳ hạn cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đã kết thúc nhưng theo số liệu thống kê thì hoạt động mua bán của các ETFs vẫn có khả năng kéo dài sang tuần này để đưa danh mục cổ phiếu về tỷ lệ tiêu chuẩn và điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến áp lực bán ròng kể trên.

Bên cạnh đó, áp lực bán chốt lời xuất hiện tại ngưỡng cản trên ngắn hạn của các chỉ số cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thị trường phiên hôm nay. Nhà đầu tư nội vì thế cũng khó có thể duy trì được tâm lý hưng phấn mà thay vào đó là sự thận trọng, bất chấp thông tin công bố từ cuộc họp báo của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam về gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay bất động sản.

Sau phiên giảm ngày 25/3, chúng tôi cho rằng, diễn biến thị trường về cuối tuần có thể sẽ là những phiên tăng giảm nhẹ theo chiều hướng tích lũy, tuy nhiên xu thế ngắn hạn vẫn đang là đi lên.

Theo đó, nhà đầu tư vẫn có thể tranh thủ các phiên điều chỉnh để tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đối với các mã có cơ bản hỗ trợ, có giá đã điều chỉnh hoặc chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua.

Thị trường sẽ có cú hồi trở  lại

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Cho dù ở những phiên giảm lần trước, thị trường đều bật tăng trở lại ngay sau đó. Tuy nhiên, phiên 25/3 có thể sẽ khác và nhà đầu tư cần hết sức lưu tâm, đặc biệt là với diễn biến ở phiên ngày 26/3. Thị trường phiên này sẽ có cú hồi lại, nhưng nếu như bên bán bán ra một cách dứt khoát và khả năng giữ mốc 600 điểm không thành công thì một nhịp điều chỉnh là tất yếu.

Ngược lại, nếu như lực bán yếu đi, cầu mua tăng mạnh lên như những nhịp giảm trước đó, và mốc 600 điểm được bảo toàn thì có thể kỳ vọng tiếp vào thị trường.

Chúng tôi vẫn đề cập đến lo ngại về việc bán ròng của khối ngoại trong tháng 3 và kỳ vọng mọi thứ sẽ tốt hơn vào tháng 4 khi áp lực này giảm dần. Vì thế nhà đầu tư hãy thật thận trọng trong hoạt động giao dịch của mình và không nên để tài khoản bị áp lực quá lớn.

Khả năng tiếp tục giảm điểm 

(CTCK Maritime Bank - MSBS)

Sau thời gian tăng điểm nóng và tâm lý chốt lời của đa số các nhà đầu tư khi nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh khiến thị trường ngày 25/3 giảm điểm trên cả 2 sàn.

Với giá trị giao dịch lớn hơn 6.800 tỷ đồng cùng với diễn biến giao dịch trong phiên, thị trường nhiều khả năng đã diễn ra phân phối đỉnh trong ngày 25/3. Theo đó, chúng tôi dự báo thị trường phiên giao dịch ngày 26/3 có khả năng tiếp tục giảm điểm.

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời danh mục đầu tư ngắn hạn, các cổ phiếu đầu cơ đã tăng “nóng”. Mặc dù nếu xét trên khía cạnh dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng với sự hỗ trợ tích cực của các yếu tố vĩ mô tuy nhiên đây chưa phải thời điểm thích hợp để nhà đầu tư có thể thực hiện giải ngân.

Có thể chuẩn bị bước vào đợt điều chỉnh vài phiên

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Chúng tôi nhìn nhận rằng có hai e ngại chính cho thị trường trong giai đoạn này. Thứ nhất là các nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu bằng cách giữ tỷ trọng đòn bẩy tài chính cao.

Dù không có dữ liệu chính thức cho nhận định này, các cuộc tiếp xúc với các nhân viên môi giới tại một số công ty chứng khoán lớn đều xác nhận như vậy.

Thứ hai, khối ngoại liên tục bán ròng trong gần một tháng trở lại đây. Hiện tại, lực mua của các nhà đầu tư trong nước đã hấp thụ rất tốt lượng bán này, nhưng phần nào có sự trợ giúp của yếu tố thứ nhất. Nếu thị trường giảm tới mức độ nào đó dẫn tới áp lực phải cắt giảm rủi ro của các nhà đầu tư trong nước, đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài duy trì lực bán ròng như hiện này, thị trường trong nước có thể điều chỉnh giảm rất sâu.

Trên đồ thị, những dao động gần nhất đã tạo ra các nến đỏ và trắng xen kẽ, cho thấy lực lượng mua và bán đang cân bằng sau đợt tăng giá dài. Có thể thị trường chuẩn bị bước vào đợt điều chỉnh vài phiên. Tuy nhiên, chừng nào mà mức hỗ trợ 565 điểm vẫn được giữ vững, chúng tôi duy trì quan điểm xu hướng tăng ngắn hạn. Với quan điểm này, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Cần thêm một vài phiên để cân bằng lại

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Về xu hướng thị trường, mặc dù dòng vốn nội vẫn đang luân chuyển mạnh mẽ nhưng hoạt động bán ròng liên tiếp với giá trị lớn của khối ngoại gần đây khiến chúng tôi có phần lo ngại (phiên 25/3 khối ngoại bán ròng hơn 600 tỷ đồng trong đó bán ròng hơn 400 tỷ đồng cổ phiếu MSN).

Thị trường có thể cần thêm một vài phiên để cân bằng lại. Nhà đầu tư có thể tranh thủ các phiên giảm điểm để tái cơ cấu danh mục đầu tư sang các mã tiềm năng có triển vọng kết quả kinh doanh quý I/2014 khả quan.

Rủi ro định giá hiện chưa đáng lo ngại

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Bất chấp thị trường điều chỉnh đáng kể, thanh khoản phiên 25/3 tăng vọt khi nhà đầu tư trong nước vẫn tích cực tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp.

Phiên giảm điểm này một lần nữa là điều cần thiết nhằm giúp thị trường cân bằng trở lại và tránh hiện tượng tăng quá đà.

Sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua, chúng tôi cho rằng rủi ro định giá hiện chưa đáng lo ngại đối với TTCK Việt Nam và chưa thể kích thích làn sóng tháo lui của nhà đầu tư.

Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm đà tăng vẫn chiếm xu thế chủ đạo trong ngắn hạn với đan xen các phiên rung lắc. Nhà đầu tư sau khi chốt lời có thể cân nhắc trở lại vị thế mua ở các nhịp điều chỉnh. KIS khuyến khích mua vào các mã cơ bản tốt nhưng chưa tăng nhiều.

Lực cầu của khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì tốt tại bluechips

(CTCK MB - MBS)

Diễn biến chốt lời tiếp tục diễn ra khá mạnh ngay nửa đầu phiên 25/3 và mạnh nhất vào thời điểm cuối đợt giao dịch buổi chiều khi tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đã lên 261 triệu đơn vị, trong đó riêng buổi chiều khối lượng giao dịch lên đến 140 triệu đơn vị, mức tăng khá mạnh so với những phiên gần đây.

Nhóm cổ phiếu Bluechips (VNM, MSN, GAS, PVD, VIC...) phiên này đồng loạt giảm điểm là nguyên nhân chính khiến chỉ số giảm sâu về cuối phiên.

Trong khi đó áp lực chốt lời diễn ra rõ nhất tại nhóm cổ phiếu penny và thị trường như: PVX, FLC, PXI, DCS, VNE, KMR, LCM...với lượng khớp lớn cho thầy dòng tiền đầu cơ ngắn hạn đã có tín hiệu rút ra chờ đợi nhất là khi phiên ngày 26/3 có 224 triệu cổ phiếu T+3 của phiên review ETF thứ 6 tuần trước về tài khoản.

Ngắn hạn, khả năng VN-Index sẽ dao động quanh vùng 600 +/- 5 pts nghiêng về khả năng tích lũy sideway ngắn với các phiên tăng giảm đan xen và thồi phục tăng về cuối tuần.

Một thông số lạc quan khác đó là quỹ VNM ETF vẫn tiếp tục thu hút được vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây với lượng bình quân mỗi ngày khoảng 2 triệu USD và tín hiệu này chưa có xu hướng dừng lại. Do đó, lực cầu của khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì tốt tại nhóm bluechips hỗ trợ thị trường nằm trong kênh tăng giá ngắn hạn.

Điều chỉnh là cần thiết cho đà đi lên trong trung hạn

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Tương đồng với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới, phiên 20/3, VN-Index cũng để mất 5,33 điểm và lùi về lại sát mốc 600 điểm.

Trong một phiên điều chỉnh như vậy, lực cầu vẫn tỏ ra khá dồi dào do dòng tiền tham gia bắt đáy khá mạnh, thanh khoản toàn thị trường đạt trên 5.000 tỷ đồng khiến chúng tôi nhớ đến phiên giao dịch kỷ lục cách đây tròn 1 tháng, ngày 20/2.

Dù vậy, với mức tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua, những phiên điều chỉnh là cần thiết cho đà đi lên trong trung hạn của các chỉ số, nhà đầu tư cần cẩn trọng quan sát để có những động thái thích hợp.

Cần quan sát động thái của khối ngoại

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Phiên 25/3 thị trường đã chứng kiến một ngày giao dịch sôi động, hiện tượng chốt lời đã diễn ra xuyên suốt thời gian giao dịch. Dù lực cầu vẫn khá mạnh kéo thị trường đi lên trong phần lớn thời gian của phiên sáng nhưng đã không giữ được sắc xanh cho thị trường khi lực bán tỏ ra chiếm ưu thế vào cuối ngày giao dịch, đặc biệt khi giá trị khối ngoại bán ròng tăng gần gấp 4 lần ngày hôm qua.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại đã kéo dài suốt 1 tuần qua và sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường.

Tuy vậy, một phiên điều chỉnh chưa thể hiện được xu hướng của thị trường trong trung hạn, nhà đầu tư cần quan sát động thái của khối ngoại cũng như tìm kiếm mục tiêu lợi nhuận từ những cổ phiếu dự kiến có kết quả kinh doanh tốt.

Tin bài liên quan