Nhận định thị trường ngày 14/10: Áp lực chốt lời sẽ tiếp diễn

Nhận định thị trường ngày 14/10: Áp lực chốt lời sẽ tiếp diễn

(ĐTCK) Áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục duy trì trong phiên tới. Tuy vậy, điểm quan trọng là cần theo dõi biến động của dòng tiền. Nếu thanh khoản tiếp tục giảm dần theo từng phiên giao dịch, chu trình điều chỉnh mạnh có thể sẽ quay trở lại do tâm lý thận trọng sẽ tăng cao.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 14/10.

Tiếp tục dao động ở biên độ hẹp, thanh khoản giảm

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Giảm nhẹ nhưng vẫn mang tính tích cực nhờ vào mức giá đóng cửa thấp hơn mở cửa. Tuy nhiên thanh khoản đang có tín hiệu giảm sút và rõ ràng là nhà đầu tư đã không còn muốn mua đuổi nữa. Họ chốt lời nhưng lại lựa chọn mức giá tốt nhất nên áp lực như thế là vừa đủ. Thị trường đang đi vào xu hướng giao dịch chậm lại là rất rõ ràng, nhưng điều này lại đang cho thấy một vấn đề là thông tin TPP đã không còn hấp dẫn.

Thực ra thông tin về hiệp định TPP cho thấy thị trường đang mong chờ, nhưng thông tin tích cực như thế nào. Tiếc rằng, giai đoạn này điều đó chưa đến, trong khi có thể nó sẽ phải đón nhận những tin không vui. Nếu như thông tin về kinh tế Trung quốc có vấn đề, nếu FED tăng lãi suất... có thể khiến sự phục hồi của TTCK thế giới vừa qua chịu tác động và nó khiến nhà đầu tư trong nước sẽ có phản ứng tiêu cực hơn.

Còn giai đoạn hiện tại, một mặt nhà đầu tư vẫn nhìn vào giao dịch của khối ngoại, mặt khác họ cũng chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III nên áp lực không nhiều. Thị trường sẽ tiếp tục dao động ở biên độ hẹp và thanh khoản tiếp tục giảm. Sự phân hóa sẽ diễn ra nếu như doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực nhưng không duy trì được lâu. Vì thế biến động của từng phiên sẽ không quá lớn nhưng cũng đề phòng việc khối ngoại giảm mua và bán mạnh trở lại. Điều đó có thể sẽ khiến áp lực bán mới thực sự xuất hiện đẩy thị trường suy giảm.

Áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục duy trì

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Nối tiếp sự suy giảm về độ rộng và thanh khoản trong phiên ngày 12/10, thị trường quay lại trạng thái điều chỉnh do sự sụt giảm đồng loạt của các phiếu dẫn dắt thuộc các nhóm dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Với mức tăng tương đối nhanh trong vài phiên vừa qua, kết hợp cùng sự không đồng thuận của dòng tiền tại nhóm các mã vừa và nhỏ, áp lực điều chỉnh tại nhóm các mã Bluechips dẫn đầu là khá dễ hiểu khi nhu cầu chốt lời bảo toàn lợi nhuận của các nhà đầu tư ngắn hạn bắt đầu tăng lên.

Thanh khoản tiếp tục giảm. Lượng giao dịch khớp lệnh 2 sàn chỉ đạt khoảng 137 triệu đơn vị, giảm tới 30% so với lượng khớp lệnh bình quân tuần trước. Tuy vậy có thể thấy lượng vốn luân chuyển hiện tại vẫn tốt và còn hơi sớm để kết luận dòng vốn đang dần thu hẹp trở lại. Khối ngoại cũng giảm giao dịch, tuy vậy vẫn tập trung mua khá mạnh vào các mã Bluechips hàng đầu như BVH, VCB, CII, SSI…

Hiệu ứng tâm lý từ hiệp định TPP đang lắng dịu dần trong khi đó thị trường chưa xuất hiện các thông tin hỗ trợ mới khiến áp lực điều chỉnh chốt lời bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh thị trường đang tiến gần tới mốc tâm lý 600 điểm. Áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục duy trì trong phiên tới.

Tuy vậy, điểm quan trọng là cần theo dõi biến động của dòng tiền. Nếu thanh khoản tiếp tục giảm dần theo từng phiên giao dịch, chu trình điều chỉnh mạnh có thể sẽ quay trở lại do tâm lý thận trọng sẽ tăng cao. Nhà đầu tư duy trì trạng thái nắm giữ cổ phiếu. Tuy vậy, nếu thanh khoản tiếp tục xu hướng giảm dần qua từng phiên, nhà đầu tư nên tiến hành hạ dần tỷ trọng nhằm hạn chế rủi ro điều chỉnh.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm

(CTCK Maritime – MSI)

Kết thúc phiên 13/10, VN-Index đã hình thành mẫu hình nến Harami, thị trường có thể sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh trước khi tăng lên các vùng giá mới. Trong phiên 14/10, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm điểm, VN-Index giằng co quanh ngưỡng 590-595  điểm. Nhà đầu tư có thể xem xét các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu một số mã

Bluechips đầu ngành, cổ phiếu midcaps có thông tin kinh doanh quý III tích cực.

Khả năng điều chỉnh sâu không được giá cao

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

VN-Index đã điều chỉnh giảm sau khi chỉ số này đang chuẩn bị tiếp cận vùng kháng cự nhạy cảm 595-600. Các hoạt động mua giá cao đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh nhà đầu tư chủ yếu chốt lời do không đón nhận thêm nhiều yếu tố hỗ trợ mới.

Dù vậy, tâm lý thị trường vẫn khá lạc quan và khả năng điều chỉnh sâu không được giá cao. Nhà đầu tư sau khi chốt lời có thể cân nhắc trở lại vị thế mua nếu thị trường giảm thêm trong các phiên tới. Trong đó, kết quả kinh doanh quý III đang dần được công bố sẽ là cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu để bổ sung vào danh mục.  

Chỉ là chốt lời ngắn hạn

(CTCK BIDV - BSC)

Khối ngoại vẫn đang duy trì trạng thái tích cực trên cả hai sàn, do đó, nhiều khả năng đây chỉ là yếu tố chốt lời ngắn hạn. Như đã đề cập, nếu dòng tiền ngoại tiếp tục đổ vào thị trường và không có dấu hiệu bị rút ròng liên tục, nhà đầu tư có thể tin tưởng vào xu hướng tăng sắp tới.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế mua trong những phiên giảm điểm như phiên 13/10, tập trung vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt. Nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều cổ phiếu cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên tăng điểm.

Triển vọng ngắn hạn vẫn ở mức lạc quan

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Triển vọng thị trường ngắn hạn vẫn ở mức lạc quan. Xu hướng tăng sẽ vẫn là chủ đạo dù sự “rung lắc” một vài phiên là điều khó tránh khỏi. Nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao trong danh mục. Việc xem xét gia tăng tỷ trọng có thể thực hiện trong những thời điểm điều chỉnh của thị trường.

Tin bài liên quan