Dự án Vinhomes Green Bay Mễ Trì (Hà Nội) của Vingroup

Dự án Vinhomes Green Bay Mễ Trì (Hà Nội) của Vingroup

Nhận diện xung lực cho bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Nếu diễn tiến vắc-xin kháng Covid-19 ở trong nước và quốc tế thuận lợi, xung lực để thị trường bất động sản năm 2021 bật lên sẽ đến từ sức hồi phục của nền kinh tế.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục là lực hút

Trong khi nhiều lĩnh vực có dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong năm 2020 phần hao hụt so với năm trước, thì bất động sản lại lội ngược dòng. Bất chấp tác động của Covid-19, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào bất động sản năm 2020 đạt 4,18 tỷ USD, tăng hơn 8% so với con số 3,87 tỷ USD của năm trước. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vốn lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản, với 1,66 tỷ USD.

Những con số trên đem lại triển vọng đầu tư vào bất động sản năm 2021 sẽ khả quan, thậm chí là sôi động hơn năm trước, nếu việc phát triển và lưu hành vắc-xin kháng Covid-19 trên thế giới và trong nước được “xuôi chèo, mát mái”.

Quyết tâm của chính quyền trong giải quyết vướng mắc cho các Dự án trước đây; các Dự án hạ tầng giao thông đang và sắp được hoàn thiện; quy hoạch và kế hoạch triển khai TP. Thủ Đức trong TP.HCM… sẽ là những động lực giúp nguồn cung và sức mua trên thị trường năm 2021 tốt hơn nhiều so với năm trước

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển của DKRA Vietnam

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên luôn tỷ lệ thuận với nhu cầu về bất động sản công nghiệp. Cho nên, bất động sản công nghiệp tiếp tục được định vị là “đứa con cưng” của ngành trong năm 2021, bởi sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng toàn cầu vào khu vực Đông Nam Á ngày càng rõ nét, với xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc được dự báo tiếp tục gia tăng.

Năm 2021 sẽ một năm sôi động hơn của thị trường bất động sản nếu vắc-xin kháng Covid-19 được sử dụng rộng rãi và dịch bệnh trên thế giới được khống chế cùng các biện pháp phong tỏa, hạn chế thời Covid-19 được dỡ bỏ.

Năm 2021, ưu thế từ các hiệp định thương mại, yếu tố chi phí lao động và thuế quan sẽ tiếp tục giúp Việt Nam trở thành điểm đến sáng giá thu hút vốn “ngoại” từ làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc.

Từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư thời gian qua, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận đầu tư của Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam đang hưởng lợi để phát triển bất động sản công nghiệp về lâu dài, bởi thuận lợi không chỉ đến từ các hiệp định thương mại với những cam kết thuế quan, mà còn chi phí lao động, kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia.

Trong khi các công ty đa quốc gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như đồ điện tử, nhưng áp lực cắt giảm chi phí, sẽ có xu hướng dịch sản xuất sang Việt Nam và các quốc gia khác tại Đông Nam Á.

Về xung lực cho bất động sản công nghiệp năm tới, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển tại DKRA Vietnam nhận định, từ nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ năm 2019-2021, phân khúc này sẽ tiếp tục đi lên với một loạt lực đẩy hỗ trợ. Đơn cử, tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2021 được các tổ chức quốc tế dự báo có thể lên đến hơn 6%. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu mới và Việt Nam là điểm đến được quan tâm hàng đầu để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đặt nhà máy. Bằng chứng là Foxconn gần đây đã chính thức chuyển một phần nhà máy sản xuất sản phẩm của Apple sang Việt Nam, kéo các ngành phụ trợ đi theo.

Kinh tế hồi phục và cuộc giải nén lò xo vốn

Thị trường bất động sản ấm lên từ quý III/2020 với số lượng dự án ra mắt, số lượng giao dịch và nhu cầu đầu tư đều tăng lên nhờ kiểm soát tốt Covid-19 đợt 2.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Tư vấn chuyển nhượng bất động sản Sohovietnam cho hay, ngay thời điểm cuối năm, nhu cầu đầu tư mua lại các dự án bất động sản lên tới 20.000 tỷ đồng. Dòng vốn này chủ yếu từ các nhà đầu tư trong nước và tập trung vào mua đất dự án xây căn hộ bán, liền kề - biệt thự, các khu đô thị rộng 5 - 300 ha, kể cả các dự án hỗn hợp đang xây dở dang.

“Một số dự án đã được nhà đầu tư đàm phán và xem xét. Thị trường Hà Nội, TP.HCM đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, trải rộng ở các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, khu đô thị, nhà liền kề - biệt thự - shophouse, văn phòng”, ông Cần nói. Ông Cần cũng cho biết, nhu cầu mua dự án nhà liền kề, nhà phố, biệt thự và khu đô thị lớn ở các tỉnh quanh Hà Nội, TP.HCM đang rất lớn.

Trong năm 2021, nhà đầu tư tiếp tục nhu cầu tìm kiếm và mua lại các dự án bất động sản ở các phân khúc nêu trên. Trong dòng vốn “ngoại” đổ vào bất động sản theo hình thức mua lại, nhà đầu tư Nhật Bản có nhiều tiềm năng, bởi họ có lượng lớn tiền mặt sẵn có cộng với khẩu vị săn tìm những tài sản sẵn có để hạn chế rủi ro.

“Nhật Bản có các công ty chuyên phát triển bất động sản và những công ty này đang quan tâm nhiều đến việc mua lại quỹ đất để xây dựng dự án chung cư, liền kề và biệt thự”, ông Cần lưu ý.

Theo các nhà phân tích của mạng lưới thông tin bất động sản Asia Property HQ, đầu tư nước ngoài là một trong 5 xung lực cho thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo. Họ cho rằng, việc Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản là điều không lạ, vì các nhà đầu tư từ Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là thị trường màu mỡ với lợi nhuận đầu tư cao, còn Covid-19 chỉ là vật cản đường ngắn hạn.

Hơn nữa, giá nhà trung bình ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc. Đơn cử, một căn hộ cao cấp ở vị trí đắc địa tại TP.HCM có giá khoảng 5.000 USD/m2, trong khi căn hộ tương tự ở Singapore và Hồng Kông đắt gấp 4 lần.

Ngoài ra, việc Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao (khoảng 7%/năm) trước Covid-19 và tăng trưởng năm 2020 dự báo hơn 2% dù chịu tác động của dịch bệnh, cũng là xung lực quan trọng cho bất động sản năm 2021.

Việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021, cùng với 1,5 - 2 triệu người Việt tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu mỗi năm theo dự báo của Tập đoàn Tư vấn quản lý Boston… sẽ đẩy nhu cầu mua bất động sản tăng cao hơn và thực tế nhu cầu này đã được kiểm chứng qua tín dụng cho vay mua nhà tăng lên trong những năm qua.

“Khách mua ở các đô thị lớn và những người có thu nhập khả dụng cao sẽ đẩy nhu cầu bất động sản tăng lên trong năm 2021”, chuyên gia Asia Property HQ dự báo.

Còn theo quan sát của DKRA Vietnam, thị trường bất động sản năm 2021 khó có thể kỳ vọng như giai đoạn 2017 - 2018, nhưng vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi, đặc biệt là thị trường bất động sản TP.HCM và vùng lân cận.

Xung lực cho thị trường bất động sản năm 2021 còn đến từ các yếu tố vĩ mô, những chuyển động chính sách và quy hoạch của năm trước. Sự ổn định và phục hồi của kinh tế vĩ mô, bao gồm cả yếu tố an toàn xã hội khi dịch bệnh được kiểm soát và có vắc-xin; việc ban hành và điều chỉnh một số quy định pháp luật như Nghị định 148/2020/NĐ-CP được ban hành cách đây ít ngày khiến doanh nghiệp bất động sản vơi bớt nỗi lo dự án mắc kẹt vì đất công xen cài hay Nghị định số 25/2020/NĐ-CP giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai cho dự án bất động sản với quy định dự án nào không đủ điều kiện đấu giá, thì chuyển sang đấu thầu… sẽ là đòn bẩy để thị trường năm 2021 tiến bước.

Tin bài liên quan