ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 15/4.
VN-Index sẽ quay trở lại với mốc 550 điểmp
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Nhóm Ngân hàng dù đã cố gắng nhưng kết quả cuối cùng của phiên là sự đảo chiều giảm trong khi thanh khoản đang ngày càng sụt giảm. Những lo ngại về dòng tiền cho đến cổ phiếu dẫn dắt đều diễn ra.
Ở góc độ thị trường lúc này, câu chuyện thanh khoản đang dồn về phía bên mua, bởi bên bán đã sẵn sàng. Thực tế cho thấy cầu mua khá yếu minh chứng cho việc dòng tiền mới đã không xuất hiện. Điều này sẽ tạo áp lực cho những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, và buộc họ gia tăng bán ra trong thời gian tới nhằm kiếm chút lợi nhuận từ nhịp hồi phục vừa qua. Cho dù có sự hỗ trợ của nhóm LargeCap, nhưng sẽ không giúp được nhiều và VN-Index sẽ quay trở lại với mốc 550 điểm. Tất nhiên, lúc này không phải là giai đoạn nhà đầu tư quá hoảng loạn để bán tháo cổ phiếu mà đơn thuần chỉ là sự chốt lời vội vã mà thôi.
Vẫn đang dần tích cực trở lại
(CTCK BIDV - BSC)
Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang dần tích cực trở lại. Một là, sức ép từ khối ngoại đã giảm bớt, họ đã mua ròng hơn 500 tỷ đồng trên cả hai sàn trong 3 phiên gần đây. Hai là, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng điểm trở lại nhờ diễn biến tích cực của giá dầu thế giới. Sức ép từ nhóm này, đặc biệt là từ GAS, đến thị trường cũng được giảm bớt. Ba là, thị trường tuy giảm điểm nhưng thanh khoản lại giảm đi, cho thấy lực bán không mạnh và thị trường đang dần tích lũy cạn kiệt. Bốn là, các nhóm cổ phiếu quan trọng như ngân hàng, bất động sản, xây dựng và dầu khí đều luân phiên tăng điểm, giữ nhịp cho thị trường trong những phiên gần đây.
Vì thế, chúng tôi cho rằng những nhịp rung lắc như 2 phiên nay là cần thiết để hình thành một xu hướng tăng lành mạnh. Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, có thể xem xét chốt lời những cổ phiếu đã tăng nhanh trong thời gian qua. Tỷ trọng cổ phiếu khuyến nghị không quá 50% danh mục. Nhà đầu tư thận trọng có thể tiếp tục mua cổ phiếu với tỷ trọng thấp.
Sẽ có diễn biến phân hóa ở từng mã, ngành
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Đà tăng của VN-Index trong 2 phiên vừa qua phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cùng lực hỗ trợ khá bền bỉ của dòng tiền ngoại. Tuy nhiên, với sức lan tỏa khá hạn chế, được thể hiện qua khối lượng giao dịch sụt giảm, đã khiến nhà đầu tư trong nước dần mất kiên nhẫn và gia tăng bán ra. Động lực tăng điểm của thị trường chưa thực sự thuyết phục khi thiếu vắng các thông tin hỗ trợ đủ mạnh, có thể tác động trên diện rộng. Các thông tin về kỳ họp ĐHCĐ 2015 của doanh nghiệp ít nhiều đều đã nằm trong kỳ vọng của nhà đầu tư và mang tính cục bộ nên chưa đủ sức tạo hiệu ứng.
Nền tảng vĩ mô và vi mô tích cực là điểm tựa cho đà tăng của TTCK trong trung hạn. Tuy nhiên, diễn biến hiện tại của thị trường cho thấy khả năng có biến động mạnh của 2 chỉ số ở mức thấp. Thay vào đó, thị trường sẽ có diễn biến phân hóa ở từng mã, ngành phụ thuộc vào các thông tin mới xuất hiện trong mùa ĐHCĐ, cũng như kết quả kinh doanh quý I. Nhà đầu tư được khuyến nghị cân bằng tỷ trọng nắm giữ và có thể kết hợp thực hiện trading một phần để bình quân giá vốn, tuy nhiên nên tránh tâm lý mua đuổi giá xanh khi thị trường đi lên hay bán tháo khi thị trường cho dấu hiệu điều chỉnh.
Khó điều chỉnh sâu
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Kịch bản kéo một số mã trụ để duy trì sắc xanh của thị trường tiếp diễn trong phiên 14/4. Tuy vậy, tâm lý nghi ngờ mạnh dần lên do độ rộng và thanh khoản của thị trường không có sự cải thiện khiến xu hướng chung bị yếu đi nhanh chóng. VN-Index có 2 phiên thứ hai liên tiếp test không thành công mốc cản 560 điểm.
Tâm lý thị trường vẫn không có dấu hiệu tích cực trở lại mặc dù vùng đáy trong đợt giảm điểm mạnh lần này đã được kiểm nghiệm. Xu hướng chốt lời hiện đang lan dần sang một số mã trụ và dự kiến sẽ mạnh dần lên khiến thị trường điều chỉnh mạnh nếu không có sự cải thiện về lực cầu của khối nội trong một vài phiên tới. Tuy vậy điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục cần mẫn mua ròng trở lại trên cả 2 sàn, đặc biệt tại nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Nếu tiếp tục duy trì được điều này, việc điều chỉnh sâu sẽ khó xảy ra.
Thận trọng đối với diễn biến hiện tại
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Thận trọng khi thị trường tiến lên vùng 565 điểm. Với mặt bằng thanh khoản vẫn đang ở mức thấp kết hợp áp lực chốt lời ngắn hạn đang diễn ra, thị trường không có nhóm dẫn dắt thì kịch bản VN-Index tăng đến mốc 570-575 như chúng tôi đã đưa ra trước đó khó có thể hoàn thành.
Trong phiên giao dịch 14/4, chỉ số VN-Index tăng đến ngưỡng 563 và giật xuống test lại ngưỡng EMA(20) ở mốc 558 điểm nhưng lực mua đã không còn hào hứng. Chúng tôi đưa ra quan điểm thận trọng đối với diễn biến của thị trường hiện tại. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiến hành giảm bớt danh mục cổ phiếu và đứng ngoài thị trường.
Vẫn cần thêm dấu hiệu tích cực
(CTCK MB - MBS)
Thị trường đã điều chỉnh giảm, nhưng nhờ một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, VN-Index chỉ giảm nhẹ, thanh khoản duy trì ở mức trung bình thấp. Khối ngoại tiếp tục mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp.
Các cổ phiếu có vốn hóa lớn tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ thị trường. Các mã cổ phiếu như GAS, PVD, MSN tăng giá giúp VN-Index giữ được sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch phiên này. Tuy nhiên, đến cuối phiên, thị trường giảm trên diện rộng, trong đó có nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như CTG, VIC… khiến nỗ lực của nhóm cổ phiếu GAS, PVD, MSN không đủ để giữ thị trường tăng điểm.
Thị trường chung có thể không giảm sâu nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn giữ giá, nhưng các cổ phiếu nhỏ và vừa có thể tiếp tục điều chỉnh trên diện rộng.
Tiếp tục giữ tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Điểm đáng chú ý nhất phiên 14/4 thuộc về nhóm cổ phiếu dầu khí. Phiên này ghi nhận các mã dầu khí có mức tăng tốt hơn rõ rệt phần còn lại, điển hình là các mã: PVD (+1,9%), GAS (+1,6%), PVS (+1,7%). Sự hồi phục trở lại của nhóm dầu khí có thể liên quan đến sự tăng lên của giá dầu trong ngắn hạn, tính từ đầu tháng 4 đến nay giá dầu thế giới đã tăng thêm 11% và trở lại trên mốc 50 USD (hiện đang 52,27 USD).
Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng với tiền mặt cho giai đoạn hiện nay.