ĐTCK lược trích nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 13/2.
Thị trường chưa hết rung lắc
CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS)
Một phiên tháo chạy ngay lập tức được bù lại bằng một phiên tăng điểm mạnh. Tại vùng 560 điểm, VN-Index đảo nhịp liên tục với những mức tăng giảm không hề nhỏ và điều này khiến cho thị trường trở nên vô cùng hấp dẫn.
Sau cú giảm mạnh hôm 11/2, thị trường 12/2 không quá bi quan như nhiều người lo ngại. Lực mua vào chủ động ngay từ đầu phiên, và dường như áp đảo cả bên bán ra. Đó là điểm nhấn đáng chú ý, và nó cho thấy tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn.
Dù đã vượt qua vùng 560 điểm nhưng chưa thể chắc chắn rằng chỉ số VN-Index sẽ không tiếp tục rung lắc. Nhưng sự rung lắc này vẫn sẽ xuất hiện từ nhóm cổ phiếu lớn và bluechips nhiều hơn là từ nhóm midcap. Cho dù là thế nào thì nhóm này vẫn sẽ là tâm điểm của thị trường trong những phiên tới đây.
Chúng tôi cho rằng, sẽ ngày càng nhiều nhóm cổ phiếu Midcap sẽ bắt nhịp với đà tăng này. Những cổ phiếu có sự tích lũy khá tốt thời gian qua như VIS, VND, BVS, HUT, TDC... sẽ là những cổ phiếu thu hút được dòng tiền này.
Tuy nhiên, khi dòng tiền vận động theo trạng thái như hiện nay thì nhiều nhà đầu tư đã và đang dần bỏ qua việc quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư. Thị trường chưa cho thấy điều đó nhưng những nhà đầu tư thuộc trường phái thận trọng cũng không nên quên điều này. Tận dụng cơ hội nhưng vẫn luôn đề phòng những biến động tiếp theo.
Ưu tiên cổ phiếu vật liệu xây dựng, bất động sản
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Chỉ số VN-Index tăng điểm trở lại ngay từ đầu phiên và tăng dần về cuối phiên. Chúng tôi nhận thấy lực mua toàn thị trường có sự hưởng ứng tích cực từ diễn biến tăng của TTCK thế giới, đặc biệt khi khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng.
Độ rộng thị trường có sự cải thiện đáng kể, trải khắp từ cổ phiếu bluechips, midcap và penny. Với phiên tăng điểm này, chỉ số VN-Index đã tăng qua ngưỡng cản kỹ thuật 560 điểm, đang tiến sát mốc cao nhất 564.61 điểm đã thiết lập vào ngày 221/2014. Dòng tiền vào thị trường tốt, lực cầu chiếm ưu thế dù áp lực cung giá cao tại ngưỡng cản kỹ thuật không nhỏ.
Chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận phiên tăng điểm trở lại với thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước. Dòng tiền có xu hướng quan tâm hơn đến sàn HNX, số lượng cổ phiếu thu hút lực cầu mở rộng hơn so với giai đoạn trước. Nhóm cổ phiếu xây dựng, bất động sản, tài chính tăng giá khá mạnh. Với phiên tăng điểm này, chỉ số HNX-Index đang tiến đến ngưỡng cản kỹ thuật 78 điểm, tương đương mức mở rộng 127% của xu hướng tăng điểm từ cuối tháng 11/2012.
Lượng cung hàng giá cao dự báo tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 13/2, khi cả hai sàn đều tiến gần ngưỡng kháng cự kỹ thuật. Thị trường có thể diễn biến giằng co tại ngưỡng cản này, với sự phân hóa rõ rệt hơn ở từng nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, với thực tế lực cầu tham gia thị trường tốt và ổn định, dòng tiền có xu hướng luân chuyển giữa từng nhóm cổ phiếu, xu hướng tăng điểm trung dài hạn của thị trường vẫn đang duy trì.
Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, khi xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn đang duy trì. Việc lựa chọn cổ phiếu nên quan tâm đến yếu tố cơ bản, thuộc ngành nghề được đánh giá triển vọng như dầu khí, xuất khẩu, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, được dòng tiền quan tâm.
Lưu ý những phiên rung lắc mạnh
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS)
Phiên giao dịch ngày 12/02 đã khép lại với đà tăng điểm đã trở lại trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Có thể thấy diễn biến giằng co vẫn xuất hiện trong phiên sáng nhưng kèm theo là nhiều dấu hiệu cho thấy cung – cầu đã nhanh chóng cân bằng bất chấp diễn biến tiêu cực của phiên liền trước. Sang đến phiên chiều, sức mua tiếp tục được cải thiện mạnh nhờ sự tham gia của khối ngoại, cùng với việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm trở lại thì độ rộng thị trường đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, FCM, KMR .. tiếp tục là điểm sáng trong phiên.
Nhìn chung, những lo ngại về khả năng điều chỉnh đã tạm thời được giải tỏa khi đà tăng của phiên 12/2 đã giúp các chỉ số vượt lên các mốc điểm quan trọng.
Về yếu tố hỗ trợ, thông tin về việc đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đang tác động tích cực tới nhóm cổ phiếu bất động sản, ngoài ra phải kể đến những công bố lạc quan về lợi nhuận 2013 của một số doanh nghiệp đầu ngành, những thông tin mang tính hỗ trợ này đang góp phần củng cố thêm kỳ vọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang trải qua giai đoạn nhạy cảm sau nhịp tăng mạnh.
Theo đó, chúng tôi vẫn đánh giá tích cực về xu thế của thị trường trong trung hạn. Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập thì rủi ro điều chỉnh và sự xuất hiện của những phiên rung lắc mạnh vẫn cần được lưu ý, nhà đầu tư nên duy trì sự bình tĩnh, tránh tâm lý hưng phấn hoặc bi quan thái quá, việc gia tăng tỷ trọng sẽ tiếp tục được khuyến nghị đối với những cổ phiếu cơ bản tốt, chưa tăng nhiều tại những thời điểm điều chỉnh xuất hiện
Xem xét dòng cổ phiếu chưa tăng nhiều để cân bằng rủi ro
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Thị trường bật tăng trở lại khá hưng phấn ngay sau một phiên phân phối với khối lượng lớn. Một số mã bluechips trên HoSE đóng vai trò dẫn dắt đà hồi phục với biên độ tăng điểm khá thuyết phục như BVH, FPT, GAS, VCB... Giá trị mua ròng của khối ngoại đã giảm bớt so với phiên trước nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao, đạt xấp xỉ 85 tỷ đồng.
Tâm lý có phần “hoảng loạn” của nhà đầu tư vào cuối phiên giao dịch trước đã sớm được bình ổn trở lại khi nhận ra dòng tiền ngoại vẫn đang tiếp tục chảy mạnh vào thị trường. Nhiều khả năng, phản ứng dao động mang tính thời điểm này thuộc về nhóm các nhà đầu tư cá nhân sau khi thị trường đã trải qua một nhịp tăng trưởng mạnh cùng với nhu cầu chốt lời ngắn hạn.
Theo quan sát của chúng tôi, dòng tiền đầu tư tổ chức kể cả trong nước và nước ngoài vẫn đang tiếp tục tham gia và hỗ trợ khá tốt cho đà tăng điểm của nhóm cổ phiếu bluechips. Diễn biến tích cực của 2 chứng chỉ quỹ ETFs trong phiên 11/2, bất chấp đà rơi của VN-Index, đã thể hiện sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với dòng tiền ngoại. Trong khi đó, các lệnh mua lô lớn tại các mã bluechips đã kín room như FPT, MBB trong phiên 12/2 lại phần nào cho thấy nhu cầu giải ngân của khối nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Với diễn biến này, cả hai chỉ số vẫn đang có khá nhiều cơ hội chinh phục các mốc điểm cao mới. Sự luân phiên dẫn dắt giữa các mã, dòng cổ phiếu khiến các nhịp điều chỉnh xảy ra rất ngắn và mang tính phân hóa.
Các nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì vị thế trung hạn ở mức trung bình và xem xét tái cơ cấu một phần tỷ trọng ngắn hạn sang các dòng cổ phiếu chưa tăng nhiều so với thị trường chung nhằm cân bằng rủi ro. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, khí gas và cao su chế biến vẫn đang được hỗ trợ bởi yếu tố thông tin cơ bản và cho tín hiệu nắm giữ, trong khi nhóm ngân hàng – vốn là nhóm chậm nhịp – có thể sẽ là đích đến tiếp theo của dòng tiền.
Có thể có những biến động bất ngờ
CTCP Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường 12/2 đi lên khi cả VN-Index và HN-Index cùng tăng điểm; thanh khoản ở mức trung bình khá.
Sau phiên giảm điểm mạnh vào cuối giờ giao dịch 11/2, thị trường phiên này tiếp tục tăng điểm đầu phiên nhưng duy trì được điểm số cho đến hết giờ.
VN-Index đang ở vùng điểm khá nhạy cảm và có thể có những biến động bất ngờ.
Các chuyên gia của ANZ đánh giá, chính môi trường vĩ mô ổn định, tỷ giá ít biến động và tài khoản vãng lai thặng dư đang là những yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư ngoại bỏ tiền vào Việt Nam.
VN-Index có thể vượt qua mức 565
CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)
Phiên 12/2, thị trường tiếp tục tăng rất mạnh, như đã diễn ra với đa số thời gian trong phiên liền trước. Tuy nhiên, không có áp lực chốt lời xuất hiện cuối phiên 12/2 và lực đẩy được duy trì tốt tới khi đóng cửa, đưa chỉ số lên 1,9%, chốt phiên tại 564 điểm. Thanh khoản trên thị trường tiếp tục rất dồi dào. Số lượng cổ phiếu tăng/giảm trên sàn HOSE đạt tỷ lệ ít khi có 4/1. Trong phiên tăng đồng loạt, các mã cơ bản tốt hay các mã đầu cơ nóng đều gia tăng mạnh.
Khối ngoại mua ròng 2,2 triệu cổ phiếu, đưa con số mua ròng từ đầu tuần lên 7,4 triệu cổ phiếu. Họ mua ròng tại các mã cổ phiếu vốn hóa cao, như BVH, GAS, HAG, HPG, VCB, trong khi đó lại bán mạnh ở các mã DPM, HLA, PET. Việc khối ngoại mua ròng trong thời gian này phần nào tương đồng với diễn biến ổn định của thị trường chứng khoán thế giới trong khoảng hơn một tuần gần nhất.
Từ góc độ kỹ thuật, VN-Index đang rất sát với một mức cao mới. Nếu VN-Index có thể vượt qua mức 565, chỉ số này sẽ thoát khỏi khu vực tích lũy trong khoảng 10 phiên vừa qua để trở lại xu hướng thiết lập từ tháng 9. Theo dõi lực cầu trong hai phiên gần nhất, chúng tôi nghiêng về việc điều này sẽ xảy ra. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư muốn gia tăng tỷ trọng có thể mở vị thế ở 565 và đặt dừng lỗ ở mức 548 điểm.
Lưu ý đến khả năng áp lực chốt lời ngắn hạn
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Trái ngược với tâm lý chốt lời gia tăng vào cuối giờ giao dịch phiên trước, thị trường 12/2 bắt đầu khởi sắc và tăng mạnh vào đầu giờ chiều, cuối cùng vượt ngưỡng kháng cự 560 điểm một cách dễ dàng. Đáng chú ý, khối ngoại vẫn tiếp tục rót vốn vào cả hai sàn mặc dù có sự hạ nhiệt so với phiên 11/2. Cùng với sự tham gia của khối ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng thể hiện tâm lý phấn khởi với lượng cầu gia tăng, đẩy giá của hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh.
Việc thị trường nhanh chóng lấy lại phong độ trong phiên 12/2 cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư vẫn đang được duy trì.
Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đến nay, dòng tiền mới đến từ quỹ VNM vẫn không ngừng đổ vào thị trường. Theo ước tính của VDSC, lượng tiền quỹ này đã rót vào TTCK Việt Nam trong 5 ngày qua đạt xấp xỉ 150 tỷ đồng, bằng 54% giá trị mua ròng toàn thị trường của nhà đầu tư nước ngoài từ 06/02-12/02. Đây được xem là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong những phiên vừa qua. Dù vậy, biến động giá của VNM ETF tại thị trường Mỹ lại là một rủi ro khó lường trước đối với các nhà đầu tư trong nước.
Tính đến ngày 11/2, VNM ETF vẫn đang giao dịch với mức premium là 8,62%, chúng tôi đánh giá đây là mức an toàn tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng quan sát do giá chr quỹ ứng chi của ETF này đang giao dịch rất gần vùng đỉnh đã thiết lập năm 2013.