ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 12/11.
Dòng tiền đang được nhẹ nhàng đổ vào thị trường
(CTCK FPT - FPTS)
Thị trường chứng khoán 11/11 diễn biến không có gì khác biệt nhiều so với ngày giao dịch 10/11. Tuy nhiên, kết quả đóng cửa có sự trái chiều, dưới sự tác động mạnh của mã cổ phiếu GAS, chỉ số VN-Index biến động khá mạnh, cao nhất là 608,68 điểm nhưng đóng cửa chỉ dừng ở 604,23 điểm, tăng 2,11 điểm, tương ứng với 0,35%, đồng thời số lượng cổ phiếu giảm giá lại áp đảo so với cổ phiếu tăng giá với tỷ lệ là 128/95.
Thị trường tiếp tục diễn biến theo hướng sideway trong ngắn hạn, được duy trì vận động trên đường SMA 5 ngày. Điều đáng kể là thanh khoản đang trong xu hướng tăng dần đều cho thấy dòng tiền đang được nhẹ nhàng đổ vào thị trường. Khối ngoại giao dịch khá hạn chế trong phiên và chỉ bán ròng nhẹ hơn 2 tỷ đồng.
Trong bối cảnh này, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị, với nhà đầu tư ngắn hạn nên quan tâm đến những mã chứng khoán có thông tin hỗ trợ tốt hoặc tích lũy đủ có tín hiệu bứt phá; đồng thời tiếp tục thực hiện chốt bán với những mã đã tăng quá 10% so với điểm tích lũy. Với nhà đầu tư dài hạn, mỗi khi thị trường trùng xuống mạnh là cơ hội mua tích lũy cho hàng cơ bản tốt.
Thị trường vẫn duy trì thêm được phiên tăng điểm nhẹ
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Sức nóng từ GAS có thời điểm đẩy VN-Index tăng mạnh lên gần mốc 609 điểm. Rõ ràng việc GAS tăng cho thấy hiện tượng xanh vở đỏ lòng đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra hơn là cùng mua vào. Áp lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng và số lượng cổ phiếu giảm chiếm tỷ trọng khá lớn.
Trong phiên này, ngoài GAS còn có FLC và KLF là những cổ phiếu rất đáng chú ý khi có sự tăng tốc mạnh về mặt khối lượng giao dịch. Điều đó cũng góp phần đẩy thanh khoản chung của thị trường gia tăng mạnh hơn mức trung bình của thị trường và vô hình chung nó tạo ra cho nhà đầu tư cái nhìn thực sự tích cực khi xem xét về mặt kỹ thuật.
Thị trường nhìn chung chưa có nhiều điều để nói nhưng dường như đang tạo cảm giác đi ngang và tích lũy nhiều hơn. Các cổ phiếu sụt giảm quá mức sẽ tăng trở lại và ngược lại khi tăng lên sẽ chịu áp lực bán đẩy xuống. Tuy nhiên, cũng đã bắt đầu xuất hiện một cách lẻ tẻ những cổ phiếu bứt phá mạnh kiểu như KLF...và có thể khi thị trường bình vững hơn thì khả năng xuất hiện nhiều hơn những cổ phiếu này. Nhưng đó là thời tương lai, còn giai đoạn này sự luân phiên tăng – giảm chỉ giúp cho thị trường tịnh tiến trong vùng 600-610 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 12/11, chúng tôi cho rằng áp lực bán sẽ gia tăng mạnh tại cổ phiếu lớn như GAS hay MSN gây tác động tới VN-Index. Tuy nhiên, những cổ phiếu bluechips khác có 1-2 phiên giảm điểm sẽ tăng nhẹ trở lại tạo đà cho thị trường. Do đó có thể thị trường vẫn duy trì thêm được phiên tăng điểm nhẹ nữa nhưng như thế chưa mang đến điều gì đáng chú ý.
Nên trading bình quân giá vốn
(CTCK MB - MBS)
Thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm nhưng áp lực chốt lời giá cao bắt đầu có tín hiệu tăng mạnh hơn nhất là khi VN-Index tiệm cận vào các vùng kháng cự mạnh trong phiên 11/11. Mặc dù VN-Index đạt mức cao nhất 608.68 điểm và HNX- Index kiểm nghiệm vùng đỉnh cũ 90 điểm trong phiên nhưng áp lực bán khá mạnh trong phiên chiều đã kéo cả hai chỉ số giảm bớt đà tăng về cuối phiên giao dịch.
Diễn biến thị trường đầu phiên 11/11 nhìn chung vẫn duy trì trạng thái thận trọng và phân hóa mạnh khi lực cầu chỉ tập trung vào một số ít nhóm cổ phiếu như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, hàng tiêu dùng... Nếu không có diễn biến tích cực tại KLF thu hút dòng tiền nóng trở lại thị trường thì nhìn chung giao dịch vẫn khá lình xình.
Trong đó, KLF bất ngờ được mua vào khá sớm ngay đầu phiên với hơn 9 triệu đơn vị và nhanh chóng tăng mạnh lên giá trần đã thu hút sự quan tâm chú ý của đa số nhà đầu tư. Tín hiệu giao dịch tích cực tại KLF đã tác động khá tốt tới tâm lý giao dịch chung và khiến diễn biến thị trường trở nên sôi động hơn.
Mặc dù áp lực bán mạnh diễn ra nhưng cuối phiên KLF vẫn tiếp tục duy trì tăng trần với khối lượng giao dịch cao đột biến lến tới 37,7 triệu đơn vị chiếm tới 25% vốn điều lệ của cổ phiếu này. Hiệu ứng tại KLF cũng nhanh chóng lan sang các cổ phiếu khác như FLC, KBC, ITA, TDC...
Việc chỉ số nhanh chóng chạm các vùng kháng cự mạnh tại 609 với VN-Index và 90 với HNX-Index đã kích hoạt lượng cung chốt lời giá cao nhanh chóng diễn ra mạnh hơn về cuối phiên. Trong đó, nhiều cổ phiếu bất động sản (KBC, ITA, FLC...), chứng khoán (SSI, HCM...), dầu khí (PVS, PVC, PXS...) đuối sức về cuối phiên.
Chiến lược phù hợp trong giai đoạn này nên trading bình quân giá vốn, thực hiện bán tại cận trên (ứng với VN-Index tại 610-615 điểm) mua tại cận dưới (ứng với VN-Index tại 600+/-3 điểm).
VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn dao động trong biên độ hẹp
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Hoạt động chốt lời tiếp tục diễn ra khi thị trường có xu hướng hồi phục trở lại sau hàng loạt các phiên giảm điểm vừa qua khiến lực bán thường có xu hướng tăng mạnh về cuối phiên giao dịch.
Đây là sự vận động bình thường của dòng tiền trong ngắn hạn. Chúng tôi đánh giá khả năng về việc giảm điểm sâu của thị trường khó xảy ra khi dòng tiền đổ vào thị trường vẫn hết sức tích cực và luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu tạo sự phân hóa rõ ràng trên thị trường. VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn dao động trong biên độ hẹp quanh các vùng hỗ trợ ngắn hạn. Nhà đầu tư tiếp tục vị thế nắm giữ các cổ phiếu trong danh mục của mình.
Xu hướng giằng co sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Mặc dù xu hướng giằng co sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn với sự phân hóa rõ nét nhưng xu hướng tăng trong trung hạn vẫn đang được bảo lưu.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ những phiên thị trường giảm điểm để tích lũy, gia tăng cổ phiếu cho danh mục ngắn hạn. Danh mục trung, dài hạn tiếp tục được khuyến nghị nắm giữ với tỷ trọng ở mức cân bằng.
Quay lại kiểm tra mốc 600 điểm
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Thị trường có một phiên tăng điểm, tuy nhiên số mã cổ phiếu giảm giá lại nhỉnh hơn so với số mã tăng giá. Áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến đà tăng của thị trường chững lại về cuối phiên.
Với diễn biến trong phiên giao dịch ngày 11/11, dự báo phiên giao dịch ngày 12/11 thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh, quay lại kiểm tra mốc 600 điểm. Vùng 605 – 607 điểm vẫn đang là ngưỡng kháng cự tương đối mạnh với chỉ số VN-Index trong ngắn hạn.
Thị trường tháng 11 đang trong diễn biến đi ngang quanh mốc 600 điểm (+/- 10 điểm) và đây sẽ là cơ hội tốt để tích lũy đối với những cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực trong những tháng cuối năm. Một số mã cổ phiếu đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 12/11: REE, DIG, FCM, TCM.
VN-Index xâm phạm hỗ trợ 575 điểm là không cao
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Như trao đổi trong tuần giao dịch trước đó, chúng tôi đánh giá xác suất VN-Index xâm phạm hỗ trợ 575 điểm không cao. Khả năng vượt kháng cự 610 điểm để xác định xu hướng tăng ngắn hạn sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu thanh khoản tiếp tục được cải thiện và thị trường nhận được sự ủng hộ mạnh hơn từ giao dịch của khối ngoại trong thời gian tới.
Quá trình tích lũy còn kéo dài
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
Các chỉ số nhanh chóng lấy lại sắc xanh nhờ các mã vốn hóa lớn như GAS và ACB khởi sắc. Điểm hỗ trợ đáng kể nhất phiên 11/11 là nhiều tên tuổi lớn công bố lợi nhuận khá tích cực như GAS, PVT, HPG, PNJ…Dù vậy, biên độ tăng một lần nữa thu hẹp về cuối phiên trước áp lực chốt lời tăng cường, đặc biệt khi VN-Index tiệm cận ngưỡng kháng cự ngắn hạn 605-607.
Nhìn chung, thanh khoản duy trì ổn định ở mức cao và thị trường không đón nhận thông tin tiêu cực được kì vọng sẽ giúp quá trình tích lũy còn kéo dài. Nhà đầu tư sau khi thực hiện vị thế chốt lời ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để trở lại vị thế mua thận trọng. Nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng, vật liệu xây dựng, thủy sản và thực phẩm tiếp tục được khuyến nghị trong giai đoạn hiện nay.