Nhận định thị trường ngày 12/1: Áp lực giải chấp đã suy yếu

Nhận định thị trường ngày 12/1: Áp lực giải chấp đã suy yếu

(ĐTCK) Kỳ vọng các thị trường có thể ổn định hơn trong các phiên sắp tới nhờ lực cầu tại các vùng giá thấp cải thiện, trong khi áp lực giải chấp cũng đã suy yếu. Thị trường ngoại hối ổn định và trạng thái bán quá mức cũng là cơ sở để tin rằng sẽ xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 12/1.

Áp lực giải chấp đã suy yếu

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Kỳ vọng các thị trường có thể ổn định hơn trong các phiên sắp tới nhờ lực cầu tại các vùng giá thấp cải thiện, trong khi áp lực giải chấp cũng đã suy yếu. Thị trường ngoại hối ổn định và trạng thái bán quá mức cũng là cơ sở để tin rằng sẽ xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật. VN-Index đã trụ vững ở vùng hỗ trợ 556-558 điểm. VN-Index có khả năng sẽ phải tiếp tục test lại vùng hỗ trợ 556-558 điểm và đây là thời điểm tốt cho nhà đầu tư trung hạn.

Có thể hồi nhẹ

(CTCK Maritime – MSI)

Thị trường tiếp tục đà giảm điểm của tuần trước do ảnh hưởng tiêu cực của các thị trường chứng khoán trong khu vực. Kết thúc phiên, VN-Index hình thành một cây nến Invested Hammer, thanh khoản thị trường giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư đang khá e dè khi tham gia vào thị trường.

Trong phiên 12/1, thị trường có thể sẽ có phiên hồi phục nhẹ, VN-Index có thể sẽ test lại ngưỡng
hỗ trợ tâm lý 560 điểm. Tuy nhiên, nhìn chung cả tuần, thị trường vẫn là tiêu cực, nhiều khả năng VN-Index sẽ giảm về dưới mốc 555 điểm. Rủi ro thị trường hiện nay là khá cao, nhà đầu tư nên thận trọng trong các quyết định đầu tư, hạn chế giao dịch bắt đáy cổ phiếu và trading T+.

Khả năng sẽ có phiên hồi kỹ thuật

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Ở thời điểm hiện tại, VNI-ndex đã giảm 3 phiên liên tiếp, đóng cửa ở mức 557,87 điểm, đang trong kênh giảm ngắn hạn sau khi mất ngưỡng hỗ trợ 568 điểm, theo đó vùng 556-560 sẽ là ngưỡng hỗ trợ cho thị trường trong tuần này, kịch bản kém khả quan cho thị trường có thể chỉ số sẽ quay về vùng 540 điểm để tích lũy và tạo mặt bằng giá mới. Một số mã cổ phiếu cơ bản hiện đã về hoặc tiện cận vùng quá bán, chiếm 11% số lượng mã trên sàn HOSE (SSI, BID, HPG, REE, BIC..) do vậy, thị trường trong tuần này khả năng sẽ có phiên hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể xem xét để cơ cấu lại danh mục. Trong trường hợp VN-Index xuất hiện phiên giảm sâu, nhà đầu tư nên bình tĩnh và có thể mua vào đối với nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều tiền mặt.

Mặc dù rủi ro ngắn hạn vẫn đang gia tăng, tuy nhiên đối với danh mục trung-dài hạn, mặt bằng cổ phiếu đang ở vùng mua hấp dẫn và nhà đầu tư chỉ nên mua vào đối với các cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh năm 2015 khả quan.

Hạn chế mở trạng thái mua mới

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch 11/1 được đánh giá là phiên chịu ảnh hướng mạnh của bên bán, số lượng cổ phiếu có sự hồi phục là hiếm và không gây ấn tượng. Mặc dù lượng cung không ồ ạt bán đẩy giá xuống, nhưng luôn thường trực sẵn tạo ra tâm lý khá thận trọng trên thị trường. Ở góc độ tích cực, nếu diễn biến này được duy trì trong một vài phiên nữa thì nguồn cung sẽ dần cạn kiệt vì hiện tại khá nhiều cổ phiếu trụ cột bắt đầu vào khu vực bị bán quá đà. Kết hợp với thời điểm công bố báo cáo quý IV và cả năm 2015 cũng sắp diễn ra đồng loạt sẽ tạo động lực mới cho dòng tiền với những điểm đến cụ thể cho thị trường. Đây là yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp hình thành một khu vực giao dịch ổn định hơn trong ngắn hạn.

Vẫn hết sức chú ý rằng, nền tảng thanh khoản trong những phiên gần đây là rất yếu, đặc biệt là thời điểm chỉ số hồi phục. Dòng vốn hạn chế, liên tục đảo quanh một số cổ phiếu nhất định và không có yếu tố dẫn dắt sẽ khó xoay chuyển được xu hướng chung của thị trường một cách nhanh chóng. Do đó, cơ hội kiếm lợi nhuận sẽ không nhiều và sự phân hóa có thể sẽ lại tái diễn. Như vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế mở trạng thái mua mới, đồng thời chọn các thời điểm chỉ số hồi phục không đi kèm với sự cải thiện của thanh khoản để cơ cấu lại danh mục với ưu tiên gia tăng tỷ trọng tiền mặt.

Đi vào vùng cân bằng quanh ngưỡng 560 điểm

(CTCK BIDV - BSC)

Thị trường nhiều khả năng sẽ đi vào vùng cân bằng quanh ngưỡng 560 điểm trong trường hợp không có thông tin tiêu cực nào xuất hiện thêm. Trong trường hợp xấu hơn, nhà đầu tư cần lưu ý ngưỡng hỗ trợ của thị trường nằm ở khoảng 535-545 điểm. Nhà đầu tư nên cẩn trọng quan sát thêm, chỉ mua vào khi VN-Index đạt trạng thái cân bằng.  

Các chỉ số vẫn còn dư địa rơi xuống các vùng thấp hơn

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Vẫn có những giao dịch mang tính đột biến, điển hình là mức tăng trần của HAG với mức khớp lệnh hơn 13 triệu cổ phiếu, tuy nhiên, độ rộng của toàn thị trường vẫn rất hẹp với thanh khoản có diễn biến suy giảm khá mạnh so với các phiên cuối tuần trước. Điều này cho thấy áp lực cắt lỗ vẫn đang cao và dòng tiền bắt đáy đang có dấu hiệu suy giảm.

Câu chuyện từ Trung Quốc vẫn chưa dừng lại khiến dòng vốn cả khối ngoại và khối nội cùng tỏ ra dè dặt, đẩy rủi ro thị trường tiếp tục tăng cao. Các chỉ số sau khi rơi xuống dưới các mốc hỗ trợ ngắn hạn đều không cho tín hiệu về trạng thái hồi phục sẽ xuất hiện trong ngắn hạn. Hoạt động tìm đáy mới để tiến hành tích lũy do vậy sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới. Mặc dù mặt bằng giá hiện tại là khá hấp dẫn cho danh mục trung dài hạn. Tuy nhiên, hoạt động bắt đáy vẫn cần cân nhắc do áp lực bán hiện vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, các chỉ số vẫn còn dư địa rơi xuống các vùng thấp hơn.

Tin bài liên quan