ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 10/11.
Rủi ro điều chỉnh đang xuất hiện
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Xét về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng điểm tạm thời được duy trì. Tuy nhiên, áp lực bán tiếp tục diễn ra trên diện rộng và các mã trụ không còn đóng vai trò lực nâng khiến xung lực của thị trường đang yếu đi rõ rệt. Nếu dòng tiền không có sự cải thiện trở lại, tâm lý thận trọng dâng cao kết hợp với vùng trống thông tin hỗ trợ đang xuất hiện trở lại sẽ khiến rung lắc diễn ra mạnh hơn và không loại trừ khả năng điều chỉnh sâu nếu VN-Index mất các mốc hỗ trợ cứng.
Dòng tiền đang mất dần đi sự đồng thuận do tâm lý thận trọng dâng cao. Mặc dù tín hiệu đảo chiều giảm điểm chưa xuất hiện, tuy nhiên, những biến động cung cầu trong ngắn hạn rủi ro điều chỉnh đang xuất hiện do nhiều mã trụ giảm trở lại, tạo tâm lý khá xấu lên diễn biến thị trường chung. Nhà đầu tư do vậy nên tận dụng các nhịp hồi để tiến hành đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng và tiếp tục quan sát vận động của dòng tiền trong các phiên tới.
Thêm một phiên giảm khoảng 2-3 điểm
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
VN-Index giảm nhẹ khi mà nhóm cổ phiếu lớn tăng giá thời gian qua có dấu hiệu chốt lời. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu khác vẫn đi ngược và có mức tăng tương đối tốt, đăc biệt sự tham gia của nhóm đầu cơ mà điển hình là FLC, FIT, SHI… đã giúp thanh khoản của thị trường tăng vọt. Điều này phần nào sẽ hóa giải những áp lực mà nhóm tăng mạnh vừa qua gây ra.
Ở những phiên tới, những cổ phiếu như VNM, FPT, BVH… sẽ tiếp tục có tác động không tích cực đến thị trường, và chắc hẳn nó sẽ phần nào ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư, nhưng kỳ vọng khi thanh khoản gia tăng, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều cổ phiếu nhỏ này tham gia giúp thị trường chống đỡ áp lực suy giảm sâu.
Trong quá trình tăng giá vừa qua của VN-Index, chỉ số này có thể tiếp tục thêm một phiên giảm điểm nhưng mức suy giảm phiên (10/11) khoảng 2-3 điểm và duy trì tại đó, đồng thời khối lượng giao dịch vẫn tích cực. Nếu điều đó là đúng thì khi những cổ phiếu lớn kết thúc điều chỉnh có thể sẽ có cơ hội tăng giá trở lại. Tuy nhiên, ở góc nhìn này, hy vọng rằng sẽ có thêm sự tích cực đến từ những nhóm cổ phiếu khác, và nó sẽ mang đến nhà đầu tư niềm tin lớn hơn.
Xu hướng giằng co vẫn tiếp tục
(CTCK BIDV - BSC)
Xu hướng giằng co vẫn tiếp tục và sẽ còn tiếp diễn nếu không có thêm thông tin hỗ trợ đủ mạnh cho thị trường. Vùng biên độ dao động kỹ thuật là từ 600 đến 615 điểm. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, chốt lãi các cổ phiếu có lãi khá tại các phiên tăng điểm, đồng thời có thể mạo hiểm mở lại vị thế ở những phiên giảm.
Tiếp tục là phiên giằng co giảm điểm
(CTCK Maritime – MSI)
Dòng tiền không còn tập trung vào nhóm Bluechips nữa mà đã phân hóa vào nhóm midcaps và đầu cơ. Thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro điều chỉnh tiếp, không ngoại trừ khả năng VN-Index có thể sẽ điều chỉnh sâu về ngưỡng 590 điểm. Trong phiên 10/11, nhiều khả năng sẽ tiếp tục là phiên giằng co giảm điểm do thị trường không còn nhận được sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư nên hạn chế các hoạt động giao dịch ngắn hạn trong giai đoạn này.
Chưa nên mở vị thế mua mới
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Sự trở lại của một số cổ phiếu đầu cơ là diễn biến khá bất ngờ trong phiên 9/11. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này chỉ là số ít và không có nhiều ảnh hưởng tới diễn biến của thị trường chung. Nhà đầu tư chưa nên mở vị thế mua mới, tạm thời giữ tỷ trọng danh mục ở mức trung bình, chờ VN-Index điều chỉnh về các vùng điểm sâu hơn mới xem xét giải ngân trở lại.
Để lãi chạy, nên hạn chế mở vị thế mới
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Xu hướng ngắn hạn của thị trường tiếp tục là tăng. Dù vậy, khu vực từ 615-640 điểm sẽ là vùng kháng cự có tính chất trung hạn và trừ khi động lực tăng giá mạnh mẽ hơn nữa, “hành trình tăng điểm” của VN-Index sẽ gập ghềnh hơn đáng kể. Do xu hướng tăng chưa thay đổi, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt và áp dụng chiến thuật “để lãi chạy” nhưng nên bắt đầu hạn chế mở các vị thế mới.