Dòng tiền và chất lượng tài sản thế chấp của nhiều doanh nghiệp ở mức thấp.

Dòng tiền và chất lượng tài sản thế chấp của nhiều doanh nghiệp ở mức thấp.

Nhận diện rủi ro nợ xấu 2023

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 02/2023 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ được đánh giá là đang chuyển một phần rủi ro từ doanh nghiệp sang ngân hàng.

Nợ xấu trong xu hướng đi lên

Chất lượng tín dụng đang đi xuống ở nhiều ngành, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực từ đầu quý III/2022. Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 2/2023 là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2% vào cuối năm 2022).

Trong đó, hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng là sự đóng băng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và khó khăn của ngành bất động sản.

Theo số liệu thống kê của FiinGroup, nợ xấu liên quan đến bất động sản tính đến cuối năm 2022 chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) của các nhà băng tại thời điểm cuối quý I/2023 đều tăng so với số đầu kỳ. Thống kê cho thấy 26 ngân hàng có hơn 167.923 tỷ đồng nợ xấu, tăng 24,18% so với số đầu kỳ (trong đó nợ nhóm 5 chỉ tăng hơn 3,05%).

Các nhà băng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trong quý I/2023 gồm: TPBank (+83,96%), MBBank (+68,02%), OCB (+51,4%), VIB (+46,69%), BIDV (+40,32%), ABBank (+35,25%), MSB (+33,76%), ACB (+31,47%), TCB (+30,13%)… Toàn hệ thống chỉ có VietABank và PGBank ghi nhận nợ xấu giảm lần lượt 0,37% và 3,48%.

Theo giới phân tích, khó khăn trong ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chưa được giải quyết, sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu…

Kể từ quý II/2022, Chính phủ đã bắt đầu giám sát chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều vụ án liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố, cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153, khiến thị trường này gần như đứng hình, qua đó khiến các doanh nghiệp bất động sản bị tắc thanh khoản, khó khăn, đối mặt với nguy cơ vỡ nợ cao.

Mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 đến quý I/2023, nên các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao. Việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Nghị định 08/2023, sửa đổi các nghị định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Sau nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đã bắt đầu có tín hiệu hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, do mặt bằng lãi suất cho vay đã tăng mạnh trong nửa cuối 2022 đến quý I/2023 nên các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Mặt khác, việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa hồi phục khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đói vốn. Điều này ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, khiến khả năng trả nợ suy giảm, qua đó tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

Rủi ro vẫn lớn

Số liệu của FiinGroup cho thấy, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ trái phiếu, với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong đó, có 43 doanh nghiệp bất động sản (62,3%), với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng giá trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Theo FiinGroup, ngành bất động sản có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17%, cao thứ hai sau ngành năng lượng, nhưng quy mô lại lớn hơn rất nhiều. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện đang có quy mô lưu hành lên tới hơn 396.300 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Điểm chung của các doanh nghiệp bất động sản chậm trả nợ trái phiếu là đòn bẩy tài chính tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2017 - 2021, tài sản hữu hình (thường là tài sản sinh lời) của các công ty bất động sản chỉ tăng 32%, trong khi khoản phải thu (thường đến từ hợp đồng cho vay các bên liên quan) và khoản đầu tư dài hạn (thường là khoản đầu tư vào các công ty con và liên kết) lại tăng gấp hơn 4 lần.

Vì dòng tiền không được tập trung đầu tư vào tài sản sinh lời nên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính không tăng trưởng tương xứng với nợ vay. Khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này giảm mạnh do EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) chỉ tăng 4 lần, trong khi nợ vay tăng 15 lần.

Trong một thời gian dài, nợ vay trên tương quan với EBITDA lên tới 30,5 lần vào năm 2020 và 23,5 lần vào năm 2021. Đây là mức quá cao so với kỳ hạn bình quân của một trái phiếu và các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp này.

Mặc dù hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản khởi sắc trong tháng 3/2023, nhưng vẫn giảm 97,1% về quy mô phát hành so với cùng kỳ năm trước. FiinGroup cho rằng, vấn đề cần quan tâm là hơn 396.300 tỷ đồng trái phiếu đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong năm 2023 và 2024.

“Nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách phát huy hiệu quả và môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực 107.500 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023, trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại”, FiinGroup cảnh báo.

Báo cáo của Thống đốc NHNN cũng cho thấy, tính tới cuối tháng 2/2023, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021. Nợ xấu gộp toàn hệ thống đã lên tới 5%. Trước bối cảnh nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng, ngày 23/4/2023, NHNN đã ban hành liên tiếp hai thông tư có hiệu lực ngay, điều chỉnh hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng (Thông tư số 03/2023/TT-NHNN) và quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn (Thông tư số 02/2023/TT-NHNN).

Với Thông tư 02, các ngân hàng có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ, trong khi các khoản dự phòng có thể được trích dần trong 2 năm. Về phía ngân hàng, Thông tư 02 giúp áp lực lên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang nửa cuối năm 2024.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, chính sách mới này là cần thiết, bởi nhu cầu tái cơ cấu nợ của khách hàng cao, vì rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế gặp khó khăn. Đối với cá nhân, mảng cho vay bất động sản tiêu dùng cũng đang có khó khăn nhất định, do thu nhập giảm. Nếu không cho phép giãn nợ, cơ cấu thì họ sẽ mất khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo sẽ bị tịch thu bởi ngân hàng cho vay.

Còn Thông tư 03 có quy định cho phép các ngân hàng được mua lại trái phiếu chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán trước đây mà không bị hạn chế về thời gian (12 tháng như quy định trước đó), với điều kiện trái phiếu đó đáp ứng các điều kiện nêu tại Khoản 4, Thông tư 16.

Giới chuyên gia đánh giá, các chính sách mới góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng với các ngân hàng, Thông tư 02 chỉ giúp giảm áp lực nợ xấu trong năm nay. Còn trong năm tới, khi thông tư này hết hiệu lực, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng cao trở lại.

Tin bài liên quan