Nhận diện sức ép đối với tỷ giá USD

0:00 / 0:00
0:00
Giá USD ổn định trong nhiều năm, thậm chí còn giảm trong hơn 2 năm qua, nhưng đang đứng trước thách thức tăng trong thời gian tới.
Lượng ngoại tệ vào Việt Nam có xu hướng ít hơn trước.

Lượng ngoại tệ vào Việt Nam có xu hướng ít hơn trước.

Một trong những kết quả nổi bật về kinh tế vĩ mô nói chung và tiền tệ nói riêng là giá USD được ổn định trong hàng chục năm, thậm chí còn giảm trong hơn 2 năm qua. Trong thời kỳ 2012-2021, giá USD bình quân tăng chưa đến 0,95%/năm.

Việc ổn định của tỷ giá USD đã góp phần ổn định và cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, kiểm soát lạm phát, giảm sức ép đối với các khoản vay bằng tiền tệ của quốc gia, của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác, củng cố lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Sự ổn định này là kết quả của nhiều yếu tố.

Yếu tố quan trọng hàng đầu là lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đạt quy mô lớn. Cán cân thương mại hàng hóa mang dấu dương (xuất siêu) trong 6 năm liên tục, với tổng quy mô lên đến 45.286 triệu USD, bình quân đạt 7.545 triệu USD/năm. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện từ năm 2012 đến 2021 đạt trên 161 tỷ USD, bình quân năm đạt trên 16 tỷ USD. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ năm 2012 đến nay đạt khoảng 34 tỷ USD, bình quân đạt 3,4 tỷ USD/năm. Lượng kiều hối từ năm 2012 đến năm 2021 đạt trên 148,1 tỷ USD, bình quân đạt trên 14,8 tỷ USD/năm. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2021 đạt 71,54 tỷ USD, bình quân gần 7,2 tỷ USD/năm...

Yếu tố quan trọng nữa là lạm phát đã được kiểm soát theo mục tiêu, nhất là từ năm 2014 đến nay (bình quân 1 năm tăng 2,79%), góp phần làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ...

Ngoài ra, còn có yếu tố quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước đối với tiền tệ - tín dụng nói chung và ngoại tệ nói riêng.

Song, thời gian tới, khó tránh sức ép tăng tỷ giá.

Lượng ngoại tệ vào Việt Nam có xu hướng ít hơn trước. Xuất siêu hàng hóa giảm mạnh trong năm 2021 (đạt gần 4,1 tỷ USD). Mục tiêu của Bộ Công thương đưa ra là tiếp tục xuất siêu với mức 4-8 tỷ USD, nhưng 2 tháng đầu năm đã nhập siêu 581 triệu USD. Cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra cùng các hiệu ứng phụ sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường này và các thị trường có liên quan.

Về dịch vụ, năm nào cũng nhập siêu. Năm 2021 là 15,7 tỷ USD, năm 2022, mức nhập siêu có thể giảm, nhưng khó ở mức dưới 10 tỷ USD.

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 2021 đã giảm nhẹ; khả năng năm 2022 có thể không giảm, nhưng mức tăng cũng không cao. Tỷ giá VND/USD đã giảm trong hơn 2 năm qua - một hiện tượng chưa từng xảy ra trong các năm trước, nên gần như khó xảy ra trong 3 năm liền. Ngoài yếu tố lượng tiền tệ từ nước ngoài vào Việt Nam như đã đề cập ở trên, còn có những yếu tố khác đáng quan tâm. Trong đó, tỷ giá thương mại hàng hóa cũng mang dấu âm trong 2 năm liền, mà tỷ giá thương mại hàng hóa mang dấu âm thì có lợi cho nhập khẩu, bất lợi cho xuất khẩu, dễ dẫn đến nhập siêu, tác động xấu đến tốc độ tăng trưởng GDP.

Trên thế giới đang có nhiều biến động đáng quan tâm. Chỉ số USD-Index đã tăng và tiến sát mốc 100 điểm. Biến động các đồng tiền so với USD diễn ra ở hầu hết các nước. Giá nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao. Giá dầu đã vượt qua 140 USD/thùng và được dự báo sẽ vượt 200 USD/thùng. Giá vàng đã vượt 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng trong nước tính đổi còn cao hơn giá vàng thế giới, nên sẽ diễn ra tình trạng mua USD để nhập khẩu vàng về bán trong nước...

Với sức ép như trên, việc tăng tỷ giá VND/USD là khó tránh khỏi.

Tin bài liên quan