ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 10/7.
Sẽ tăng nhẹ
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Mặc dù trong phiên có lúc thị trường đã tăng lên 626 điểm, nhưng lực bán chốt lời gia tăng ở cuối phiên chiều lại khiến thị trường giảm điểm, VN-Index giảm nhẹ hơn 1 điểm, dừng ở mức 622 điểm. Thanh khoản vẫn tốt, nhưng đã sụt giảm so với phiên trước đó.
Qua 2 phiên điều chỉnh, lực cầu vào các mã cổ phiếu bluechips, cổ phiếu cơ bản dòng ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản vẫn khá tốt. Thị trường phiên 10/7 sẽ hồi phục trở lại. VN-Index sẽ tăng điểm nhẹ - dòng tiền vẫn tiếp tục phân hóa vào những cổ phiếu đang có cơ bản hỗ trợ. Nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ những cổ phiếu tốt nhất và tránh giao dịch ở những cổ phiếu đầu cơ. Một số cổ phiếu đáng chú ý: VCS, VSC, DIG, FCN, TCM.
Nhóm Ngân hàng sẽ tiếp tục có tác động tích cực
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Hồi phục lại một cách nhanh chóng sau khi chỉ số giảm điểm sâu trong khoảng thời gian đầu tiên cho thấy mức độ hưng phấn của thị trường vẫn rất cao. Nó đã xua đi nỗi lo ngại của nhà đầu tư về khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm nữa. Và đó là cơ sở cho thấy thị trường có cơ hội chinh phục đỉnh cao năm 2014 tới đây.
Chúng tôi cho rằng khả năng tăng trở lại đã mở ra sớm hơn khi sự tích cực đến không chỉ từ TTCK Việt Nam mà cả ở TTCK thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào sự hồi phục tích cực mà phiên 9/7 đạt được chưa hẳn thị trường sẽ đồng thuận tăng trong phiên ngày 10/7.
Tiếp tục có sự thận trọng nhất định khi nhà đầu tư lại trở nên lo ngại trước khối lượng giao dịch lớn của phiên 8/7 và điều này sẽ khiến cho các cổ phiếu phân hóa rõ nét hơn. Nhiều khả năng nhóm Ngân hàng sẽ tiếp tục có tác động tích cực lên thị trường trong phiên ngày mai 10/7.
Áp lực điều chỉnh tiếp tục diễn ra
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Áp lực điều chỉnh đã chậm lại nhờ nhiều mã Bluechips có dấu hiệu ổn định trở lại ngay sau phiên điều chỉnh trên diện rộng ngày 8/7.
Mặc dù không có sự hồi phục thực sự tích cực theo các nhóm ngành, nhưng một số cố phiếu chủ chốt đã thu hút dòng tiền trở lại và sức ép bán ra tại hầu hết các mã còn lại không còn mạnh mẽ như phiên trước đó. Các yếu tố này giúp 2 chỉ số chỉ giảm nhẹ dưới mức tham chiếu và trạng thái kỹ thuật tiếp tục được duy trì tích cực.
Trong ngắn hạn áp lực điều chỉnh đang tiếp tục diễn ra do diễn biến chốt lời của khối nội và đà mua ròng chậm lại của khối ngoại trong liên tiếp 4 phiên gần đây khi giá trị mua ròng chỉ còn duy trì ở mức vài chục tỷ thay vì vài trăm tỷ như các phiên trước đó và trạng thái bán ròng nhẹ trên HOSE đã xuất hiện trong phiên ngày 9/7.
Các phiên hồi phục yếu đi kèm thanh khoản giảm sút như phiên ngày 9/7 có thể do người bán đang quan sát thị trường, chủ động giảm áp lực bán dưới giá tham chiếu. Tuy vậy bất kỳ diễn biến xấu đi bất ngờ nào của thị trường cũng sẽ tác động khiến một đợt bán mạnh nữa xuất hiện. Do vậy nhà đầu tư nên tạo vị thế chủ động trong giai đoạn này, tiến hành chốt lời dần từng phần để bảo toàn lợi nhuận. Việc mua lại có thể cân nhắc nếu dòng tiến tích cực giúp thị trường không bị điều chỉnh quá sâu phá vỡ các mốc cản kỹ thuật trong ngắn hạn.
Chú ý khả năng thay đổi nhóm ngành dẫn dắt xu thế
(CTCK FPT - FPTS)
Chiến lược phù hợp trong giai đoạn này vẫn là tạm dừng mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu xác nhận sau khi chỉ số điều chỉnh giảm về test thành công các mốc hỗ trợ dưới. Các vị thế mua sử dụng đòn bẩy cần phải được cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ lệ vay nhằm tránh rủi ro khi trường xuất hiện những biến động tiêu cực hơn.
Nhà đầu tư cũng cần chú ý khả năng thay đổi nhóm ngành dẫn dắt xu thế. Do nhóm ngân hàng – tài chính đã tăng với biên độ khá lớn trong giai đoạn vừa qua nên nếu thị trường hồi phục trở lại thì dư lực để lên chung theo nhóm ngành này là không nhiều.
Khả năng cao sẽ xuất hiện sự phân hóa mạnh với luân chuyển của dòng tiền sang các nhóm ngành chưa tăng nhiều, trong đó tiêu điểm chú ý có thể sẽ là nhóm cổ phiếu có thông tin tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2015.
Xu hướng ngắn hạn chưa rõ nét
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cân bằng đối với danh mục trung, dài hạn và tập trung vào các mã cổ phiếu cơ bản, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu midcap thuộc các dòng dẫn dắt, còn dư địa hưởng lợi bởi yếu tố thông tin như chứng khoán, bất động sản và các ngành xuất khẩu.
Trong bối cảnh thị trường chưa cho xu hướng ngắn hạn rõ nét, nhà đầu tư có thể tăng cường trading, mua vào khi thị trường giảm điểm và bán ra ở vùng giá cao để tăng cường hiệu quả đầu tư.
Tiếp tục rung lắc, thậm chí giảm điểm
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường sẽ tiếp tục rung lắc, thậm chí giảm điểm trong ngày 10/7 khi lực cầu đã tỏ ra suy yếu tại một số cổ phiếu dẫn dắt như VCB, BID hay BVH, đồng thời hai ETF có thể sẽ sớm dừng mua do trạng thái quỹ đã trở lại mức cân bằng.
Mặc dù vậy, thị trường chỉ đang điều chỉnh thông thường trong một quá trình tăng, và cơ hội trading sẽ sớm xuất hiện trở lại. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị hạ tỷ trọng cổ phiếu trong phiên hôm nay, đồng thời cân nhắc mua lại trong các phiên điều chỉnh sắp tới.
Sự điều chỉnh có thể mạnh hơn
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Thị trường trong ngắn hạn vẫn đang đối mặt với những “rung lắc” và sự điều chỉnh có thể mạnh hơn nếu khối ngoại quay lại bán ròng trong một số phiên tới.
Dù quá trình điều chỉnh có thể còn tiếp diễn, xu hướng lớn hơn của thị trường vẫn là tăng và do đó nhà đầu tư nhìn chung nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu lớn hơn tiền mặt trong danh mục. Việc chốt lời nếu có, nên thực hiện một cách cá biệt và có chọn lọc với những cổ phiếu đã đạt mức kỳ vọng.