Nhận định thị trường ngày 13/: Rất khó để có thể cơ cấu lại danh mục

Nhận định thị trường ngày 13/: Rất khó để có thể cơ cấu lại danh mục

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 1/3, thị trường vẫn sẽ giảm điểm với áp lực bán mạnh đầu phiên, tuy nhiên, khả năng kết thúc giao dịch thị trường không giảm sâu, VN-Index sẽ giảm xuống mức 558-560 điểm.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 1/3.

Triển vọng ngắn hạn vẫn khả quan

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường có phiên giao dịch đầu tuần không mấy tích cực khi cả 2 chỉ số đều chốt phiên trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và một vài mã cổ phiếu lớn như VNM, MSN, VIC điều chỉnh khiến cho thị trường chịu áp lực lớn.

Một phần lí do đến từ việc thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 2,87% do lo ngại của nhà đầu tư về số liệu PMI sắp được công bố và kết quả cuộc họp G20 cũng không đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, áp lực bán tháo chưa xuất hiện và khối ngoại giao dịch tiếp tục duy trì trạng thái giao dịch tương đối cân bằng là những tín hiệu giảm thiểu khả năng điều chỉnh sâu của thị trường trong những phiên tới.

Thị trường đang chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc khiến việc rung lắc trong những phiên tới là có thể xảy ra.

Theo thông tin mới nhất, PBoC vừa quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0.5% và điều này có thể sẽ giảm bớt phần nào lo ngại cho giới đầu tư.

Triển vọng ngắn hạn của thị trường là khả quan, nhà đầu tư mạo hiểm vẫn có thể cân nhắc giải ngân thăm dò tại những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Chưa có nhiều dấu hiệu tiêu cực

(CTCK BIDV - BSC)

VN-Index đang kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 560 điểm, khối lượng giao dịch không tăng đột biến, đồng thời, độ rộng thị trường vẫn cân bằng cho thấy, sự giảm điểm ngày 29/2 chưa có nhiều dấu hiệu tiêu cực.

Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu thấp có thể canh nhịp giảm sâu của thị trường trong 1-2 phiên tới để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Nhịp điều chỉnh sẽ diễn ra

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

VN-Index có một phiên giảm điểm mạnh và đây chính là lo ngại nhất như đã đề cập. Mặc dù nhìn về tổng quan, chỉ số giảm điểm mạnh chủ yếu do tác động của một nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn khá nhiều. Tuy nhiên, ở một số cổ phiếu mang tính động lực như FPT, SSI, BVH, REE... thì giá đã chững lại tại vùng này đủ lâu.

Vì thế, để có thể có thêm động lực mới hơn nữa, những nhóm cổ phiếu trên phải tiếp tục bứt phá. Do đó, nhà đầu tư nên quan sát ở phiên ngày 1/3, nếu như thị trường có dấu hiệu suy yếu thì nên coi như nhịp điều chỉnh đang diễn ra.

Tính từ mức đáy thiết lập là 511 điểm, VN-Index đã tăng gần 10%, đặc biệt là giao đoạn cuối tháng 2. Có thể những phiên gần đây báo hiệu một nhịp điều chỉnh sẽ diễn ra, trước mắt ngưỡng 550 điểm sẽ hỗ trợ thị trường.

Sẽ không giảm sâu

(CTCK Maritime – MSI)

Áp lực bán gia tăng ở các cổ phiếu Bluechips khiến thị trường giảm mạnh, VN-Index để mất mốc 560 điểm và kết thúc ở mốc thấp điểm nhất phiên. Các tín hiệu kỹ thuật như RSI, MFI đều có dấu hiệu đi xuống cho thấy thị trường đang có xu hướng tiêu cực hơn.

Phiên giao dịch ngày 1/3, thị trường vẫn sẽ giảm điểm với áp lực bán mạnh đầu phiên, tuy nhiên, khả năng kết thúc giao dịch thị trường không giảm sâu, VN-Index sẽ giảm xuống mức 558-560 điểm. Đây là giai đoạn thị trường diễn biến phức tạp do đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, theo dõi sát thị trường và chỉ tiến hành giải ngân khi có dấu hiệu tăng điểm rõ rệt.

Thị trường hiện chưa tạo ra các cảnh báo nguy hiểm

(CTCK FPT - FPTS)

Các trụ cột cho đợt tăng ngắn hạn đang đồng loạt điều chỉnh và đây là lý do khiến thị trường xuất hiện các phiên giảm gần đây. Như đã phân tích, diễn biến trong ngắn hạn hiện chưa tạo ra các cảnh báo nguy hiểm và thực tế cho thấy, thị trường cũng cần có các bước lấy đà sau khi trải qua nhịp tăng khá tích cực vừa qua. Điểm cần chú ý là nội lực của nhịp hồi phục sắp tới có đủ sức đưa thị trường lên một mặt bằng giá cao hơn hay không?

Ở kịch bản tích cực này, dòng tiền và sự xuất hiện của nhóm cổ phiếu dẫn dắt được đặt lên vị trí cần được quan tâm hàng đầu. Nếu chỉ số phục hồi với một nền tảng lỏng lẻo của thanh khoản và thiếu hụt sự định hướng của dòng cổ phiếu trụ cột, mức độ rủi ro cho hoạt động đầu tư ngắn hạn sẽ bắt đầu tăng lên.

Khi các tín hiệu suy yếu đã bộc lộ rõ, rất khó để có thể cơ cấu lại danh mục để tối đa hiệu quả đầu tư. Vì vậy, trong các phiên tới, sự hồi phục không đi kèm với thanh khoản dồi dào sẽ chính là tín hiệu kích hoạt trở lại các hoạt động Bán chốt lời để cơ cấu lại danh mục.

Tin bài liên quan