Nhận định thị trường ngày 21/10: Trở lại xu hướng ảm đạm

Nhận định thị trường ngày 21/10: Trở lại xu hướng ảm đạm

(ĐTCK) Với phiên giảm 20/10 chưa đủ mạnh, nhưng nó đã phát đi tín hiệu không mấy tích cực với thị trường. Có vẻ như một mùa báo cáo đang đến mà không nhiều ấn tượng khi nhiều công ty đạt kết quả không mấy tích cực. Đó là một điểm sẽ khiến cho thị trường trở nên ảm đạm hơn, giao dịch trở lại sự lình xình vốn có.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/10.

Thị trường sẽ trở lại xu hướng lình xình, ảm đạm

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Dường như nhà đầu tư bắt đầu cảm nhận thấy thị trường khó có khả năng bứt phá nữa khi mà các thông tin không tích cực xuất hiện. Đầu tiên là số liệu về kinh tế của Trung Quốc, rồi câu chuyện TPP... Trong khi đó, những cổ phiếu lớn như BVH, VNM tiếp tục vai trò đỡ chỉ số không còn hiệu quả.

Hệ quả là áp lực bán đã xuất hiện và đẩy VN-Index sụt giảm mạnh về mốc 590 điểm. Nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng khi khối lượng giao dịch đạt mức cao như vậy thì thị trường khó suy giảm.

Điều này có thể đúng, nhưng theo nghĩa là nó khó giảm mạnh một cách bất ngờ. Còn về góc nhìn trong vòng vài tuần nữa thì sẽ khó giữ được mốc điểm này. Bởi xét về sự phân hóa, chúng ta thấy rõ các mã đầu cơ tăng mạnh như ITA, FLC, VHG... đều có xu hướng giảm, và khối lượng giao dịch của những mà này rất cao (chiếm 1/3 của sàn HOSE).

Khi những cổ phiếu này suy giảm trở lại vùng đáy đã tạo lập thì khối lượng giao dịch sẽ suy giảm tương ứng và điều này khiến khối lượng giao dịch chung sụt giảm. Nếu như những cổ phiếu lớn như BVH hay VNM suy giảm thì sẽ khó có nhóm cổ phiếu nào đủ sức gánh đỡ chỉ số.

Với phiên giảm 20/10 chưa đủ mạnh, nhưng nó đã phát đi tín hiệu không mấy tích cực với thị trường. Sự suy giảm có thể không mạnh nhưng dường như sẽ là một giai đoạn khó khăn mà thị trường sẽ đón nhận ở giai đoạn tới. Có vẻ như một mùa báo cáo đang đến mà không nhiều ấn tượng khi nhiều công ty đạt kết quả không mấy tích cực. Đó là một điểm sẽ khiến cho thị trường trở nên ảm đạm hơn, giao dịch trở lại sự lình xình vốn có.

Trạng thái điều chỉnh sẽ tiếp diễn

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường vẫn đang trong trạng thái giao dịch điều chỉnh tích lũy. Nhiều cổ phiếu trụ có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn, giao dịch intraday xấu khiến xung lực của thị trường chung đang giảm đi rõ rệt. Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn trong phiên giao dịch ngày 20/10 do dòng tiền chịu tác động từ diễn biến thiếu tích cực từ bên ngoài như giá dầu giảm mạnh tới 4% trong phiên ngày 19/10; khả năng FED sẽ tiến hành tăng lãi suất ngay trong năm nay và những diễn biến bất lợi của hiệp định TPP Trạng thái điều chỉnh sẽ tiếp tục diễnkhi đảng ủng hộ TTP tại Canada thất bại theo như kết quả cuộc bầu cử được công bố ngày 20/10.

Trong ngắn hạn, dòng tiền vận động kém tích cực trong bối cảnh không có tin tức vĩ mô đủ mạnh hỗ trợ sẽ khiến áp lực chốt lời tiếp tục duy trì. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, hạn chế mua đuổi, chờ phản ứng của dòng tiền khi VN-Index lùi về các ngưỡng hỗ trợ cứng như 585 điểm hoặc bật tăng khỏi vùng sideway hiện tại để giải ngân trở lại.

Chỉ là điều chỉnh thông thường

(CTCK FPT - FPTS)

Một dòng vốn khá lớn đã tận dụng nhịp giảm mạnh trong phiên chiều để tham gia thị trường, thanh khoản qua đó vọt tăng +20% so với phiên ngày 19/10. Đây là tín hiệu cho thấy lượng tiền chờ các điểm vào thấp vẫn khá dồi dào.

Sau tín hiệu yếu đi của nhóm cổ phiếu ngân hàng vào  ngày 19/10 thì độ rộng của nhịp điều chỉnh đã lan sang các nhóm khác, đặc biệt có sự xuất hiện của nhóm bất động sản, vốn được kỳ vọng là trụ cột trong các đợt hồi phục của thị trường.

Như vậy, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận đang vướng phải các đợt bán giảm tỷ trọng trong ngắn hạn sau khi kỳ vọng lớn về một cú tăng vượt kháng cự 600 điểm chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, mức sụt giảm hiện tại vẫn đang ở các mức được xác định là điều chỉnh bình thường nhằm thiết lập mặt bằng giá mới ổn định và bền vững hơn. Do đó, nhóm nhà đầu tư ưa thích lướt sóng và có mức chịu rủi ro cao có thể duy trì tỷ trọng từ 20-30% tổng tài sản dưới dạng cổ phiếu vào nhóm được đánh giá tích cực trong mùa kinh doanh quý III/2015.

Tiếp tục giảm điểm 

(CTCK Maritime – MSI)

Kết thúc phiên 20/10, VN-Index không giữ được mốc hỗ trợ mạnh 591 điểm (Fibo 61,8) và hình thành mẫu hình nến Bearish Engulfing cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá bi quan. Ngoài ra, các tín hiệu phân tích kỹ thuật đều cho thấy xu hướng thị trường đang kém tích cực. Trong phiên giao dịch ngày 21/10, thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, ngưỡng 578-580 sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo cho VN-Index. Việc điều chỉnh là điều cần thiết trước khi bước vào nhịp tăng mới.  

Các giao dịch trading T+ vẫn nên hạn chế, còn đối với nhà đầu tư có tầm nhìn nắm giữ cổ phiếu 2-3 tháng vẫn có thể tiếp tục mua gom ở vùng giá thấp đối với các cổ phiếu cơ bản tốt.

Áp dụng chiến thuật để lãi chạy

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

VN-Index tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình thử lại khu vực kháng cự tâm lý 600 điểm, khi mà áp lực chốt lời vẫn khá quyết liệt. Xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường vẫn đang duy trì, nhưng lưu ý tình trạng rung lắc như gần đây sẽ thường xuyên diễn ra hơn khi VN-Index dần vận động lên các mức cao hơn 600 điểm. Nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt trong giai đoạn này và áp dụng chiến thuật để lãi chạy.

Tin bài liên quan