Nhận định thị trường ngày 24/7: Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang cao

Nhận định thị trường ngày 24/7: Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang cao

(ĐTCK) Sự phân hóa và dịch chuyển dòng tiền có thể sẽ còn tiếp diễn và để ngỏ khả năng xuất hiện những phiên hồi phục trở lại của hai chỉ số. Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn của thị trường đang đứng ở mức cao sau khi các thông tin tích cực của mùa báo cáo KQKD quý II đã được phản ánh đáng kể.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/7.

Khả năng dòng tiền nội vào thị trường đã bắt đầu chững lại

(CTCK FPT - FPTS) 

Sự phân hóa giá tiếp tục diễn ra giữa các nhóm ngành theo thông tin về kết quả kinh doanh đã khiến cho cả hai sàn đi ngang trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch 23/7. Về cuối phiên, chỉ số VN-Index tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ do không có sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi đó thì HNX-Index bất ngờ tăng nhẹ trở lại.

Như chúng tôi đã đề cập trong các bản tin trước, tâm ký thận trọng trên vùng đỉnh cũ đang là lực cản lớn nhất đối với nỗ lực duy trì xu thế ngắn hạn của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Có thể thấy rằng áp lực bán không quá mạnh nhưng luôn xuất hiện tại những thời điểm có giá xanh đã khiến các chỉ số liên tục trồi sụt trong khoảng giá trị hẹp. Cùng với đó, thanh khoản của phiên 23/7 sụt giảm mạnh so với các phiên đầu tuần cũng là tín hiệu xấu cho thấy khả năng dòng tiền nội vào thị trường đã bắt đầu chững lại. 

Về kỹ thuật, những tín hiệu từ các chỉ báo cũng đang cho thấy trạng thái suy yếu của xu hướng sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới. Nhìn chung, kịch bản khả quan cho các phiên cuối tuần vẫn sẽ là sự phân hóa giá tiếp tục đẩy thị trường đi ngang với những phiên tăng giảm xen kẽ.

Theo đó, chúng tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư lướt sóng hạn chế mở các trạng thái mua mới trước khi thị trường có tín hiệu xác nhận xu thế rõ ràng hơn, việc nắm giữ cổ phiếu vẫn cần ưu tiên những cổ phiếu cơ bản với tính hình hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm tốt.

Sẽ tăng điểm trở lại nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Chỉ số VN-Index giảm phiên thứ hai liên tiếp với biên độ nhỏ trong khi chỉ số HNX-index vẫn giữ được mốc 80 điểm. Thanh khoản tiếp tục giảm mạnh trong ngày 23/7 cho thấy tâm lý thận trọng cao của nhà đầu tư trên thị trường.

Chỉ số VN-Index sau khi rơi hơn 3 điểm, chạm mốc hỗ trợ 595 điểm đã hồi phục lại nhanh chóng. Dựa theo mẫu hình nến 23/7, chúng tôi cho rằng thị trường ngày 24/7 sẽ là một phiên tăng điểm trở lại với sự hỗ trợ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thị trường sẽ tiếp tục diễn biến rung lắc mạnh khi chỉ số VN-Index chạm tới vùng kháng cự tâm lý 600 điểm.

Với điều kiện thị trường hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế thực hiện giải ngân mua thêm cổ phiếu, bên cạnh đó nên tiếp tục giảm tỷ trọng các cổ phiếu yếu kém.

Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang đứng ở mức cao

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Việc thanh khoản giảm xuống mức thấp phản ánh tâm lý thận trọng và chờ đợi của cả 2 phía người mua và người bán khi diễn biến thị trường vẫn đang mang tính phân hóa rõ nét. Điểm tích cực trong phiên là lực cầu bắt đáy vẫn đang duy trì khá tốt tại các nhịp chùng xuống của 2 chỉ số. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện chốt lời tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển một phần sang các dòng cổ phiếu khác chưa tăng nhiều. Điều này được thể hiện qua tương quan các mã tăng điểm vẫn đang chiếm đa số bất chấp diễn biến điều chỉnh của VN-Index.

Sự phân hóa và dịch chuyển dòng tiền có thể sẽ còn tiếp diễn và để ngỏ khả năng xuất hiện những phiên hồi phục trở lại của hai chỉ số. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn của thị trường đang đứng ở mức cao sau khi các thông tin tích cực của mùa báo cáo KQKD quý II đã được phản ánh đáng kể. Các nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các phiên hồi phục thực hiện chốt lời và tạm đóng các vị thế ngắn hạn. Các vị thế trung hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ hoặc chờ tích lũy thêm trong nhịp điều chỉnh khi giá cổ phiếu về lại các vùng hỗ trợ mạnh.

Sẽ tiếp tục rung lắc trong một vài phiên tới

(CTCK BIDV - BSC)

Chúng tôi nhận thấy trong những phiên gần đây, diễn biến của thị trường thường phức tạp ở phiên chiều. Theo đó, một nhịp giảm mạnh thường xuất hiện ở đầu buổi chiều, sau đó thị trường lấy lại cân bằng ở cuối phiên và đóng cửa gần mức tham chiếu. Động thái này cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng quan sát trước khi ra quyết định mua bán. Thị trường vì thế có thể sẽ tiếp tục rung lắc trong một vài phiên tới.

Chúng tôi nhận thấy cơ hội trading đã giảm đi khá nhiều khi hầu hết các thông tin hỗ trợ đều đã được phản ánh vào giá. Mốc hỗ trợ 595 vẫn được giữ vững, vì thế xu hướng tăng vẫn đang được bảo lưu. Mặc dù vậy, động lực cho thị trường không còn nhiều khiến chúng tôi có đôi chút lo lắng về đà tăng sắp tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị giảm dần tỷ trọng danh mục tại các mức giá tốt trong phiên tăng điểm. Việc mở vị thế mua mới lúc này không được chúng tôi khuyến khích.

Thêm một phiên thanh khoản thấp

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Có 2 điểm cần lưu ý cho phiên giao dịch 23/7 là thanh khoản và sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechips. Chúng tôi đã nêu ra rằng, một số cổ phiếu bluechips giảm liên tiếp 2-3 phiên sẽ hồi phục và hỗ trợ cho chỉ số VN-Index đồng thời thanh khoản giảm xuống. Nếu hai yếu tố này xảy ra, thị trường sẽ được nhìn nhận tích cực hơn.

Thực tế điều đó đã xảy ra, số cổ phiếu bluechips tăng giá trở lại đã xuất hiện và thanh khoản của sàn HOSE chỉ bằng 65% so với phiên trước. Việc thanh khoản giảm sút một phần do cầu mua giá thấp phiên 23/7 tăng mạnh hỗ trợ cho tâm lý cho những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, một phần do số cổ phiếu có lãi đã chốt bán cạn dần. Khi áp lực bán 23/7 không đủ lớn để khiến cho nhà đầu tư trở lên lo lắng có khi lại khiến họ thích thú hơn khi mua trở lại sau khi đã bán giá cao. Chính điều naỳ đã hỗ trợ tích cực hơn cho thị trường nhưng không vì thế mà thanh khoản sẽ sớm được cải thiện.

Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục duy trì thêm một phiên nữa với thanh khoản thấp nhưng việc thị trường có tăng trở lại hay không sẽ phục thuộc nhiều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Khi các cổ phiếu bluechips sẽ thay nhau tăng nhẹ trở lại và thanh khoản giảm xuống thì nhóm Large Cap lại có nhịp điều chỉnh không nhiều sau khi tăng giá. Vì thế chỉ cần một biến động của 1 trong số nhóm này cũng sẽ tác động lớn lên chỉ số. Cho nên điều nhà đầu tư cần quan tâm chính là những cổ phiếu mình đang nắm giữ hoặc đang theo dõi và tạm quên đi chỉ số tăng hay giảm.

Các rủi ro đánh mất xu hướng tăng đang cao

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Chứng khoán tiếp tục có phiên giao dịch ít biến động. Sự thay đổi lớn nhất thuộc về yếu tố thanh khoản khi lượng giao dịch đã sụt giảm rất đột ngột, sàn HOSE giảm mạnh gần 35% trong khi sàn HNX cũng sụt giảm hơn 16% so với phiên liền trước. Sự đi xuống rất đột ngột của thanh khoản cho thấy tâm lý thận trọng của thị trường đang được đẩy lên những mức cao hơn đáng kể và điều này không có lợi cho triển vọng thị trường trong ngắn hạn. Khối ngoại giảm mạnh hoạt động của mình ở cả chiều mua và bán.

Chúng tôi lưu ý nhà đầu tư thân trọng hơn trong thời điểm hiện tại khi các rủi ro đánh mất xu hướng tăng đang cao hơn hẳn giai đoạn trước. Nhà đầu tư có thể nắm giữ các cổ phiếu đang có và thực hiện chiến lược “để lãi chạy” nhưng nên hạn chế việc giải ngân mạnh tay do rủi ro đánh đổi sẽ cao hơn lợi ích có thể đạt được.

Xu hướng giằng co sẽ tiếp diễn

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Phiên 23/7 là phiên điều chỉnh thứ hai sau khi VN-Index vượt ngưỡng 600 điểm, áp lực bán mặc dù được tăng cường tại một số thời điểm trong phiên nhưng không tạo ra biến động quá tiêu cực đối với các chỉ số. Thay vào đó, chúng tôi nhận thấy xu hướng giằng co là phổ biến và độ rộng thị trường tương đối cân bằng.

Tính đến thời điểm này, nhân tố chính dẫn dắt thị trường trong tháng 7 là KQKD quý II đang đi đến giai đoạn gần cuối và theo chúng tôi là đã phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu. Một điểm khác là biểu hiện cân bằng của thị trường cho thấy nhà đầu tư đang duy trì vị thế nắm giữ nhiều hơn là chốt lời ngắn hạn. Như vậy, trong ngắn hạn, chúng tôi đánh giá xu hướng giằng co sẽ tiếp diễn cho đến khi nhân tố hỗ trợ mới xuất hiện. Trong khi đó, nhà đầu tư có thời gian để lựa chọn cổ phiếu tốt và tiếp tục tái cơ cấu danh mục của mình. 

Tin bài liên quan