Nhận diện thủ đoạn làm giả sổ đỏ

Nhận diện thủ đoạn làm giả sổ đỏ

(ĐTCK) Liên tục các vụ việc bán nhà đất với sổ đỏ giả được cơ quan chức năng phát hiện khiến không ít người mua bán nhà đất ngán ngẩm.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo tinh vi, lại được sự trợ giúp của công nghệ in ấn hiện đại, nên các nhóm lừa đảo có thể qua mặt khách hàng dễ dàng.

Theo cơ quan điều tra, có hai dạng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả phổ biến. Thứ nhất là sổ đỏ làm từ phôi thật do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho các địa phương. Vì lý do nào đó, phôi thật bị đánh cắp và tuồn ra ngoài. Các đối tượng đã làm giả nội dung in trên đó như vị trí ô đất, con dấu, chữ ký của người có trách nhiệm… Dạng thứ hai là các đối tượng làm giả hoàn toàn cả phôi và nội dung in trên sổ đỏ.

Trường hợp thứ nhất gần đây bị phát hiện rất nhiều và do làm trên phôi thật nên các đối tượng qua mặt được cả ngân hàng, thậm chí cả phòng công chứng. Đơn cử vụ việc một văn thư kiêm thủ quỹ Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cùng đồng bọn scan chữ ký của lãnh đạo địa phương để in lên sổ đỏ, lừa đảo các hộ dân đến làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Trước đó, một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã trộm phôi thật, mang sổ đỏ giả được làm từ phôi thật đem bán đất “ảo” cho nhiều người. Tương tự, một nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm (Hà Nội) lấy trộm 20 phôi sổ đỏ tiếp tay cho kẻ xấu chế ra hàng loạt sổ đỏ giả để thế chấp ngân hàng, doanh nghiệp vay tiền.

Nhiều đối tượng đã sử dụng hồ sơ mua bán nhà đất kèm sổ đỏ giả, giao dịch có dấu công chứng để lừa đảo

 

Cơ quan Công an Thành phố Hà Nội cho biết, các địa phương hàng năm đều nhận phôi sổ đỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và có nhiệm vụ quản lý số hiệu phôi. Địa phương nào cấp sổ đỏ thì ghi trong hồ sơ số phôi và số quyết định cấp. Đây là hai yếu tố quan trọng để biết sổ đỏ là thật hay giả. Chỉ cần so sánh hai số đó, nếu một hoặc cả hai đều không có trong hồ sơ lưu tại các địa phương là sổ đỏ giả, kể cả trường hợp sổ giả được in trên phôi thật.

Sau những vụ việc nêu trên, cơ quan quản lý khuyến cáo các địa phương quản lý chặt chẽ phôi sổ đỏ cũng như hồ sơ, sổ lưu đảm bảo bí mật số quyết định cấp cho sổ đỏ để tránh bị các đối tượng lợi dụng.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp khi xem xét các giao dịch liên quan đến sổ đỏ như thế chấp, mua bán nhà đất… cần phân biệt rõ chứng thực và công chứng. Luật Công chứng 2007 cho phép sự ra đời của các văn phòng công chứng do các công chứng viên đứng ra lập, bên cạnh đó còn có các phòng công chứng do cơ quan có thẩm quyền lập. Kết quả công chứng của cả hai dạng cơ sở trên đều có giá trị pháp lý như nhau. Khi chứng thực các giao dịch, nếu phát hiện sổ đỏ có vấn đề hoặc giao dịch đó mờ ám, công chứng viên có trách nhiệm báo cáo các cơ quan chức năng và khuyến cáo người dân hậu quả cũng như tranh chấp có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc chứng thực một bản sao sổ đỏ (chứng thực từ giấy tờ gốc) chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, khác với công chứng hoạt động giao dịch mua bán nhà đất. Trên thực tế, lợi dụng sự hiểu nhầm của không ít người dân về công chứng và chứng thực, nhiều đối tượng đã sử dụng hồ sơ mua bán kèm sổ đỏ giả, giao dịch có dấu công chứng để lừa đảo.

Trước vấn nạn sổ đỏ giả xuất hiện nhiều như hiện nay, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân khi thực hiện mua bán nhà đất nên nộp hồ sơ mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền (văn phòng đăng ký giao dịch đảm bảo nhà đất) tại các địa phương để xác định rõ nội dung, thẩm định tính chính xác của sổ đỏ. Giao dịch như vậy đồng nghĩa với việc người dân phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế trước bạ, thuế thu nhập… Cơ quan chức năng dự kiến sẽ tuyên truyền, phổ biến các dấu hiệu nhận biết đơn giản bằng mắt thường để người dân có thể phân biệt các loại giấy tờ nhà đất giả, từ đó, hạn chế rủi ro trong giao dịch.