ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 22/10.
Xu thế mới trong ngắn hạn chưa rõ ràng
(CTCK FPT - FPTS)
Sự hồi phục của thị trường vào đầu phiên dù không đủ mạnh, nhưng rõ ràng vẫn có những dòng tiền đang tìm kiếm cơ hội dù là nhỏ nhất. Điều này là dễ hiểu khi báo cáo kết quả kinh doanh quý III vẫn đang tiếp tục được công bố. Tuy nhiên, với dòng vốn có chiều hướng giảm dần thì cơ hội kiếm tìm lợi nhuận cũng sẽ trở nên khan hiếm, kém bền vững và rủi ro hơn.
Phiên 21/10 vẫn xuất hiện khá nhiều cổ phiếu tăng giá tích cực, nhưng do sự chưa rõ ràng của xu thế mới trong ngắn hạn, các hoạt động đầu tư lướt sóng cần được hạn chế với mức tỷ trọng giành cho giao dịch không nên vượt quá 30% tổng tài sản. Nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III được dự đoán tích cực và nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ sẽ tiếp tục có lợi thế trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Xung lực của dòng tiền đang có dấu hiệu yếu đi
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Không có tín hiệu lạc quan xuất hiện trong phiên giao dịch 21/10. Áp lực điều chỉnh tại nhóm các mã bluechips tiếp tục diễn ra luân phiên kéo lùi đà hồi phục của hai chỉ số mặc dù độ rộng thị trường đã cân bằng trở lại. Thanh khoản có dấu hiệu suy giảm do bên bán và bên mua cùng giao dịch chậm lại sau liên tiếp các phiên thị trường đi ngang.
Sóng kết quả kinh doanh chỉ đủ mạnh để giúp một vài mã có kết quả kinh doanh tốt vận động tích cực hơn thị trường chung. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong vài phiên tới. Tuy nhiên, nếu thanh khoản tiếp tục suy giảm, áp lực bán thoát trạng thái sẽ xuất hiện mạnh dần lên.
Hành động mua tại thời điểm hiện tại không được khuyến khích trong bối cảnh xung lực của dòng tiền đang có dấu hiệu yếu đi. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát vận động của thị trường. Nhanh chóng thoát khỏi trạng thái nếu các chỉ số rơi xuống dưới mốc hỗ trợ ngắn hạn hoặc tiến hành mua vào nếu thị trường có dấu hiệu thoát khỏi trạng thái đi ngang hiện tại.
Thị trường đang diễn biến hết sức phân hóa
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Các phiên điều chỉnh trong giai đoạn này tiếp tục là cơ hội gia tăng tỷ trọng đối với nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp. Mặc dù vậy, thị trường đang có diễn biến hết sức phân hóa và điểm mua hợp lý phù hợp vào từng mã cụ thể.
Nhóm cổ phiếu có thể tập trung trong nhịp này gồm các nhóm hưởng lợi từ bối cảnh giá nguyên vật liệu giảm (nhựa), từ TPP (logistic và khucông nghiệp) hay nhóm có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan trong hai quý cuối năm (bất động sản, vật liệu xây dựng).
Mức độ rủi ro vẫn ở mức thấp
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Các thị trường đang trong giai đoạn lình xình trong bối cảnh dòng tiền tham gia thị trường chưa phát đi tín hiệu đột phá. Tính đến thời điểm này, thị trường chưa đón nhận thêm các yếu tố hỗ trợ mới, trong khi diễn biến các TTCK lớn trên thế giới cũng đang trải qua giai đoạn rung lắc. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư nội trở nên thận trọng hơn.
Dù vậy, khối ngoại trở lại mua ròng trong 2 phiên gần đây và đây yếu tố hỗ trợ về mặt tâm lý vào lúc này. Theo đó, mức độ rủi ro thị trường một lần nữa ở mức thấp. Theo quan điểm kĩ thuật, ngưỡng hỗ trợ 575-580 của VN-Index là đáng tin cậy trong ngắn hạn, trong khi vẫn đặt kì vọng về xu hướng tăng trong trung hạn.
Có thể sẽ giảm mạnh
(CTCK Maritime – MSI)
Kết thúc phiên 21/10, VN-Index đã hình thành một nến Doji, thị trường đang tỏ ra khá thận trọng trước những thông tin như khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 10 và các thông tin kém tích cực khác của nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy rủi ro điều chỉnh của thị trường trong các phiên tới là khá lớn.
Trong phiên giao dịch ngày 22/10, nhiều khả năng thị trường có thể sẽ giảm điểm mạnh. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình và khuyến cáo các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trong các quyết định giao dịch của mình, trading T+ vẫn chứa đựng nhiều rủi ro.
Xu hướng vẫn là đi ngang tích lũy
(CTCK BIDV - BSC)
Niềm tin về sự đột phá chưa đủ mạnh. Nhiều khả năng, các chỉ số tiếp tục chịu nhiều thử thách trong các phiên tới. Xu hướng tuần vẫn là đi ngang tích lũy. Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, nên tiếp tục chốt lời trong phiên tăng điểm.
Điều chỉnh có thể không kéo dài lâu
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
VN-Index tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình thử lại khu vực kháng cự tâm lý 600 điểm, áp lực chốt lời vẫn khá quyết liệt, dù vậy việc khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại có thể sẽ tạo ra điểm tựa tốt hơn về mặt tâm lý và quá trình điều chỉnh do đó có thể không kéo dài quá lâu. Nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt trong giai đoạn này và áp dụng chiến thuật “để lãi chạy”.