Bất động sản rõ ràng là một “hàn thử biểu” của nền kinh tế, bởi chỉ vướng một chút e ngại, lăn tăn về khả năng bị ảnh hưởng thu nhập trong tương lai là người dân sẽ cân nhắc lại quyết định mua nhà.
Trong một bình diện rộng hơn, mới đây, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nửa đầu năm 2018 đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn dễ bị tác động bởi các thách thức trong và ngoài nước.
Tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới. Căng thẳng thương mại leo thang toàn cầu cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Với nguồn dữ liệu và kinh nghiệm phân tích diễn biến kinh tế thế giới, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, tăng so với ước tính trước đó (tương ứng là 3,7% và 4%).
Phía ADB cũng cho rằng, nếu căng thẳng thương mại leo thang gây tác động đáng kể đến thương mại, phá vỡ mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ bị tác động xấu. Những diễn biến như vậy không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu, mà còn kìm hãm FDI. Tình hình biến động gia tăng trên thị trường tài chính quốc tế cũng là một rủi ro.
Đồng quan điểm, trong một trao đổi mới đây với người viết, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, dù có triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2018, nhưng không thể xác định rằng năm 2019 vẫn tiếp tục “xuôi chèo mát mái”.
Theo ông Châu, lạm phát sẽ là thách thức không nhỏ. Và việc kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vừa đáng mừng, nhưng cũng hàm chứa nhiều thử thách.
Chúng ta đang nói nhiều về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất đồng trong kinh doanh giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.
Đặc biệt, đang nhìn nhận rất tích cực về triển vọng phát triển các phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ để đón làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia rời khỏi Trung Quốc và cả của chính các doanh nghiệp từ nước này.
Tuy nhiên, chúng ta lại chưa đề cập nhiều đến các rủi ro có thể xảy đến.
Vị Chủ tịch HoREA cho rằng, với nền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Họ chỉ cần “hắt hơi”, “sổ mũi” là ta đã bị ảnh hưởng. Do đó, cần phải tiếp tục quan sát kỹ diễn biến chiến tranh thương mại.
Chúng ta phải đề phòng việc Trung Quốc dùng các biện pháp tự vệ để bảo vệ nền kinh tế và điều đó ảnh hưởng tới Việt Nam ra sao. Ví dụ như việc đánh sụt giá đồng Nhân dân tệ để đối phó với trừng phạt thương mại từ phía Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam và thị trường bất động sản cũng không là ngoại lệ.
Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, HoREA liên tiếp phát hành 2 công văn có nội dung gần như ngược nhau, liên quan đến kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019.
Cụ thể, Công văn số 117/CV-HoREA ngày 29/9/2018, HoREA kiến nghị áp dụng mức 45%; đến ngày 12/10/2018, sau khi có cuộc làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, HoREA đã phát hành tiếp Công văn số 124/CV-HoREA, đề xuất giữ nguyên lộ trình siết tín dụng do Ngân hàng đề ra trước đó (áp dụng tỷ lệ tối đa là 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019).
Theo lý giải của ông Châu, việc phát hành liên tiếp hai văn bản thay đổi mức đề xuất đến từ việc nhận thấy sự cần thiết của việc siết tín dụng và trên cơ sở phân tích các diễn biến chung của kinh tế thế giới, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống tín dụng, giảm dần sự phụ thuộc của thị trường bất động sản vào nguồn tín dụng ngân hàng, tạo áp lực có tính tích cực, để thị trường và các chủ đầu tư phát triển lành mạnh, bền vững hơn.