Khả năng kết nối, linh hồn của đô thị
Tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về chủ đề đô thị thông minh, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, kết nối là một trong những yếu tố quan trọng, là phần hồn của một đô thị thông minh. Một thành phố chỉ được coi là thông minh khi con người và các thiết bị (things) được kết nối với nhau một cách linh hoạt, hiệu quả qua các giao thức.
Nhìn nhận về vai trò của kết nối, đặc biệt là việc kết nối người dân và các dịch vụ công, với kho dữ liệu lớn trong việc xây dựng thành phố thông minh, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT từng chia sẻ trong Hội nghị Thượng đỉnh về đô thị thông minh như sau: “Chúng ta không phải chỉ tin học hóa giấy tờ mà phải cả cải cách thủ tục hành chính bằng các dịch vụ công trực tuyến.
Và điều này, phải bắt đầu bằng công nghệ. Công nghệ giúp mọi việc trở nên ngắn gọn hơn, tiết kiệm hơn. Chúng ta cũng cần xác định rằng, muốn xây dựng thành phố thông minh sẽ có nhiều việc phải làm, có nhiều khó khăn phải vượt qua”.
Vị Chủ tịch Tập đoàn FPT còn ví von, nếu nhìn vào cách đặt vấn đề hiện tại, chúng ta đang đối mặt với cái vòng luẩn quẩn, cái khó đang bó cái khôn như sau: Muốn có quy hoạch tốt, phải có dữ liệu lớn, dữ liệu tốt. Có vậy thì mới có thể xây dựng được đô thị thông mình. Tuy nhiên, để có được đô thị thông minh thì lại cần có quy hoạch tốt.
Chia sẻ tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 mới đây, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết, sự ra đời của internet, của trí tuệ nhân tạo (AI), đã mang lại nhiều thành tựu to lớn cho sự kết nối. Tuy nhiên, nó cũng mang lại không ít những mối đe dọa về tin giả, tấn công mạng... Hà Nội đang xác định năm 2019 là năm bứt phá xây dựng chính quyền điện tử: giao thông thông minh, y tế thông minh, môi trường thông minh và công dân điện tử.
Trên thực tế, Thủ đô đang là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các hoạt động số hóa, nhất là trong các dịch vụ công để tăng cường tính kết nối giữa các cơ quan - cơ quan, cơ quan chính quyền - người dân… thông qua các dịch vụ trực tuyến, giảm thiểu tiếp xúc giữa người dân và cơ quan công quyền, từ đó, giảm bớt gánh nặng hành chính, thời gian và hạn chế tham nhũng.
Thách thức không nhỏ
Nhìn vào núi công việc đồ sộ mà các đơn vị chuyên môn phải thực hiện, mới thấy rằng, để số hóa (một hợp phần trong việc xây dựng đô thị thông minh) cũng là mọt công việc nhiều khó khăn, cần nhiều thời gian và nhân lực.
Ông Đặng Vũ Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất cho người dân, vì đó là mấu chốt của một đô thị thông minh, chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Tức là phải đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến cho người dân.
“Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy là ngay trong khâu tuyên truyền hiện nay, chúng ta nhiều khi còn bị quá sa đà vào các ngôn ngữ truyền thông. Người dân nghe nhiều đến thành phố thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh mà chẳng hiểu nó thông minh là như thế nào”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, định hướng sắp tới là phải giúp người dân cảm nhận sự thông minh ấy bằng chính các dịch vụ mà họ trải nghiệm và sử dụng. Ví dụ như hiện Hà Nội đang tập trung làm truyền thông trực tuyến, cung cấp hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến để người dân có thể thực hiện các thao tác qua máy tính, ipad, điện thoại.
“Chúng tôi đang phấn đấu sớm đạt cấp dộ 4 để người dân không phải đến cơ quan công quyền nữa”, ông Tuấn kỳ vọng.
Mục tiêu và thành quả bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc số hóa và kết nối dữ liệu lớn. Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của vị đại diện Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, thì đây là một công việc rất gian nan.
Ví dụ, với dữ liệu lớn, thì với khoảng 10 triệu dân cư đô thị, các dịch vụ công trực tuyến cũng phải đáp ứng được cho nhu cầu của ngần ấy người. Các con số dịch vụ công chỉ là cái vỏ, cơ sở dữ liệu của người dân mới là cái nội dung. Có điều, nội dung ấy đang vô cùng phong phú và khả năng khai thác, tập hợp là không hề dễ dàng.
Ngoài ra, vấn đề thời gian, nhân lực và chi phí để có thể thực hiện thu thập dữ liệu, số hóa và kết nối với nhau là không hề đơn giản. Ông Tuấn lấy ví dụ: “Để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm phải mất khoảng 2 năm mới tương đối ổn định, tạm tính rẻ chi phí khoảng 5 USD/người. Vậy với cả triệu dân và cả trăm dịch vụ công thì chi phí là không hề nhỏ (ví dụ hàng chục nghìn ô tô, hàng triệu xe máy, hàng trăm nghìn hồ sơ đất đai…).
4 yếu tố chủ đạo
Chia sẻ kinh nghiệm và những ưu tiên cần có cho việc số hóa, tăng kết nối cho mục tiêu phát triển đô thị thông minh, bà Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đưa ra lời khuyên: “Các bạn cần xác định có 4 yếu tố chính trong chuyển đổi kinh tế số.
Đó là xác định con đường tăng trưởng, áp dụng công nghệ để tăng hàm lượng kinh tế trong sản phẩm; gia tăng vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; tạo ra một diễn đàn quản trị mới, khuyến khích các thử nghiệm, sáng tạo mới; cuối cùng, cần đảm bảo để không để ai bị bỏ lại phía sau, người dân cần được trang bị các kỹ năng, bảo vệ quyền lợi về phúc lợi xã hội, thu nhập người dân, bảo vệ các lợi ích của con người là điểm mấu chốt mà chúng ta cần hướng tới”.
Với một định hướng lớn như xây dựng đô thị thông minh, việc huy động nguồn lực tư nhân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang loay hoay, gặp khó.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Lê Hoàng Uyển Vy, Giám đốc ESP Capital cho biết, quy mô kinh tế Internet tại Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Hiện cộng đồng khởi nghiệp ở lĩnh vực này chỉ có khoảng 4.000 công ty. Các công ty này đều rất nhỏ, đang ở giai đoạn hạt giống và hầu hết (khoảng 90%) chưa nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư. Đây cũng là một cái khó khiến các doanh nghiệp công nghệ chưa thực sự đóng góp được nhiều cho quá trình số hóa.
Thành phố thông minh không phải là đích đến mà là một hành trình
TS. Phạm Long, nghiên cứu viên, Đại học Cork
Thành phố thông minh không phải đích đến, nó là một hành trình, nơi mà người dân và chính quyền đều mong muốn để được sống trong một môi trường ngày càng tốt, bền vững hơn.
Để thực sự đưa ra một giải pháp, cần có đối tác đủ mạnh
Ông Brian Hull, Giám đốc điều hành ABB
Trong tương lai, mọi thứ đều có thể kết nối được. Tất cả sẽ lấy người dân làm trung tâm để xây dựng một thành phố thông minh và bền vững. Phải lưu ý đến vai trò của người dân, câu chuyện kết nối cũng vậy, phải lấy người dân làm hạt nhân.
Tôi nhận thấy, Việt Nam đang có một chính phủ có tầm nhìn rất rõ ràng trong việc phát triển, là sẽ đi đến đâu, mong muốn phát triển như thế nào thông qua việc hoạch định chính sách. Tôi đã nhìn thấy ở Việt Nam có nhiều thiết bị (things) được kết nối một cách thông minh, các dịch vụ công ngày càng được cải thiện. Việt Nam chỉ cần bổ sung thêm kinh nghiệm toàn cầu trong việc phát triển đô thị thông minh, bởi nguồn lực của các bạn hiện là rất tốt. Các bạn cũng cần biết rằng, để thực sự đưa ra được một giải pháp, chúng ta cần phải có các đối tác chứ không một doanh nghiệp, tập đoàn nào có thể tự làm một mình.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com