Nhận định thị trường ngày 24/11: Khó giảm mạnh

Nhận định thị trường ngày 24/11: Khó giảm mạnh

(ĐTCK) Nhiều khả năng phiên 24/11, thị trường sẽ quay lại xu hướng giảm điểm, VN-Index có thể sẽ giằng co quanh ngưỡng 595-600 điểm.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/11.

Giằng co quanh ngưỡng 595-600

(CTCK Maritime – MSI)

Với một phiên giảm điểm thanh khoản lớn như phiên 23/11, VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, giảm xuống mốc hỗ trợ mạnh 600 điểm và hình thành mẫu hình nến Bearish Engulfing, đường giá cũng đã cắt xuống dưới MA 20.

Nhiều khả năng phiên 24/11, thị trường sẽ quay lại xu hướng giảm điểm, VN-Index có thể sẽ giằng co quanh ngưỡng 595-600 điểm. Cũng trong phiên 24/11, dòng tiền sẽ tiếp tục được đổ vào các mã đầu cơ, nhà đầu tư nên thận trọng trong việc cơ cấu danh mục, chỉ nên phân bổ vào các mã đầu cơ có thông tin hỗ trợ tích cực như VIP, VNE, MHC, TSC để thu được lợi nhuận kỳ vọng trong ngắn hạn.

Rủi ro đảo chiều giảm điểm đang tiếp tục tăng

(CTCK FPT - FPTS)

So với tín hiệu kỹ thuật của tuần trước thì mức rủi ro xảy ra đảo chiều giảm đang tiếp tục tăng lên đối với VN-Index. Mặc dù nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục được giao dịch tích cực và tạo điểm nhấn, nhưng sự trái chiều xu hướng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang khiến cho kỳ vọng vào xu hướng tăng của nhà đầu tư bị bào mòn, đặc biệt là khi diễn biến giảm cuối phiên liên tiếp xuất hiện.

Trong phiên 24/11, áp lực bán có khả năng mạnh hơn nếu VN-Index tiếp diễn biến động không thuận lợi và vùng hỗ trợ 595-600 điểm bị vi phạm. Theo đó, đó các hoạt động theo chiều mua trong tuần nên thận trọng và chỉ nên xem xét nếu như xuất hiện các tín hiệu phản hồi tích cực của giá khi rơi về khu vực hỗ trợ mạnh. Dòng vốn mặc dù chưa thoát ra khỏi thị trường nhưng đang ở mức độ phân hóa rất cao, do đó nhóm nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp tiếp tục được khuyến nghị đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này.

VN-Index hoàn toàn có thể rơi về vùng 590 điểm  

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Trước tác động của hàng loạt cổ phiếu lớn mà điển hình là VNM đã khiến VN-Index giảm mạnh. Với nhịp giảm mạnh này, cổ phiếu VNM nhiều khả năng sẽ tiếp tục chuỗi giảm giá trong những phiên giao dịch tới cho dù lực mua khá mạnh. Và như thế, tác động của nó lên thị trường sẽ là rất rõ ràng.

Một điểm nữa là ngày 26/11, cổ phiếu BID sẽ giao dịch số cổ phiếu chuyển đổi từ MHB và phát hành thêm. Đây là điểm không tích cực nữa với thị trường bởi nhiều khả năng cổ phiếu BID sẽ bị chốt lời mạnh khi giá vốn chuyển đổi của nhiều nhà đầu tư thấp. Như vậy, những tác động không mong muốn này đang đẩy VN-Index vào một điểm khá khó lường.

VN-Index một lần nữa rơi xuống mức dưới 600 điểm với một cây nến giảm điểm dài không mong muốn. Vì thế tâm lý nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn trong phiên giao dịch 24/11, đặc biệt nếu như nhà đầu tư cảm nhận rằng thị trường yếu đi thì ngay cả những cổ phiếu đầu cơ tăng mạnh như FLC sẽ chịu sự chốt lời vô cùng mạnh. Nguy cơ này có thể đẩy chỉ số này rơi về vùng hỗ trợ 590 điểm hoàn toàn có thể xảy ra.

Vùng 590-593 sẽ là vùng hỗ trợ tích cực

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Với việc VNM đang tiếp tục có diễn biến điều chỉnh giảm khiến tín hiệu kỹ thuật của cổ phiếu này trở nên khá xấu, kéo theo diễn biến suy yếu của VN-Index trong bối cảnh không có thông tin nào quá tích cực như hiện tại để hỗ trợ thị trường phục hồi mạnh trong vài phiên tới.

Tạm thời VN-Index đang nằm tại mốc hỗ trợ 600 điểm. Phía dưới ngưỡng tâm lý này, vùng 590-593 điểm tỏ ra khá mạnh khi được tạo bởi các đường SMA50 và SMA100 và sẽ là vùng hỗ trợ tích cực cho chỉ số nếu cổ phiếu VNM và một vài mã trụ tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong vài phiên tới.

Đà giảm của VN-Index tiếp tục xuất phát từ diễn biến kém tích cực của VNM và một vài mã trụ. Trong khi đó, độ rộng thị trường vẫn được giữ ở mức khá cân bằng và thanh khoản duy trì tốt tại nhóm các mã vừa và nhỏ. Nhà đầu tư tiếp tục quan sát diễn biến thị trường trong phiên tới, nếu VN-Index giữ được mốc 600 điểm thì đó sẽ là vùng giá hợp lý để tích lũy trong dài hạn. Chiều ngược lại, nên tiếp tục đứng ngoài chờ các diễn biến tích cực trở lại của dòng tiền tại vùng 590-593 điểm của VN-Index.

Xem xét mua vào các mã cơ bản đã điều chỉnh sâu

(CTCK Bảo Việt - BVSC)      

Trên nền sự phục hồi của thị trường bất động sản, kết quả kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cũng cho thấy xu hướng dần khởi sắc trở lại.

Xu hướng cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ còn tiếp tục duy trì trong quý IV, thậm chí sang cả năm 2016, trong bối cảnh kinh tế phục hồi giúp gia tăng sức mua cho người có nhu cầu mua nhà cùng dòng vốn hỗ trợ dồi dào từ các ngân hàng. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc nhóm ngành này cho mục đích đầu tư trung hạn.

VN-Index đang chịu áp lực giảm chủ yếu từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, diễn biến tại không ít các mã cổ phiếu midcap và penny vẫn đang khá tích cực. Nhà đầu tư được khuyến nghị xem xét mua vào nhằm mục tiêu cơ cấu danh mục trong các phiên thị trường biến động với sự chuyển hướng sang các mã cơ bản đã điều chỉnh sâu.

Khó giảm mạnh

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Sau khi mất ngưỡng 600, VN-Index có thể test ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại mốc 593 điểm. Tuy nhiên, thị trường sẽ khó giảm sâu nhờ thanh khoản liên tục cải thiện, thay vào đó, VN-Index có thể vận động trên kênh 593-613. Nhà đầu tư T+ được khuyến nghị thận trọng trong việc mua thêm các mã đang tăng nóng do áp lực chốt lời ngày một lớn hơn.  

Các biến động gần đây không có nhiều tác động đến xu hướng

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Nhìn chung, các biến động các phiên gần đây không có nhiều tác động đến xu hướng kỹ thuật, VN-Index vẫn đang được bảo lưu, nhưng lưu ý hành trình tăng giá sẽ dần đối mặt với khó khăn lớn hơn. Nhà đầu tư vẫn có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt trong bối cảnh hiện nay, nhưng việc mở thêm các vị thế mua mới nên dần được hạn chế.

Tin bài liên quan