ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 25/8.
Đà giảm vẫn còn tiếp tục
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Áp lực bán tháo mạnh mẽ đã khiến thị trường đỏ điểm liên tục từ đầu phiên với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, đặc biệt ở nhiều cổ phiếu Bluechips như REE, BVH, MSN, SSI,… VN-Index có thời điểm giảm gần 33 điểm trong phiên này – mức giảm mạnh nhất trong 14 năm. Tâm lý nhà đầu tư dường như đang rất bi quan trước các thông tin vĩ mô tiêu cực: Lo ngại về rủi ro tỷ giá, thông tin chứng khoán châu Á lao dốc mạnh, giá dầu...
Sau khi xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 550 – 555 điểm, VN-Index đang đối diện ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là 515 điểm. Đà giảm vẫn còn tiếp tục và phiên 25/8 sẽ là phiên giảm điểm. Nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, hạn chế các hoạt động bắt đáy cổ phiếu trong giai đoạn này.
Rủi ro hiện tại đang ở mức khá cao
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Các thông tin đa chiều thiếu tích cực của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc khiến tâm lý hoảng sợ lên cao đẩy áp lực bán tại mọi mức giá xuất hiện cầu nhằm nhanh chóng thoát vị thế lan ra hầu hết các mã khiến VN-Index có phiên mất điểm gần 5,3% - gần ngang với mức giảm điểm kỷ lục khi xuất hiện sự kiện Biển Đông.
Những lo ngại về tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc khi chỉ số PMI nước này trong tháng 8 tiếp tục giảm chỉ còn 47,1 điểm, tình hình chính trị bất ổn gia tăng ở Hy Lạp và sự bất định về kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên
Thứ Sáu tuần trước, tạo hiệu ứng tiêu cực lan tỏa sang phiên giao dịch Thứ Hai đầu tuần này. Toàn bộ thị trường Châu Á đồng loạt điều chỉnh giảm điểm rất mạnh.
Chứng khoán Trung Quốc phá đáy ngày 8/7, giảm tới hơn 8,4%, chỉ số hàng hóa Bloomberg Commodity Index rớt 1,6%, giá dầu Brent xuống dưới 45 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2009 là những nhân tố tác động rất mạnh khiến thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào vòng xoáy giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới.
Thanh khoản thị trường cải thiện rất mạnh. Lượng giao dịch trên 2 sàn tăng vọt lên mức hơn 237 triệu đơn vị (+42% lượng giao dịch bình quân 20 ngày) do lượng lớn tiền bắt đáy hoạt động rất tích cực giúp giải phóng lượng lớn cổ phiếu của những người cầm cổ chấp nhận bán bằng mọi giá trong trạng thái hoảng loạn.
VN-Index hiện tại đã lùi về mốc thấp nhất trong năm được thiết lập từ giữa tháng 5 vừa qua. Tuy vậy không có bất kỳ dấu hiệu nào mang tính kỹ thuật hay các thông tin vĩ mô cho thấy khả năng bật lên theo hình chữ V từ vùng đáy tạm thời này, có chăng chỉ là những phiên bật lên ngắn ngủi do tác động của các giao dịch trading ngắn hạn từ dòng tiền bắt đáy.
Rủi ro hiện tại đang ở mức khá cao đến từ các yếu tố bất ngờ của thị trường tài chính quốc tế. Nhà đầu tư nên tiếp tục tiến hành quan sát các biến động này trong các phiên tới. Tỷ trọng danh mục hiện tại nên giữ ở mức thấp.
“Bắt dao rơi” sẽ ẩn chứa nhiều nguy hiểm
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Hoảng loạn có lẽ là cụm từ phù hợp nhất để diễn tả được tình trạng hôm nay của TTCK Việt Nam. Chịu ảnh hưởng từ những kết quả rất tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới (đặc biệt là Trung Quốc), chứng khoán Việt Nam có một phiên giao dịch tồi tệ nhất trong hơn một năm trở lại đây. Mở cửa giảm ngay từ đầu giờ, đà già gần như chuyển thành “rơi tự do” trong suốt buổi sáng. Tình hình được cải thiện nhẹ vào đầu giờ chiều nhưng không thể duy trì lâu và hai sàn tiếp tục giảm trở lại để đóng cửa tại vùng gần thấp nhất trong ngày.
Với các hành động lướt sóng ngắn hạn, rủi ro hiện nay của thị trường đang ở mức cao và việc mạo hiểm bắt dao sẽ ẩn chứa nhiều nguy hiểm rất khó kiểm soát. Với các nhà đầu tư trung dài hạn, định giá của TTCK Việt Nam đang quay lại vùng “hấp dẫn” cho các hoạt động mua và nắm giữ.
Áp lực bán có thể vẫn lớn
(CTCK BIDV – BSC)
Điểm số giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn trong bối cảnh thông tin vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước diễn ra phức tạp.
Áp lực bán trong phiên tới có thể vẫn lớn, tiếp tục ảnh hưởng tới chỉ số chung. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý 2 yếu tố tích cực trở lại: (1) sự quay lại của khối ngoại và (2) P/E của thị trường đã xuống vùng hấp dẫn.
Nhà đầu tư ưu mạo hiểm có thể xem xét giải ngân thăm dò. Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao nên bình tĩnh chờ bán ở nhịp hồi của thị trường nhằm hạn chế sự bất lợi về giá.
Tiếp tục biến động mạnh
CTCK MB (MBS)
Các thông tin tiêu cực từ thị trường tài chính thế giới có tác động mạnh đến thị trường ngay từ đầu phiên. Các cổ phiếu không kể tốt xấu đồng loạt bị bán tháo khiến thị trường giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm tới nay.
Trên sàn HOSE, chỉ có 24 mã tăng giá trong khi có 249 mã giảm giá trong đó có 130 mã giảm sàn, còn trên HNX, số mã tăng giá là 29 và số mã giảm giá là 205 mã trong đó có 74 mã giảm sàn.
Do thị trường giảm nhanh và mạnh có thể khiến phát sinh trạng thái bán giải chấp khiến thị trường tiếp tục biến động mạnh trong các phiên tới. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì danh mục ở mức an toàn, theo dõi các biến động thị trường để có phản ứng kịp thời.
Tiếp tục giảm
CTCK Maritime (MSI)
Áp lực bán tháo mạnh mẽ đã khiến thị trường đỏ điểm liên tục từ đầu phiên với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, đặc biệt ở nhiều cổ phiếu Bluechips như REE, BVH, MSN, SSI,… VN-Index có thời điểm giảm gần 33 điểm trong phiên 24/8 - mức giảm mạnh nhất trong 14 năm.
Tâm lý nhà đầu tư dường như đang rất bi quan trước các thông tin vĩ mô tiêu cực: Lo ngại về rủi ro tỷ giá, thông tin chứng khoán châu Á lao dốc mạnh, giá dầu...
Sau khi xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh 550 - 555 điểm, VN-Index đang đối diện ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là 515 điểm.
Chúng tôi cho rằng, đà giảm vẫn sẽ còn tiếp tục và phiên 25/8 sẽ là phiên giảm điểm. Khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, hạn chế các hoạt động bắt đáy cổ phiếu trong giai đoạn này.