Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 mới đây của Bảo hiểm Quân đội (MIC) - đơn vị thành viên của Ngân hàng Quân đội (MB), đã thông qua chủ trương thành lập chi nhánh/công ty/công ty liên doanh tại nước ngoài. Giới quan sát cho rằng, MIC sẽ cần nhiều thời gian tìm hiểu về thị trường bảo hiểm hải ngoại để triển khai chủ trương này.
Trong khi đó, với những ngân hàng đã mở chi nhánh/công ty con tại thị trường nước ngoài, sẽ có những thuận lợi nhất định nếu muốn “dọn đường” cho công ty bảo hiểm thành viên lấn sâu hơn ở hải ngoại.
Tại thị trường bảo hiểm Campuchia, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI) tăng trưởng 29%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 25%.
CVI đang là doanh nghiệp dẫn đầu về nghiệp vụ bảo hiểm hàng không tại thị trường này với khoảng 90% thị phần khi tham gia bảo hiểm cho phần lớn các hãng hàng không tại quốc gia này.
Được biết, dự kiến trong năm nay, BIC sẽ hoàn thiện các thủ tục để nhận chuyển nhượng 51% vốn tại CVI từ IDCC (công ty đầu tư tài chính do BIDV thành lập tại Campuchia).
Tất nhiên, không phải thị trường nước ngoài nào cũng gặp thuận lợi, bởi sau thời gian “trăng mật”, khó khăn bắt đầu lộ diện. Chẳng hạn, tại thị trường bảo hiểm Lào, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết, năm 2017, thị trường này phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc chỉ đạt 5,6%, thấp hơn nhiều so với con số 22% của năm 2016. Riêng với Bảo hiểm LVI (liên doanh giữa Ngân hàng Ngoại thương Lào, Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt và BIC), doanh thu và lợi nhuận năm 2017 không đạt kỳ vọng.
Thị trường bảo hiểm Lào những năm gần đây chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Số lượng hãng bảo hiểm tại Lào tăng nhanh, từ 7 hãng năm 2015 lên 23 hãng năm 2017 (trong đó, 14 hãng đang hoạt động và 9 hãng chuẩn bị hoạt động trong năm 2018).
Nhiều hãng bảo hiểm, đặc biệt là những hãng mới gia nhập thị trường, sẵn sàng thực hiện các biện pháp cạnh tranh phi kỹ thuật (hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản hợp đồng…), đồng thời liên tục triển khai các chương trình khuyến mại “sâu” để thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, nguồn doanh thu của thị trường bảo hiểm Lào hiện phụ thuộc rất nhiều vào các dự án lớn, nếu các dự án này gặp khó khăn thì ngay lập tức ảnh hưởng doanh thu của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, với LVI, từ năm 2016 tới nay, các dự án đầu tư về năng lượng, khai khoáng, giao thông, nông nghiệp… của Việt Nam tại Lào đều không thuận lợi, gây tác động tới kết quả kinh doanh của LVI.
Thị trường cạnh tranh khốc liệt, song không phải là thiếu điểm sáng. Chẳng hạn, kết thúc năm 2017, doanh thu của Bảo hiểm LAP (liên doanh giữa PTI và Ngân hàng Phát triển Lào) đạt 4,2 triệu USD, cao thứ 4 trong số các công ty bảo hiểm
phi nhân thọ tại thị trường Lào.
Tại thị trường bảo hiểm Lào, LVI đang đứng thứ 2 về thị phần phí bảo hiểm gốc (dự kiến khoảng 21% năm 2018) và là một trong những công ty bảo hiểm có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2017 của LVI tăng trưởng 31% so với năm 2016. Tỷ lệ chi phí kết hợp của LVI năm 2017 là 89,1%, trong đó tỷ lệ bồi thường là 27,1% - những con số đáng mơ ước nếu so với thị trường bảo hiểm Việt Nam.
“Năm 2018, dự báo thị trường bảo hiểm Lào tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, LVI đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng tối thiểu 15% so với 2017, ROE duy trì ở mức từ 10-12%”, ông An cho biết.
Được biết, ngoài thị trường bảo hiểm Lào và Campuchia, một số hãng bảo hiểm Việt Nam cũng từng tìm hiểu về thị trường bảo hiểm Myanmar nhằm mở rộng thị trường, nhưng phải tạm dừng vì nhiều khó khăn, nổi bật trong đó là vốn đầu tư cao.